Bí kíp đảm bảo an toàn khi phượt bằng xe máy
     
Kinh nghiệm như chuẩn bị đồ cá nhân, kỹ năng xử lý tình huống khi quyết định khám phá một vùng đất mới bằng xe máy.
 
Chuẩn bị phương tiện

Trước mỗi chuyến đi, bạn nên kiểm tra kỹ xe. Hãy chăm sóc và đối xử tốt với xe của mình vì đó là người bạn đồng hành với ta trên suốt quãng đường.
 
- Kiểm tra còi, đèn pha, xi nhan, gương, thay dầu máy, nước làm mát, tăng xích trùng, thay má phanh (nếu mòn).
 
- Kiểm tra lốp, săm thật kỹ. Nếu lốp mòn, săm bị "cắn đinh", bạn nên thay mới.
 
 
Ảnh: Sưu tầm
 
- Cất chứng minh thư, bằng lái, giấy tờ xe vào túi nylon chống nước.
 
- Nên in bản sao chứng minh thư và ghi thêm thông tin về nhóm máu, số điện thoại liên hệ người thân. Các loại giấy tờ này nên để ở túi áo ngực, nếu xảy ra tai nạn sẽ có người lục túi áo bạn để lấy thông tin cần thiết và gọi cho người thân.
 
- Đừng quên mang chìa khóa xe dự phòng trong balo, đề phòng trường hợp bạn làm rơi chìa khóa xe ở nơi xa.
 
- Nên học cách tự vá xe và mang theo một bộ dụng cụ.
 
- Dành thời gian xem trước toàn bộ cung đường sắp đi, chú ý những địa danh nổi tiếng trên đường.
 
Đồ đạc cá nhân

Nếu bạn là người lái xe nghiêm túc, hãy chuẩn bị cho mình những đồ đạc tối thiểu để đảm bảo an toàn khi chạy xe máy. Tôi luôn nhớ câu nói nổi tiếng "All the gear, all the time" (tạm dịch: Đủ đồ mọi lúc mọi nơi) trước khi lên đường.
 
- Bạn cần ưu tiên số 1 cho đồ bảo hộ. Chúng ta nên mua mũ bảo hiểm chất lượng cao, loại kín mặt càng tốt. Khi đeo mũ kín mặt, bạn sẽ không bị gió tạt vào mặt, bụi bay vào mắt, quan trọng nhất là chiếc mũ sẽ đảm bảo an toàn khi không may xảy ra sự cố.
 
- Quan trọng không kém là đồ bảo hộ đầu gối và khuỷu tay. Khi bạn ngã xe, đây sẽ nơi thường va đập mạnh nhất. Các khớp gối và khuỷu tay có cấu tạo rất phức tạp (liên quan đến xương, gân, cơ, dây chằng, mạch máu, thần kinh...) những chấn thương thường rất nghiêm trọng.
 
Ảnh: Sưu tầm
 
- Bạn nên mua vật dụng bằng da và nhựa dẻo (đồ bằng kim loại sẽ rất nguy hiểm, có thể cứa vào da thịt khi ngã ).
 
- Nếu có điều kiện, bạn nên mua những bộ quần áo môtô. Bộ quần áo này có thể chống nước, chịu mài mòn, va đập bởi các tấm bảo vệ ngực, khuỷu tay, đầu gối bên trong.
 
- Kính đi đường: Kính trắng dùng buổi tối và kính râm cho ban ngày. Chạy xe đường dài ban ngày mà không đeo kính râm, bạn sẽ bị lóa mắt, buồn ngủ.
 
- Nếu bạn không dùng mũ bảo hiểm kín mặt, khẩu trang là thứ rất cần thiết. Ta nên dùng khẩu trang y tế, dùng một lần rồi bỏ, không lo nắng gió, bụi đường.
 
- Găng tay: Những bạn đi xe côn tay nên có một đôi, không cần loại đắt tiền. Găng tay sẽ giúp tay bạn tránh nắng và bám chắc tay ga, tay côn.
 
- Bạn nên đi giày cao cổ hoặc ủng. Giày cao cổ thường có khả năng chống nước và bảo vệ cổ chân.
 
- Cần một bộ quần áo mưa. Áo mưa giấy hoặc áo mưa choàng có thể gây nguy hiểm khi đi xe đường dài.
 
- Nên chuẩn bị một mảnh decal màu vàng (decal xuyên đèn) dán vào đèn pha để "phá sương" khi gặp đoạn đường nhiều sương mù.
 
- Nên mua miếng dán phản quang hoặc mặc áo phản quang nếu bạn chạy xe buổi tối.
 
- Đồ y tế: Có rất nhiều dụng cụ y tế cần thiết, nhưng tai nạn mất máu cấp dẫn đến tử vong là nguy hiểm và hay gặp nhất, vì vậy bạn nên có một vài cuộn băng gạc và băng ép để cầm máu vết thương.
 
Những điều nên nhớ

- Nếu đi theo đoàn, bạn nên đi theo hàng một và tuân thủ chỉ dẫn của người trưởng đoàn.
 
- Đi đúng tốc độ cho phép trong khu vực đông dân cư, thường là 50 km/h.
 
- Giữ khoảng cách nhất định với các xe phía trước theo công thức "vận tốc chia đôi". Ví dụ, bạn chạy với tốc độ 50 km/h thì khoảng cách an toàn là 25 m.
 
- Giảm ga, về số thấp khi xuống đoạn đèo dốc dài.
 
- Không vượt ôtô những đoạn cua, khuất tầm nhìn.
 
- Nếu vượt ôtô ở những đoạn đủ điều kiện, hãy vượt bên trái, bật xi nhan, thốc ga, vượt dứt khoát, tránh chạy song song với ô tô. Đặc biệt là các xe tải, xe container có xu hướng "hút" xe bạn nếu bạn chạy song song.
 
- Giảm tốc độ khi vào cua, đặc biệt chú ý những đoạn cua có đá dăm, cát... dễ bị trượt bánh, ngã.
 
- Chằng buộc kỹ đồ đạc sau xe. Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp rơi đồ dọc đường do không buộc đồ chắc.
 
- Khi chạy xe đường đèo, đường nhiều góc cua, bạn nên phóng tầm mắt ra xa, nhìn bao quát để lường trước những chướng ngại vật, xe đang tiến về phía mình.
 
- Nên nghỉ ngơi sau mỗi 1-2 giờ chạy xe, hoặc sau 70-100 km tùy tổng quãng đường dài ngắn của ngày hôm đó. Đây cũng là lúc chiếc xe được nghỉ ngơi sau quãng đường căng thẳng. Có thể nghỉ tại các cây xăng ven đường (cây xăng thường có khu vệ sinh).
 
- Tắt đèn pha chiếu xa (gây chói mắt) khi gặp người đi đường chiều ngược lại.
 
- Bấm còi trước chỗ cua khuất tầm nhìn.
 
Những điều không nên

- Không nên chạy xe khi mệt, buồn ngủ. Khi buồn ngủ, bạn hãy dừng lại và chợp mắt khoảng 15 phút. Rất nhiều tai nạn xảy ra khi lái xe trong tình trạng buồn ngủ và/hoặc mệt mỏi.
 
- Bạn không nên ăn quá no trước và trong khi chạy xe. Ăn no quá sẽ khiến bạn mệt mỏi và uể oải, do dạ dày phải làm việc nhiều để tiêu hóa thức ăn.
 
- Chúng ta tuyệt đối không uống rượu bia trước khi chạy xe. Ngoài làm ảnh hưởng đến phản xạ lái xe, rượu bia làm giãn mạch máu, khi chạy xe gặp gió dễ dẫn đến "trúng gió", cảm.
 
- Không sử dụng pô nổ, pô chế gây ồn ào, gây khó chịu cho mọi người.
 
- Không đi đoàn đông quá 10 xe, không đi hàng 2 hàng 3.
 
- Không nên đi xe ga đường đèo dốc. Xe ga không dùng hộp số để "hãm" máy khi xuống dốc, phải bóp phanh liên tục đến "cháy" phanh.
 
- Không tắt máy thả trôi "tiết kiệm xăng" khi xuống đèo dốc dài.
 
- Không nên dừng, đỗ xe ở những góc cua , khuất tầm nhìn.
 
- Không nên rẽ, quay đầu đột ngột, hãy nhìn gương chiếu hậu trước.
 
Nguồn: Tạ Quang Long - http://news.zing.vn
TIN LIÊN QUAN