Duy trì và phát triển các đường bay mới tại Cần Thơ Cần định hướng đúng và hỗ trợ phù hợp
     
Những số liệu từ thực tế cho thấy nhu cầu sử dụng đường bay của Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung, là rất lớn. Tuy nhiên nhiều năm qua, các đường bay mới (từ Cần Thơ đến Cam Ranh, Liên Khương, Bangkok) đều khó duy trì. Giải pháp cho vấn đề này một lần nữa được đặt ra tại buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố và Tổ nghiên cứu, xây dựng đề án nhằm tăng cường hoạt động khai thác đường bay đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, thuộc Cục Hàng không Việt Nam.
 
Tiềm năng chưa đủ hấp dẫn
 
 
Đông đảo du khách xếp hàng làm thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ trong dịp lễ, Tết, mùa cao điểm du lịch. Ảnh: KIỀU MAI
 
Thống kê từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Cần Thơ cho thấy nhu cầu sử dụng đường bay tại Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL là rất lớn khi thành phố đang có quan hệ xuất, nhập khẩu với khoảng 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, lượng khách quốc tế đến thăm, làm việc, tham quan du lịch tại Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung, ngày càng tăng. Các đoàn công tác ra nước ngoài của TP Cần Thơ cũng ngày một nhiều…
 
Theo ông Lê Tiến Dũng- Phó Giám đốc Sở GTVT, các tỉnh, thành nội địa có tương tác về nhu cầu đi lại bằng đường hàng không với Cần Thơ là: Hải Phòng, Vinh, Huế, Quảng Bình, Buôn Mê Thuộc, Đà Nẵng, Hà Nội, Đà Lạt, Khánh Hòa. Quốc tế thì có Thái Lan, Nhật, Hàn, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc… Ông Dũng cho biết: "Trên cơ sở số liệu của 46 đơn vị lữ hành tại Cần Thơ trong năm 2016, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không không hề nhỏ. Với các tuyến nội địa, từ Cần Thơ đi có đến 156.000 lượt, ngược lại đến Cần Thơ là 151.000 lượt; các tuyến quốc tế thì Cần Thơ đi là 11.000 lượt, còn thu hút về có đến 20.000 lượt. Cần Thơ đã làm việc với một số hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJetAir, Jetstars Pacific nhưng các đơn vị vẫn còn e ngại vì thị trường Cần Thơ còn mới, chưa thể đầu tư khai thác".

Lý giải cho tình trạng này, nguyên nhân được đưa ra là chính sách về giá chưa phù hợp với mức thu nhập của người dân và thói quen so sánh về giá (đối chiếu với các chuyến bay cùng tuyến điểm tại TP Hồ Chí Minh). Trong khi đó, các đơn vị hàng không cũng khó lòng đưa ra mức giá rẻ ở thị trường còn quá mới như Cần Thơ, nên cũng không mặn mà với việc mở đường bay mới tại đây.
 
Đâu là giải pháp?
 
Ông Nguyễn Công Hoàn, Trưởng ban khai thác Cảng, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, cho rằng: "Trước tiên, phải xác định Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là cửa ngõ chính về quốc tế lẫn nội địa ở ĐBSCL, từ đó có những chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp. Địa phương cần chú trọng vào các đối tượng: thương nhân, khách du lịch và công vụ, học tập, công tác để có những chính sách hỗ trợ, kích cầu sử dụng đường bay. Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL phải xác định được sản phẩm đặc trưng, hoặc chuỗi sản phẩm liên kết có thể hấp dẫn du khách lâu dài". Theo ông Nguyễn Công Hoàn, để các đường bay mới được mở, hoạt động hiệu quả, Cần Thơ nên có quy chế phối hợp với các tỉnh ĐBSCL, nhất là các tỉnh, thành có kết nối trọng điểm về du lịch với thành phố. Từ đó, có những chính sách, cơ chế phù hợp để hỗ trợ và duy trì đường bay, cũng như quảng bá, thu hút được du khách ở các chiều.
 
Ông Võ Huy Cường- Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam- Tổ trưởng Tổ nghiên cứu (ảnh, thứ ba từ trái sang) phát biểu tại cuộc họp.
 
Ông Đào Anh Dũng- Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết, Cần Thơ đang xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các hãng hàng không một phần kinh phí trong năm đầu tiên mở đường bay mới đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Về phát triển du lịch, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 03- NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch. Thành phố xây dựng kế hoạch, đề án mở các chuyến bay mới từ đây đến năm 2020 (dự kiến các đường bay đến: Hải Phòng, Vinh, Khánh Hòa, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Singapore). Đồng thời, tạo điều kiện để các nhà đầu tư những dự án về du lịch tại Cần Thơ như: Dự án nghỉ dưỡng Vinpearl cồn Ấu, dự án Trường đua ngựa và khu liên hợp giải trí, du lịch, "Thiên đường nước Cần Thơ" tại công viên nước… hình thành nên những khu vui chơi, giải trí lớn thu hút du khách.
 
Ông Võ Huy Cường- Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam- Tổ trưởng Tổ nghiên cứu, cam kết Cục Hàng không Việt Nam đồng hành cùng Cần Thơ trong lộ trình mở các đường bay mới, đồng thời gợi ý Cần Thơ có thể xây dựng sản phẩm theo hướng liên kết từ đường bay, như Cần Thơ đến Đà Nẵng, Khánh Hòa, "bắc cầu" đến các tỉnh của Trung Quốc hay quốc gia khác. Định hướng outbound (xuất phát từ quốc gia sở tại đến quốc gia khác để du lịch) có thể mở sự tương tác nhiều chiều cho đường bay, giúp đường bay có thể "sống" và hoạt động hiệu quả. Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh: "Tổ nghiên cứu sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá tiềm năng thị trường Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, khả năng liên kết, để xây dựng các kế hoạch, định hướng phát triển các đường bay giữa Cần Thơ với các địa phương khác của Việt Nam, các thị trường quốc tế; xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị, ngành chức năng tìm giải pháp và đề xuất để các đường bay mới hoạt động hiệu quả và lâu dài". 

Nguồn: Ái Lam - http://www.baocantho.com.vn
TIN LIÊN QUAN