Đưa ẩm thực Việt Nam trở thành sản phẩm du lịch độc đáo
     
Biến Việt Nam thành “bếp ăn của thế giới” đang là hướng đi mở ra nhiều kỳ vọng cho ngành công nghiệp “không khói” cũng như nền ẩm thực nước nhà, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch đang cần xây dựng những sản phẩm đặc thù, mang dấu ấn riêng của Việt Nam để thu hút du khách, nhất là khách quốc tế.
 
Du khách quốc tế đến Việt Nam rất thích thú khi được thưởng thức các món ăn truyền thống.
 
Với sự phong phú, đa dạng, hài hòa và tinh tế, ẩm thực Việt được coi là di sản văn hóa, cũng là tài nguyên du lịch quý giá của Việt Nam. Năm 2015, ẩm thực nước ta được khán giả của Hãng truyền hình Mỹ CNN bình chọn là một trong 10 nền ẩm thực tuyệt vời nhất thế giới. 12 món ăn của Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác nhận đạt tiêu chí Giá trị ẩm thực châu Á. Đầu năm 2018, CNN đã gọi tên 15 món ăn không thể không thử khi đến Việt Nam… Điều này cho thấy, ẩm thực Việt Nam không chỉ hấp dẫn khách trong nước mà còn đặc biệt thu hút du khách nước ngoài. Hình ảnh các nguyên thủ của một số cường quốc thế giới đến và thưởng thức ẩm thực Việt Nam như: Tổng thống Mỹ B.Clin-tơn ăn phở, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma ăn bún chả… đã khẳng định và góp phần đưa thương hiệu ẩm thực Việt Nam ngày càng nổi bật hơn trên thế giới. PGS, TS, chuyên gia nghiên cứu ẩm thực Vương Xuân Tình, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam khẳng định: Bản sắc ẩm thực Việt Nam gắn với vùng, miền, tộc người và tôn giáo, dưới tác động của điều kiện tự nhiên, lịch sử và giao lưu văn hóa. Bản sắc đó phản ánh đậm nét trong các đặc sản ẩm thực, tức là trong món ăn, đồ uống, cách thức và những câu chuyện liên quan đến ăn uống. Đây chính là cơ sở vững chắc để phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam.
 
Với du khách, ăn uống không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng mà còn là cơ hội để khám phá văn hóa, phong tục, tập quán của người bản địa. Báo cáo toàn cầu lần thứ hai về du lịch ẩm thực (năm 2017) của Tổ chức Du lịch thế giới cho thấy, có 87% số tổ chức khi được điều tra đều xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến; 82% số tổ chức cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch, là chất xúc tác cho kinh tế địa phương.
 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ẩm thực Việt Nam thời gian qua vẫn chỉ được tiếp cận như một yếu tố góp phần làm nên thành công của chuyến đi chứ chưa được coi là một loại hình du lịch, cũng chưa được xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết chia sẻ: Bạn bè quốc tế đánh giá rất cao ẩm thực Việt Nam, không dùng nhiều dầu mỡ như các món ăn Trung Quốc, cũng không cay như món ăn Hàn Quốc, lại đầy đủ chất dinh dưỡng với nhiều loại gia vị, rau quả tươi. Sở dĩ, ẩm thực Việt Nam vẫn chưa trở thành sản phẩm là bởi chúng ta thiếu chiến lược quảng bá.
 
Mới đây, tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và Phát triển ẩm thực truyền thống Việt Nam” trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2018, nhiều chuyên gia đã hiến kế để đưa du lịch ẩm thực trở thành loại hình hấp dẫn du khách. PGS, TS Vương Xuân Tình đề xuất: Cần bổ sung nội dung phát triển du lịch ẩm thực vào Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và thời gian sau đó. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức xã hội về du lịch ẩm thực, trong đó chú trọng các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo và truyền thông. Cần có nhiều công trình nghiên cứu cơ bản về giá trị ẩm thực Việt Nam; xây dựng bộ môn du lịch ẩm thực ở một số trường đại học, cao đẳng và viện, trung tâm nghiên cứu liên quan; xuất bản sách hướng dẫn về du lịch ẩm thực; tổ chức kênh phát thanh, truyền hình về ẩm thực du lịch Việt Nam... Để khai thác và phát triển du lịch ẩm thực, không chỉ bó hẹp trong vấn đề món ăn, thức uống, nhà hàng, hội chợ mà cần lưu ý cả nguồn gốc ẩm thực, quy trình chế biến, các khía cạnh về lịch sử, nghi lễ, ứng xử liên quan ẩm thực. PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực gắn với du lịch bền vững, trước hết cần thống kê các loại hình di sản văn hóa ẩm thực đặc sắc của cộng đồng các dân tộc, tư liệu hóa và đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, đưa vào các thiết chế văn hóa để phục vụ du lịch, xây dựng một số trung tâm văn hóa ẩm thực du lịch...
 
Tín hiệu vui là cuối năm 2017, Hội Đầu bếp Việt Nam đã chính thức được thành lập, quy tụ đông đảo những đầu bếp tài năng cả nước. Đây là đơn vị trực thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Điều này hứa hẹn sự bắt tay chặt chẽ giữa du lịch và ẩm thực để thu hút nhiều hơn du khách tới Việt Nam. Ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam cho biết: Để đưa ẩm thực truyền thống trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, Hội đang cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam triển khai Dự án Khu bảo tồn ẩm thực truyền thống và tôn vinh Tổ nghề đầu bếp Việt Nam. Đây sẽ là nơi tổ chức những sự kiện ẩm thực, các cuộc thi nấu ăn truyền thống, tôn vinh nghề bếp và là điểm đến du lịch ẩm thực. Hơn 50.000 đầu bếp chuyên nghiệp, hầu hết đang làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn phục vụ du khách, chính là những tài sản quý giá để phát triển du lịch ẩm thực nước nhà.
 
Theo Báo Nhân Dân
TIN LIÊN QUAN