Đưa Văn hóa Chợ nổi Cái Răng đến gần du khách
     
Ngày hội du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng (Ngày hội) là sự kiện thường niên của du lịch quận Cái Răng và TP Cần Thơ, nhằm hưởng ứng Ngày Du lịch Việt Nam (9-7). Bên cạnh quảng bá đất và người miền Tây sông nước, sự kiện còn đưa Văn hóa Chợ nổi Cái Răng đến gần du khách qua nhiều hoạt động đậm bản sắc. Đây là năm thứ hai, Cái Răng tổ chức Ngày hội, với quy mô và nội dung mở rộng, sáng tạo, mang nét đặc trưng của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Nếp sinh hoạt, giao thương trên Chợ nổi Cái Răng thu hút truyền thông và du khách chụp ảnh tại Ngày hội du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng 2016.
 
Văn hóa Chợ nổi Cái Răng
 
ần Thơ được du khách gần xa yêu mến bởi đô thị trẻ trung, năng động nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng văn minh sông nước miệt vườn. Theo ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch ĐBSCL, Cần Thơ là một đô thị ven sông, có nét đẹp thơ mộng, với nét độc đáo là Chợ nổi Cái Răng. Nét đẹp văn hóa sinh hoạt đặc trưng của Chợ nổi Cái Răng đã được nhiều tạp chí quốc tế công nhận. Tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) bình chọn Chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, với các thuyền bán hàng rực rỡ sắc màu nhiệt đới. Trang web youramazingplaces cũng đưa ra danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á, trong đó có đề cập đến chợ nổi của khu vực ĐBSCL, mà Cái Răng là một điển hình.
 
Chợ nổi Cái Răng có trên 100 năm lịch sử, hội tụ đa dạng các chủng loại nông sản vùng Tây Nam bộ và vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt, mua bán của người dân. Chợ họp rất sớm từ khoảng 4-5 giờ sáng, đến hơn 9 giờ thì vãn, có hơn 250 ghe hàng, kéo dài hơn 1km. Tham quan chợ nổi, du khách di chuyển bằng ghe tàu, len lỏi vào từng khoảng trống giữa các ghe neo đậu. Các tiểu thương nơi đây "treo gì bán nấy" trên cây bẹo (một cây sào cao cắm phía trước hay đuôi ghe tàu). Cũng có trường hợp ngoại lệ: "bán mà không treo" (thường là các ghe hàng ăn uống) hay "treo lá bán ghe" (ghe nào treo lá dừa hay các loại lá tương tự được hiểu là chủ muốn sang ghe). Ngoài ra, còn có hình thức bán mão (bán hết một mớ hay ghe hàng mà không cần cân, đếm); hay hoạt động "thảy, chụp" hàng hóa. Những nét sinh hoạt độc đáo này đã tạo cho Chợ nổi Cái Răng nói riêng và chợ nổi ĐBSCL nói chung sức hút với du khách gần xa, đặc biệt là khách quốc tế.
 
Không gian Văn hóa Chợ nổi Cái Răng tích hợp nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể: tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian (đờn ca tài tử)… và những di sản này vẫn đang được gìn giữ, lưu truyền. Văn hóa Chợ nổi Cái Răng đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Cần Thơ cũng có đề án "Bảo tồn và Phát triển Chợ nổi Cái Răng".
 
Kỳ vọng cho du lịch Cái Răng
 
Để tôn vinh và quảng bá di sản, hàng năm, UBND quận Cái Răng tổ chức Ngày hội du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng. Ông Vương Công Khanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Cái Răng, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội, cho biết: "Đây là cách để đưa Văn hóa Chợ nổi Cái Răng đến gần du khách, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát triển chợ nổi". Ngày hội lần thứ hai này diễn ra từ ngày 7 đến 9 tháng 7, tại số 17/2 đường Võ Tánh, Nhà kho Nông trường sông Hậu và một số điểm phụ cận trên địa bàn quận Cái Răng và Ninh Kiều. Quy mô được mở rộng, các hoạt động đa dạng và được nâng chất hơn.
 
Ngày hội có 14 hoạt động, với các điểm nhấn: lễ khai mạc, diễu hành tàu du lịch trên sông, tổ chức hoạt động chợ trên sông và giải đua vỏ composite. Ngày hội kéo dài hơn một ngày so năm trước, có thêm nhiều hoạt động mới: hội thi mô hình chợ nổi Cái Răng, tổ chức hoạt động chợ trên sông, đua thuyền rồng, trình diễn bánh xèo kỷ lục Guinness Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động truyền thống: Hội thi tạo hình trái cây, giao lưu đờn ca tài tử, gian hàng ẩm thực, bánh dân gian Nam bộ, giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống, mô hình nông nghiệp, hoa cảnh, trái cây đặc sản…
 
Ngày hội năm nay tăng về quy mô, thu hút người tham gia đông hơn trước từ gấp rưỡi đến gấp đôi. Bà Nguyễn Hoàng Diễm, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: "Năm nay Sở chủ trì 5 hoạt động với kế hoạch chi tiết cho mỗi hoạt động. Cụ thể, diễu hành tàu du lịch trong ngày khai mạc sẽ có đến 50 chiếc, đi từ Bến Ninh Kiều đến Chợ nổi Cái Răng. Còn đua vỏ composite thu hút trên 60 vận động viên tham gia từ các tỉnh, thành". Ông Bùi Hữu Sang, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin quận Cái Răng, cho biết thêm: "Với hơn 1.500m2, chúng tôi bố trí khoảng 70 gian hàng. Địa phương cũng bố trí hơn chục chiếc ghe thể hiện cảnh mua bán trên chợ nổi phục vụ du khách". Công tác an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, phòng cháy chữa cháy được siết chặt. Các lực lượng túc trực thường xuyên tại khu chính diễn ra hoạt động và tuần tra trên Chợ nổi Cái Răng, khu vực Bến Ninh Kiều.
 
Ông Vương Công Khanh nói thêm: "Chúng tôi kỳ vọng sẽ đón khoảng 30.000 lượt khách tại Ngày hội. Bên cạnh việc quảng bá chợ nổi, Cái Răng còn chú trọng giới thiệu các loại nông sản sạch, làng nghề, ẩm thực, các tuyến, điểm du lịch của địa phương đến du khách gần xa. Đây là cơ hội để du lịch Cái Răng quảng bá trực tiếp, tìm hiểu nhu cầu du khách và thị trường, làm cơ sở xây dựng sản phẩm phù hợp và thương hiệu cho du lịch của quận". 
 
Lịch diễn ra các hoạt động của ngày hội du lịch văn hóa chợ nổi Cái Răng:
 
- Lễ khai mạc và công bố bộ nhận diện thương hiệu du lịch Cần Thơ, 7 giờ, ngày 7-7, tại số 17/2 đường Võ Tánh (Nhà kho Nông trường sông Hậu).

- Diễu hành tàu du lịch, 5 giờ, ngày 7-7, từ Bến Ninh Kiều đến Chợ nổi Cái Răng.

- Giải đua vỏ composite ĐBSCL lần 3, lúc 9 giờ, ngày 7-7, tại đoạn sông thuộc khu vực 6, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng.

- Đua thuyền rồng, 8 giờ, ngày 8-7, tại đoạn sông thuộc khu vực 6, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng.

- Hoạt động chợ trên sông, 7 giờ, từ ngày 7 đến 9-7, tại khu trung tâm Chợ nổi Cái Răng.

- Trình diễn bánh xèo kỷ lục Guinness Việt Nam, 7 giờ, ngày 7-7, tại 17/2 đường Võ Tánh.

- Khu gian hàng giới thiệu sản phẩm truyền thống, mô hình nông nghiệp, hoa cây cảnh, mua bán các loại trái cây đặc sản, 7 giờ, từ ngày 7 đến 9-7, tại 17/2 đường Võ Tánh.

- Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, diễn ra từ 8 giờ, ngày 7 đến 9-7, tại 17/2 đường Võ Tánh.

- Giao lưu đờn ca tài tử, 18 giờ, ngày 7 và 8-7, tại sân khấu chính, số 17/2 đường Võ Tánh.

- Hội thi tạo hình trái cây, mô hình Chợ nổi Cái Răng, các gian hàng ẩm thực, bánh dân gian Nam Bộ, viết thư pháp… 7 giờ, ngày 7 đến 9-7, tại số 17/2 đường Võ Tánh.
 
Nguồn: baocantho.vn
TIN LIÊN QUAN