Điểm du lịch tiêu biểu cấp Đồng bằng sông Cửu Long
     
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực có nhiều tiềm năng du lịch với tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng giá trị lịch sử và tinh hoa văn hóa đặc sắc của cộng đồng 4 dân tộc anh em (Kinh, Hoa, Khmer, Chăm). 
 
Nơi đây có có cảnh quan sinh thái đặc trưng là đồng bằng và biển đảo, một vùng sông nước hữu tình và quyến rũ, cây trái bốn mùa trĩu quả, môi trường trong lành, nhiều lễ hội dân gian truyền thống mang bản sắc văn hóa độc đáo, đặc biệt tính cách con người Phương Nam hiền hòa, hiếu khách, phóng khoáng và hòa hiệp đã tạo nên những sản phẩm du lịch thật sự thú vị đối với du khách.

Để có thể giúp du khách trong và ngoài nước dễ dàng chọn lựa, đánh giá những điểm đến đặc biệt tại vùng, Hiệp hội du lịch ĐBSCL đã đặt ra tiêu chí chọn lựa Điểm Du lịch tiêu biểu, điểm được chọn phải là một nơi đến có tài nguyên du lịch đặc thù và các sản phẩm, dịch vụ du lịch nổi bật của vùng, có khả năng thu hút, đáp ứng nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí... của du khách. Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL gồm: điểm du lịch tổng hợp; cơ sở lưu trú; di tích văn hóa - lịch sử; đình, chùa; công trình công cộng, công trình kiến trúc nghệ thuật; vườn Quốc gia, vườn sinh thái, điểm sinh thái; làng nghề truyền thống, cơ sở chế biến, cơ sở ẩm thực.

Dù điểm du lịch thuộc hình thức nào cũng phải đáp ứng một số yêu cầu cơ bản của tiêu chí bao gồm diện tích tối thiểu từ 2 ha trở lên, số lượng khách đến tham quan hằng năm từ 100.000 lượt trở lên; Có ít nhất 10 loại dịch vụ; Đảm bảo được cung cấp đầy đủ giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, đề án bảo vệ môi trường hoặc các văn bản khác có giá trị tương đương. Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có điều kiện phải thực hiện theo qui định của pháp luật. Ngoài ra, cán bộ quản lý phải qua đào tạo, bồi dưỡng các cấp từ 70% trở lên, nhân viên phục vụ đã qua đào tạo từ 30% trở lên, tại các điểm du lịch văn hóa lịch sử, công trình công cộng còn yêu cầu phải có thuyết minh viên đã qua đào tạo theo qui định luật du lịch…

Tuy phải đáp ứng được những yêu cầu bắt buộc trên mới có thể trở thành một trong những điểm du lịch tiêu biểu cấp ĐBSCL, nhưng tính đến tháng 12 năm 2016 đã có 4 điểm du lịch tại thành phố Cần Thơ đủ điều kiện trở thành điểm nhấn du lịch đặc trưng của địa phương nói riêng và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

 1. Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng)
 
Chợ nổi Cái Răng - Ảnh: Sưu tầm

Chợ nổi Cái Răng là một trong những chợ trên sông nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ, chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản của vùng. Từ mờ sáng đến khoảng 8, 9h sáng hàng ngày, hàng trăm chiếc thuyền lớn bé buôn bán tấp nập, ngược xuôi trên lòng sông. Các loại sản vật bán được treo lên cây sào (cây bẹo) ở phía trước mũi thuyền. Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách còn có dịp quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của những thế hệ gia đình thương hồ cùng chung sống trên ghe. Có những chiếc ghe như “căn nhà di động” trên sông nước với đầy đủ tiện nghi.
 
2. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền).
 
Thiền viện Trúc lâm Phương Nam - Ảnh: Mỹ Trinh

Là một trong những ngôi chùa lớn nhất miền Tây Nam bộ với diện tích 4ha. Chùa được xây dựng theo kiến trúc Phật giáo thời Lý - Trần, bao gồm các hạng mục công trình chính là chính điện, tổ điện, lầu trống và gác chuông. Bên trong chính điện có tượng Phật Thích Ca bằng đồng nặng 3,5 tấn, tượng Bồ tát Phổ Hiền và Bồ tát Văn Thù, tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Trúc Lâm Tam Tổ…
 
3. Bến Ninh Kiều 
 
Bến Ninh Kiều - Ảnh : Sưu tầm

Đây là địa danh nổi tiếng lâu đời với cảnh đẹp sông nước hữu tình thu hút nhiều khách du lịch đến thư giãn, hóng mát. Dọc Bến Ninh Kiều có nhiều cụm chức năng khác nhau như cầu đi bộ Ninh Kiều, công viên cây xanh, Tượng đài Bác Hồ, bến tàu du lịch. 

4. Làng Du lịch Mỹ Khánh 
 
Làng Du lịch Mỹ Khánh - Ảnh: Sưu tầm
 
Thuộc huyện Phong Điền có diện tích hơn 15 ha, có nhiều loại trái cây, hoa kiểng, nhiều dịch vụ giải trí hấp dẫn, ẩm thực phong phú với nhiều món ăn đặc trưng miền sông nước Nam Bộ và các hoạt động như: tham quan nhà cổ Nam Bộ, thưởng thức chương trình văn nghệ đờn ca tài tử, “Một ngày làm điền chủ” với bữa cơm điền chủ, “Một ngày làm nông dân”, “Tát mương bắt cá”, tham quan làng nghề văn hóa truyền thống, xem đua chó, đua heo, xiếc khỉ, câu cá sấu... 

Trong thời gian tới, thành phố Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh việc nâng chất xây dựng các điểm du lịch tiêu biểu tại địa phương. Đây là điều cần thiết để góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch của thành phố; đồng thời nâng cao ý thức xây dựng môi trường du lịch xanh, thân thiện và ngày càng chuyên nghiệp.
 
Nguồn: Thoại My - Trung tâm Phát triển Du lịch 

 
TIN LIÊN QUAN