Cụm phía Tây ĐBSCL liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Bắc miền Trung
     
Triển khai Chương trình, kế hoạch xúc tiến, quảng bá năm 2018, các tỉnh, thành Cụm phía Tây đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tổ chức Đoàn khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch tại khu vực Bắc miền Trung và Tp.Hà Nội.
 
Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, Sở VHTTDL, Trung tâm Xúc tiến du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, Hiệp hội Du lịch các địa phương trong Cụm gồm An Giang - Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng - Hậu Giang. 
 
 
Theo Chương trình, Đoàn đã đến khảo sát các khu, điểm du lịch tiêu biểu tại Quảng Bình, Hà Tỉnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Tp.Hà Nội. Tại mỗi địa phương, sau khi khảo sát thực tế các điểm du lịch, Đoàn đã tham gia tọa đàm, trao đổi chia sẻ thông tin với lãnh Sở Du lịch, Sở VHTTDL, Trung tâm Xúc tiến du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, Hiệp hội Du lịch các địa phương. Thông qua các buổi tọa đàm, các địa phương Cụm phía tây ĐBSCL cũng giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch của các địa phương Cụm phía tây ĐBSCL đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch địa phương bạn nhằm tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác trao đổi nguồn khách cho nhau.

Những năm gần đây, hạ tầng giao thông, sản phẩm, dịch vụ du lịch… ở các tỉnh ĐBSCL đã được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại một số vấn đề được các đơn vị lữ hành đề cập, trao đổi để tìm hướng tháo gỡ. Trong khi đó, các địa phương khu vực Bắc miền Trung đều có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch nhưng thời gian qua, sự kết nối với các tỉnh phía Tây ĐBSCL còn nhiều hạn chế. Lượng khách từ các tỉnh miền sông nước đến với khu vực này chưa đạt như kỳ vọng do thiếu thông tin.

Các công ty lữ hành khu vực Bắc miền Trung cho biết, các tỉnh Cụm phía Tây ĐBSCL có nhiều điểm tương đồng về tiềm năng, lợi thế. Ngoài các địa danh đặc biệt như Cà Mau, Phú Quốc (Kiên Giang)… thì các địa phương khác khá giống nhau, địa phương nào cũng có tour sông nước, đờn ca tài tử… Vì vậy, khi xây dựng tour bán cho khách vẫn có phản hồi là bị trùng lặp. Từ thực tế này, Hiệp hội Du lịch, các công ty lữ hành mong muốn các tỉnh Cụm phía Tây ĐBSCL cần có sự phối hợp để xây dựng tour, tuyến mới đặc sắc, hấp dẫn hơn.

Tại các buổi Tọa đàm, các công ty lữ hành khu vực Bắc miền Trung cho rằng, Cụm phía Tây ĐBSCL không phải là thị trường xa lạ với họ, mỗi năm các công ty lữ hành nơi đây đã đưa rất nhiều đoàn khách đến với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Theo lãnh đạo ngành Du lịch các tỉnh Bắc miền Trung luôn sẵn sàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch các tỉnh vùng ĐBSCL đến tham gia đầu tư các dự án du lịch, trao đổi nguồn khách du lịch nhất là thu hút du khách từ khu vực ĐBSCL.

Theo các doanh nghiệp du lịch, thời gian qua du khách từ ĐBSCL đến khu vực Bắc miền Trung chưa nhiều là do thiếu thông tin về điểm đến; khoảng cách địa lý tương đối xa, giá tour chưa đủ cạnh tranh với các điểm đến khác…Do đó, để tăng cường trao đổi nguồn khách giữa hai khu vực ĐBSCL - Bắc miền Trung, ngành du lịch các địa phương, Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch cần tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về thị trường điểm đến, kết nối các đường bay, có chính sách khuyến mãi, giảm giá sản phẩm dịch vụ để thu hút du khách.

Nhân dịp này, các địa phương Cụm phía tây ĐBSCL đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Quảng Bình, Hà Tỉnh, Nghệ An và Thanh Hóa.
 
sdl.kiengiang.gov.vn 
TIN LIÊN QUAN