Định vị văn minh đô thị sông nước Cần Thơ
     
Sáng 21-9, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “Thành phố Cần Thơ- Văn minh đô thị (VMĐT) sông nước”. Những tham luận, ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý tại Hội thảo đã vẽ nên bức tranh VMĐT sông nước Cần Thơ trong quá khứ và hiện tại, cũng như những định hướng phát triển trong tương lai.
 
Ngày hội Du lịch Văn hóa CNCR là dịp để quảng bá nét VMĐT sông nước Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI
 
Nhận diện VMĐT sông nước
 
Các tham luận đều có chung nhận định, Cần Thơ đã có truyền thống VMĐT sông nước từ lâu đời, song hành cùng lịch sử vùng đất từ Trấn Giang xưa đến Cần Thơ hôm nay. Theo nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, tính sông nước là đặc trưng khái quát nhất tạo nên VMĐT Cần Thơ. Ngay từ khởi thủy, cấu trúc đô thị sơ khai đã hòa quyện với mạng lưới sông rạch chằng chịt. Bên cạnh đó, sự pha trộn giữa VMĐT và văn minh miệt vườn cũng tạo nên nét độc đáo, làm nên những “phố vườn” khác biệt với “phố núi”, “phố biển”. “Người miệt vườn văn minh không thua kém người thành thị, sản sinh ra những nho sĩ, trí thức, quan chức, doanh nhân có gốc gác và gia cư trong vườn, nhưng làm ăn, làm việc ngoài phố chợ”- ông Nhâm Hùng nhận định.
 
Cùng suy nghĩ này, nhà báo Vũ Thống Nhất chỉ ra vị thế Cần Thơ luôn là “thủ phủ miền Tây” qua nhiều giai đoạn, nổi bật là những dấu ấn văn hóa, văn minh như nét sinh hoạt, buôn bán trên chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền; Lễ hội Kỳ yên đình làng; hò Cần Thơ; làng cổ Long Tuyền; các lễ hội Nghinh Ông, Tống phong… và nhất là trong kho tàng văn học dân gian Cần Thơ. Ngoài ra, đặc trưng “tiền sông hậu lộ” trong kiến trúc nhà ở thể hiện sự hòa quyện của con người với thiên nhiên, với văn minh kinh rạch.
 
Ở phạm trù sinh kế, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phúc (Học viện Chính trị khu vực IV) gọi đó là “văn minh mưu sinh”. Theo ông, văn minh mưu sinh ở Cần Thơ hiện nay có sự tiếp biến rõ nét, tạo sự phong phú, đa dạng ở nhiều ngành nghề, dịch vụ, cách buôn bán sông nước, nuôi trồng thủy sản… Trong đó, rõ nét nhất là nghề thương hồ ở chợ nổi. Đó không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi sản sinh và lưu giữ những truyền thống văn hóa, văn minh sông nước Nam bộ.
 
Thật khó mà nói hết những giá trị cũng như đặc trưng của VMĐT sông nước Cần Thơ từ xưa đến nay. Nhận định của Tiến sĩ Phạm Văn Búa (Trường Đại học Cần Thơ) có lẽ đã bao quát: “Quá trình đô thị hóa đã phá vỡ cấu trúc làng xã- hình ảnh nông thôn và cả phố thị xưa. Nhưng sông nước luôn gắn bó với người Cần Thơ không tách rời”.
 
 Hiến kế phát huy VMĐT sông nước
 
Thời hiện đại hóa, đô thị hóa, ít nhiều những giá trị văn hóa truyền thống biến đổi hoặc mất đi. VMĐT sông nước Cần Thơ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì vậy, việc nhận diện những nét đặc trưng trong VMĐT Cần Thơ để có những ứng xử hợp lý được quan tâm.
 
Nhà báo Vũ Thống Nhất cho rằng, con người là chủ thể của mọi nền văn hóa, văn minh vì vậy việc xây dựng VMĐT tất yếu từ con người văn minh. Đơn cử như để phát triển Cần Thơ theo chiến lược đô thị xanh và kiến trúc xanh, không những cần thay đổi tư duy quy hoạch kiến trúc, quản lý đô thị mà cần hướng dẫn cho người dân cùng tham gia. “Làm sao để người dân hiểu ngoài việc lo cho nhà mình đẹp, còn phải lo cho cộng đồng”- ông Nhất lý giải.
 
Ngoài ra, đã nói “Cần Thơ- VMĐT sông nước” thì vấn đề sống còn là phải bảo lưu những giá trị sông nước. Câu chuyện được nhiều đại biểu bàn đến là những con kinh rạch nội đô dần biến mất, số còn lại thì ô nhiễm, bị lấn chiếm… Một đô thị có nhiều kinh rạch phải được nhìn nhận bằng mối quan hệ cộng sinh, không thể tách rời: đất- nước- con người. Vì vậy, việc tạo cảnh quan đô thị tiên quyết phải đảm bảo giữ gìn hệ thống sinh thái kinh rạch, hài hòa với thiên nhiên.
 
“Không hẹn mà gặp”, hầu hết các tham luận đều có mối quan tâm về phát huy chợ nổi Cái Răng (CNCR)- một bảo chứng cho VMĐT sông nước Cần Thơ. Tiến sĩ Đào Ngọc Cảnh (Trường Đại học Cần Thơ) có lý khi cho rằng, bảo tồn CNCR trước hết là bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Thời gian qua, thành phố có nhiều chính sách bảo tồn CNCR nhưng chủ yếu là yếu tố “vật thể”, như là một “sản phẩm du lịch”. Ông Cảnh cũng cảnh báo: “Việc triển khai các giải pháp quản lý chợ nổi tuy cần nhưng nên rất thận trọng. Cần ưu tiên những giải pháp “mềm”, tránh can thiệp thô bạo vào chợ nổi”. Bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên (Trường Đại học An Giang) thì lo ngại vấn đề ô nhiễm ở CNCR và sự suy giảm số lượng ghe xuồng, thương hồ và cho rằng địa phương cần có giải pháp căn cơ hơn.  
 
Đề xuất mô hình quảng bá VMĐT sông nước Cần Thơ
 
Tại Hội thảo, nhóm tác giả của Trường Cao đẳng Cần Thơ đã giới thiệu 6 mô hình, hình thức kinh doanh nhằm quảng bá VMĐT sông nước Cần Thơ, gồm:
 
- Chương trình sân khấu nổi biểu diễn âm nhạc dân tộc;

- Chợ đêm trên sông với đặc sản địa phương;

- Hoàn thiện cơ sở vật chất, kêu gọi đầu tư du lịch tuyến sông;

- Mô hình cà phê trên sông;

- Mô hình rau thủy canh trên sông tại cồn Khương hay cồn Sơn của Bình Thủy;

- Tổ chức triển lãm ảnh định kỳ trên chợ nổi.
 
Nguồn: Đăng Huỳnh - http://baocantho.com.vn
TIN LIÊN QUAN