Món ngon đặc trưng ngày tết của ba miền
     
Do đặc điểm khí hậu, khẩu vị khác nhau của ba miền Bắc - Trung - Nam mà ẩm thực ngày Tết của từng vùng cũng có những món ăn đặc trưng mang phong vị rất riêng không lẫn vào đâu. Trong tâm thức của người Việt, mâm cơm ngày Tết luôn mang ý nghĩa thiêng liêng là dịp để gia đình sum họp gắn kết tình thân. Vậy món ăn nào gợi nhớ hương vị Tết nhất trong bạn? Hãy cùng khám phá nhé!
 
Món Tết miền Bắc cầu kỳ, tinh tế
 
 
Tết ở miền Bắc có rất nhiều món ăn cầu kỳ trong cách chế biến, vừa tinh tế lại vừa mang nhiều ý nghĩa, tượng trưng cho sự may mắn, đủ đầy cả năm. Trong tiết se lạnh của ngày Tết, người miền Bắc dường như nuông chiều bản thân hơn với các món như bánh chưng, giò lụa, dưa hành, nem rán, canh măng chân giò, thịt đông thật béo và đầy năng lượng.
Bánh chưng là linh hồn của ngày Tết miền Bắc, được gói bằng thứ gạo nếp thơm dẻo với màu xanh mướt mắt. Bánh chưng thường ăn với dưa hành, vừa làm tăng hương vị, lại “chống” ngán. Kế đến là thịt đông - món ăn khá lạ lùng, vốn nguội lạnh, lại ăn trong tiết trời lạnh giá và kèm với dưa cải chua mới ngon.
Ngoài ra, còn có đĩa xôi gấc đỏ tươi, gà luộc rắc lá chanh, giò lụa, giò xào, nem rán, kèm đĩa nộm nhiều rau củ để mâm cơm thêm ngon miệng. Bên cạnh đó, người ta còn chuẩn bị thêm nồi cá chép hoặc cá trắm kho riềng, nồi thịt bò kho quế, món nào cũng đậm đà hương vị. Các món xào, món canh thì rắc thêm hành, rau thơm lên trên. Mâm cơm gợi nhớ một bức tranh màu sắc của bốn mùa, mong muốn một năm mới ấm no, hạnh phúc.

Món Tết miền Trung dân dã, thể hiện sự chắt chiu 
 
 
Tết miền Trung không có bánh chưng mà là bánh tét, được gói bằng lá chuối theo hình trụ, ăn với dưa món. Những món ăn đặc trưng ngày Tết còn có gà luộc, thịt heo, trứng chiên, đồ xào, canh thịt, rau sống, cơm trắng… và không thể thiếu những món ăn dân dã như nem chua, tré, hay gỏi bên cành mai vàng khoe sắc. Các món ăn được chia ra thành từng đĩa nhỏ, mỗi thứ một ít, bày biện trên chiếc mâm tròn, như một cách thể hiện sự chắt chiu và san sẻ.
Ngoài ra, những món Tết miền Trung còn chú trọng đến yếu tố lưu trữ nên thường có các món mặn như: tôm rim, thịt kho Tàu, cuốn ram, thịt hon, thịt phay, thịt ngâm nước mắm… rồi có thêm các món đồ mộc như: măng khô xào thịt, mít trộn... Thêm vào đó, với thói quen “cuốn” trong văn hóa ẩm thực nên mâm cơm ngày Tết cũng thường xuất hiện các món cuốn từ thịt luộc cuốn bánh tráng, nem lụi cuốn bánh tráng, rồi thịt kho, cá kho, cá hấp cũng có thể cuốn chung với bánh tráng và rau sống.

Món Tết miền Nam đơn giản nhưng phong phú 
 
 
Món ăn Tết miền Nam đơn giản nhưng vô cùng phong phú. Bánh tét không chỉ có nhân thịt heo đậu xanh mà còn biến tấu thành nhiều kiểu như bánh tét chay, bánh tét ngọt, bánh tét nhân thập cẩm, đặc biệt là bánh tét lá cẩm, lá gấc, bánh tét ngũ sắc. Ngoài ra, Tết ở miền Nam không thể thiếu nồi thịt kho tàu hay còn được gọi là thịt kho hột vịt hay thịt kho nước dừa, ăn kèm với dưa giá cải chua. Khổ qua hầm thịt cũng là món đặc trưng ngày Tết có tác dụng thanh mát cơ thể. Người miền Nam ăn món này đầu năm với mong ước năm mới Tết đến mọi sự khổ cực đều qua đi, mang lại niềm may mắn trong cuộc sống.
Và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến món tai heo ngâm giấm, nem bì, lòng heo khìa, giò heo nhồi, lạp xưởng tươi, gỏi gà xé phay trộn củ hành, củ kiệu chua, tôm khô kiệu chua. Nếu ngán những món quá nhiều thịt mỡ, người ta làm cá lóc nướng hay hấp, cuốn với bánh tráng, vừa bổ sung thêm rau xanh, vừa dễ ăn. Ngoài ra ở miền Nam còn có món tráng miệng rất đặc sắc đó là cơm rượu.

Ngày nay, do sự giao thoa về văn hóa, mâm cỗ Tết mỗi miền có thể thêm sự góp mặt của món ăn miền khác, tùy theo sở thích của mỗi gia đình. Vì vậy, món ăn ngày Tết ngày càng trở nên phong phú, đa dạng và ngon miệng hơn. 
 
www.vietravel.com
TIN LIÊN QUAN