Du lịch Việt Nam trước vận hội mới
     
Bước vào năm 2018, trên cơ sở kế thừa các thành tựu và lợi thế được tạo đà từ những năm trước, ngành Du lịch đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thành công mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là đón trên 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế.
 
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung
 
Với nỗ lực của toàn Ngành, từ các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp đến những người làm du lịch trên cả nước, năm 2018 Du lịch Việt Nam đón được trên 15,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 620.000 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng du lịch và doanh nghiệp du lịch phát triển nhanh chóng, đến nay cả nước có trên 2.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và gần 26.000 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 550.000 buồng, trong đó hạng cao cấp (từ 3 sao đến 5 sao) có 900 cơ sở với gần 102.000 buồng. Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch với trên 23.000 người được cấp thẻ, trong đó có gần 15.000 hướng dẫn viên du lịch quốc tế và trên 8.000 hướng dẫn viên du lịch nội địa. Ngành Du lịch đã tập trung thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về thực hiện các giải pháp vĩ mô, phát huy lợi thế cạnh tranh, tạo động lực lan tỏa, đóng góp ngày càng tích cực cho sự phát triển của đất nước. Năm 2018 ngành Du lịch đã tập trung triển khai thực hiện Luật Du lịch (sửa đổi); ưu tiên xây dựng hoàn thiện các đề án lớn trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng xây dựng Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh công tác phối hợp công – tư trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch như hợp tác xây dựng các chương trình ứng dụng quảng bá du lịch trên thiết bị di động tại các địa phương, phối hợp với các cơ quan truyền thông quảng bá du lịch…
 
Từ sự cố gắng cao độ của toàn ngành, Du lịch Việt Nam đã phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và có chuyển biến về chất. Trong vòng 3 năm 2015 – 2018, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 2 lần so với kết quả tích lũy suốt 55 năm trước đó, tốc độ tăng trưởng liên tục đạt gần 30%/năm. Thành tựu này của ngành Du lịch thực sự là dấu son mà ít ngành kinh tế khác có được. Chính vì vậy, Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) vinh danh tại Hội nghị Toàn cầu, đứng thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách cao nhất; được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới WTA (World Tourism Awards) trao giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu Châu Á” 2018 cùng với nhiều giải thưởng danh giá dành cho các doanh nghiệp lữ hành, khu nghỉ dưỡng và khách sạn sang trọng bậc nhất thế giới tại Việt Nam. Như vậy có thể thấy, Du lịch Việt Nam đang chuyển sang thời kỳ phát triển mới, vươn mình hội nhập quốc tế với các giá trị từng bước được ghi nhận.
 
Cùng với những kết quả đạt được về chỉ tiêu tăng trưởng, công tác thông tin, tuyên truyền về du lịch thời gian qua được đẩy mạnh, nhận thức về vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập của đất nước đã được nâng lên tầm cao mới. Các cấp quản lý đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch, một số địa phương là địa bàn du lịch trọng điểm cùng với việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị về du lịch của Đảng, Chính phủ cũng đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch, tháo gỡ vướng mắc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân tham gia vào hoạt động phát triển du lịch. Nhiều hoạt động du lịch được diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Du lịch đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, bước đầu tạo chuyển biến tích cực về nhận thức đối với ngành kinh tế tổng hợp trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư phát triển làm thay đổi cơ bản diện mạo ở nhiều địa phương trong cả nước, tích cực phát huy vai trò động lực tạo sự lan tỏa để phát triển nhiều ngành, nghề khác.
 
Nét mới của du lịch Việt Nam là sản phẩm du lịch ngày càng phát triển đa dạng, có nhiều sản phẩm chất lượng cao, tạo cơ sở hình thành một số điểm đến hấp dẫn, các vùng động lực phát triển. Nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các di sản được UNESCO công nhận đã được khai thác hiệu quả để hình thành các sản phẩm đặc trưng, thương hiệu của điểm đến giới thiệu với bạn bè quốc tế, góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh của Ngành.
 
Du lịch đã tạo ra nhiều việc làm và thu nhập trực tiếp cho cộng đồng dân cư; công tác đào tạo, nâng cao trình độ và hiệu suất lao động của nguồn nhân lực du lịch Việt Nam nói chung được chú trọng và ngày càng phát huy hiệu quả. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam hiện được xếp hạng thứ 67 trong số 136 quốc gia về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch và lữ hành, trong đó chỉ số về nguồn nhân lực và thị trường lao động được xếp hạng 37, trên nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (40), Philippines (50), Indonesia (64), Lào (65) Campuchia (110). Số lượng lao động ngành Du lịch ngày càng phát triển, hiện có khoảng 2,5 triệu người, trong đó lao động trực tiếp khoảng 820 nghìn người.
 
Công tác quản lý nhà nước về du lịch được củng cố, từng bước đổi mới tổ chức bộ máy, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách và tăng cường hiệu lực phối hợp liên ngành, liên vùng. Các Sở Du lịch được thành lập tại các tỉnh/thành là địa bàn du lịch trọng điểm từng bước phát huy tích cực vai trò của cơ quan quản lý du lịch tại địa phương, thúc đẩy du lịch nhanh chóng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
 
Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định đất nước ta có nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên thực trạng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, các ngành chưa coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Vì vậy, ngoài các quan điểm chỉ đạo tập trung phát triển du lịch như một ngành kinh tế tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường, Nghị quyết thể hiện sâu sắc quan điểm chỉ đạo phát triển du lịch là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước với động lực phát triển từ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Với quan điểm như vậy, Nghị quyết xác lập mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đón được 17-20 triệu lượt khách quốc tế, thu hút 82 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo ra trên 4 triệu việc làm trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Nghị quyết cũng chỉ rõ 08 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới với nhiều nội dung vừa mang tính chỉ đạo định hướng, vừa mang tính tháo gỡ vướng mắc tồn tại từ nhiều năm để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển, bao gồm: (1) Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; (2) Cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; (3) Hoàn thiện thể chế, chính sách; (4) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; (5) Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; (6) Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; (7) Phát triển nguồn nhân lực du lịch; (8) Tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Để sớm đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện các mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết đã đề ra 15 nhiệm vụ, đề án giao cho các Bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện, trong đó ngành Du lịch được giao chủ trì thực hiện trước 6 đề án, bao gồm: cơ cấu lại ngành du lịch, xây dựng chiến lược phát triển ngành trong tình hình mới, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, ứng dụng tổng thể công nghệ thông tin gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch và khai thác các giá trị di sản văn hóa, lịch sử phục vụ phát triển du lịch.
 
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Du lịch nỗ lực phát huy nội lực, tăng cường liên kết, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, đẩy mạnh phối hợp công – tư để vừa bảo đảm được kế hoạch tăng trưởng, vừa thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo đúng tiến độ, yêu cầu. Đối với các đề án trọng tâm được Chính phủ giao, ngành Du lịch đã báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt 04 đề án, bao gồm: 1) Đề án Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn: trên cơ sở đánh giá các yếu tố thực trạng, đề án đã đề xuất cơ cấu lại các thị trường trọng điểm, hệ thống sản phẩm du lịch, nguồn lực đầu tư phát triển, nguồn nhân lực, hệ thống doanh nghiệp và hệ thống quản lý ngành phù hợp với quan điểm, bối cảnh phát triển mới; 2) Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch: đề xuất cụ thể nguồn, mô hình quản lý và nguyên tắc hoạt động của Quỹ phù hợp với các quy định hiện hành để bảo đảm nguồn lực hỗ trợ các hoạt động quảng bá xúc tiến, phát triển sản phẩm, đào tạo nhân lực, quản lý tốt điểm đến du lịch để đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; 3) Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch: trên cơ sở xu thế phát triển ứng dụng công nghệ viễn thông và điều kiện hạ tầng về công nghệ thông tin, đề án đề xuất các giải pháp tổng thể tăng cường liên kết 4 trụ cột trong các hoạt động du lịch: khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, điểm đến du lịch và cơ quan quản lý nhằm tạo ra hiệu ứng đồng bộ trong việc thông tin, quảng bá, phát triển sản phẩm và hiệu quả quản lý để nâng cao khả năng đáp ứng, chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh trong hoạt động du lịch; 4) Đề án Nâng cao năng lực quảng bá, xúc tiến du lịch: trên cơ sở thực trạng và yêu cầu đổi mới, đề án đã đề xuất thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá xúc tiến, từ phối hợp công tư huy động nguồn lực đến đổi mới tổ chức, quản lý sử dụng công nghệ mới, công cụ đa phương tiện để quảng bá xúc tiến du lịch, nâng cao khả năng cạnh tranh thu hút khách quốc tế đến Việt Nam du lịch. Đối với Đề án Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045: được thực hiện trong năm 2019 sẽ đặt ngành Du lịch trong tổng thể nền kinh tế quốc dân, xây dựng mục tiêu phát triển mới để đáp ứng yêu cầu phát triển của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của nhân dân, lập kế hoạch thực hiện hệ thống các giải pháp đồng bộ để tăng cường đổi mới, thúc đẩy sự phát triển của ngành, thích ứng với điều kiện của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Chiến lược phát triển du lịch trong thời kỳ mới sẽ tập trung thực hiện các giải pháp mang tính đột phá, tạo hiệu quả đồng bộ để phát huy các lợi thế so sánh, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường thu hút khách quốc tế và đẩy mạnh hoạt động du lịch, nâng cao hiệu quả đóng góp từ hoạt động du lịch đối với phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Đề án khai thác, phát huy các giá trị di sản, văn hóa, nghệ thuật phục vụ phát triển du lịch sẽ được triển khai xây dựng trong năm 2019 trên cơ sở phối hợp với các địa phương, các ngành, cơ quan liên quan thực hiện điều tra, phân loại tài nguyên du lịch để đề xuất kế hoạch tổng thể khai thác, phát huy giá trị các di sản, giá trị tài nguyên to lớn của đất nước, tạo nên các sản phẩm đặc trưng, có chất lượng và giá trị thương hiệu cao của cả nước và từng vùng miền, nâng cao tính hấp dẫn, sự khác biệt và năng lực cạnh tranh của các điểm đến du lịch trong cả nước và thu hút các thị trường khách quốc tế.
 
Bước vào năm 2019, ngành Du lịch Việt Nam đang đứng trước vận hội mới để khẳng định vị thế trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của nhân dân. Ngành Du lịch thời gian qua đã tranh thủ từng cơ hội, nỗ lực vượt qua từng khó khăn, thách thức để tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu được giao, trong thời gian tới ngành Du lịch rất cần sự quan tâm, tiếp tục chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm, phối hợp của các Bộ, ngành, sự vào cuộc thực sự của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để chỉ đạo, tổ chức và thực hiện thành công các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa du lịch nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đặc biệt là sự ủng hộ đưa tin của các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như phán ánh trung thực tình hình phát triển du lịch tại khắp mọi miền đất nước.
 
Nhân dịp năm Kỷ Hợi 2019 sắp tới, thay mặt Tổng cục Du lịch, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cảm ơn sự hợp tác của các Ban, Bộ, ngành và các địa phương, sự đóng góp của các tổ chức trong và ngoài nước, sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông đối với sự phát triển của ngành Du lịch trong thời gian qua và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ, hợp tác sâu sắc hơn trong thời gian tới để thúc đẩy du lịch Việt Nam ngày càng phát triển; cám ơn những nỗ lực vươn lên vượt qua thách thức, khắc phục khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và tất cả các đồng chí, các bạn, những người đang công tác trong lĩnh vực du lịch để đóng góp cho các thành tựu phát triển của Du lịch Việt Nam thời gian qua. Tôi tin tưởng rằng ngành Du lịch sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng đất nước, nâng cao khả năng cạnh tranh và thương hiệu trong điều kiện hội nhập quốc tế, góp phần tạo dựng hình ảnh điểm đến Du lịch Việt Nam thân thiện, hấp dẫn, khẳng định vị trí của Du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế.
 
Chúc Xuân mới, thắng lợi mới!
 
Ngô Hoài Chung
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch 
TIN LIÊN QUAN