Những món bánh tuổi thơ tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ
     
“Hội thi Bánh dân gian” trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2019 đã khai mạc sáng 13-4 tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ. Hội thi do Cục Văn hóa cơ sở- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức.
 
 
Hội thi năm nay khiến người tham quan, kể cả ban giám khảo thích thú khi gặp lại nhiều loại bánh từng in đậm trong ký ức tuổi thơ của nhiều người, thậm chí tưởng đã thất truyền. Những chiếc bánh xuất hiện trở lại trong hội thi khoác lên mình kiểu dáng mới, sang trọng và hoàn toàn có thể trở thành một đặc sản.
 
Bánh nghệ Gò Công – món ngon được khôi phục
 
Bánh nghệ Gò Công (Tiền Giang) là một ví dụ. Nghệ nhân Năm Lâm cho biết, loại bánh này giờ ít xuất hiện, tên “nghệ” không phải làm từ củ nghề mà là tài nghệ, hoa tay khi làm nên những chiếc bánh kiểu như bánh hỏi nhưng đều tăm tắp, hoàn toàn bằng thủ công. Hay với bánh tằm se tay ăn với xíu mại ở Ngan Dừa (Hồng Dân- Bạc Liêu), nghệ nhân Trần Thu Hồng cho hay, bây giờ bánh tằm thường làm bằng máy, sợi nhỏ nhưng bánh tằm Ngan Dừa vẫn được se tay, hòa nước cốt dừa vào bột nên hương vị rất độc đáo…
 
Bánh tằm se tay xíu mại
 
Rau củ quả được sáng tạo làm nên bánh dân gian
 
Điều thú vị là hàng chục loại bánh được giới thiệu đều thân thiện với môi trường, không dùng màu công nghiệp. Các nghệ nhân đã sử dụng cây nhà lá vườn để tạo màu, tạo mùi, hòa vào nhân, thân bánh nên rất lạ mắt, lạ miệng và an toàn. Ví như chè trôi nước ngũ sắc, 5 màu cho 5 viên chè đều tạo ra từ rau củ; nghệ nhân Bình Phước dùng đặc sản hạt điều làm nhân bánh giá… Qua đó cho thấy tài hoa và sức sạng tạo của người làm ra bánh ngon.
 
Hội thi Bánh dân gian diễn ra từ ngày 13-4 đến ngày 16-4-2019 với chủ đề “Bánh dân gian Việt Nam, hội nhập và phát triển”. Đây là lần đầu tiên hội thi này được mở rộng ra quy mô toàn quốc; thu hút 30 đội thi, gồm 84 nghệ nhân với 70 món bánh được trình diễn và thi tài.
Ngay sau lễ khai mạc, các nghệ nhân đến từ Tiền Giang, An Giang, Bình Phước, Bạc Liêu và Cần Thơ đã chế biến dự thi 11 loại bánh dự thi.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục Trưởng Cục Văn hóa cơ sở, cho biết: “Sau nhiều lần tổ chức, Hội thi Bánh dân gian thực sự mang lại ý nghĩa bảo tồn và phát triển các loại bánh dân gian, lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể trong từng chiếc bánh, món ngon. Đặc biệt, Hội thi còn là động lực để nghệ nhân an tâm làm nghề và giữ nghề, góp phần phát triển du lịch cho mỗi địa phương”.
 
Duy Khôi
TIN LIÊN QUAN