Kinh nghiệm du lịch ở cồn Sơn, Cần Thơ
     
Cồn Sơn là một vùng đất nhỏ thuộc địa phận thành phố Cần Thơ, với diện tích tương đối nhỏ với chưa đầy 100 hộ dân sinh sống, nơi đây sẽ là địa điểm tuyệt vời cho bạn khám phá mọi ngóc ngách chỉ trong 1 ngày. Quá thích đúng không nào.
 
Cồn Sơn nhìn từ xa. Gần mép bờ cồn là những nhà bè nuôi cá trên sông.

Cồn Sơn có diện tích khoảng 70ha, được bao bọc xung quanh bởi vườn tược và cây cối cối lớn. Trên cồn, đất đai khá màu mỡ nên các vườn cây trái tươi tốt quanh năm, các loại cây phổ biến của vùng châu thổ như chôm chôm, bưởi, vú sữa, dâu Hạ Châu, mít, ổi…Tất cả những hộ dân sinh sống ở đây vẫn làm nghề vườn là chính, kết hợp với làm du lịch cộng đồng từ khoảng cuối năm 2014 đến nay.
 
Mùa có nhiều trái cây chín nhất là khoảng tháng 3-4-5 Âm lịch.
 
Chị Bé – người phụ nữ lái đò thân thiện và tận tình hướng dẫn khi tham quan ở cồn Sơn.

Phương tiện di chuyển
 
Vì cồn có vị trí ở…giữa sông, nên muốn sang cồn Sơn, du khách phải đi đò sang sông. Thời gian đi đò mất khoảng 10 phút. Chỉ có một chuyến đò duy nhất là đò của chị Bé chạy suốt ngày. Đò ngồi được khoảng 10-15 người, nếu đi theo đoàn vé được tính theo đoàn, nếu đi ít người, vé qua lại là 10.000 đồng/ lượt. Bên cồn Sơn không thể đi xe máy được do đường nhỏ và hẹp, nên bạn phải gửi xe máy tại bến đò.
Còn một chuyến đò lớn (có thể chở theo xe máy) bên cạnh cũng qua cồn Sơn, nhưng ghé ở đầu cồn, sau đó sẽ ghé qua Bình Tân (thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long). Bạn có thể đi chuyến đò này nhưng phải đi bộ xuống cuối cồn sẽ rất xa.
 
Trên cồn không thể chạy xe máy, do đường khá nhỏ hẹp, và mới được đổ bê tông khoảng 2 năm trở lại đây. Nên khi đến đây, bạn sẽ được luyện tập đôi chân suốt ngày. Người dân sống ở đây chủ yếu di chuyển bằng xuồng 3 lá hoặc đi bộ.
 
 
 
 
 
Tham quan ở đâu?
 
Đầu tiên, phải nói đến hình thức du lịch cộng đồng tại cồn. Nghĩa tất cả các hộ dân ở đây làm du lịch cùng nhau, dân dã và gần gũi, bạn phải gọi điện đặt trước khi qua để người dân ở đây chuẩn bị nguyện liệu làm các loại bánh trước cho bạn. Bạn có thể gọi điện cho chị Bé Bảy (phó phòng Văn hóa – Thông tin quận Bình Thủy) để liên hệ đặt chỗ nghỉ ngơi, làm bánh hoặc hỏi về địa chỉ tham quan vườn trái cây qua số điện thoại 0912.302.575
Không rõ hiện có bao nhiêu hộ đang làm du lịch ở đây, nhưng bạn muốn tham quan vườn trái cây gì, bạn hãy hỏi người dân bất kỳ, như chị Bé Bảy, nhà vườn Song Khánh, mọi người sẽ chỉ đường tận tình cho bạn.
 
Nếu muốn tìm hiểu, thưởng thức hay tự tay làm các món bánh nổi tiếng của người dân miền Tây như: bánh xèo, bánh khọt, bánh kẹp nướng, bánh in…các nhà vườn đều có thể trực tiếp chuẩn bị, hướng dẫn cho bạn các công đoạn. Người dân tiếp chuyện cực kỳ thân thiện và thật thà, xuề xòa, làm cho du khách khá thoải mái. Nếu ở cồn đến chiều, bạn có thể tham quan vườn cò ở đầu cồn. Nếu mệt, bạn có thể nằm võng nghỉ ngơi giữa không gian xanh ngắt, thoáng mát và yên tĩnh.
 
Mỗi hộ dân trên cồn sẽ phục vụ du khách những món ăn khác nhau, nên muốn ăn món gì, làm món gì, tham quan vườn cây nào, bạn sẽ được chỉ dẫn đến tận nơi. Chỉ cách một con sông, nhưng người dân trên cồn sống gần gũi, chân chất với nhau, nếp sống và sinh hoạt cũng chậm hơn so với phía bên kia thành phố.
 
Hôm mình đi, có một đoàn khoảng 10 người khách ghé ở nhà vườn Song Khánh để chuẩn bị ăn trưa (có đặt trước với chủ nhà). Sau đó, mình qua vườn bưởi Thành Tâm của anh Tâm để tham quan. Theo anh chia sẻ, vườn bưởi của anh nếu ăn “mỗi ngày 1 trái, thì ăn 1 năm 1 tháng mới hết”. Tính ra, vườn bưởi nhà anh tương đương…400 cây bưởi. Những cây bưởi xanh mướt, trĩu quả, quả to quả nhỏ chi chít nhìn cực kỳ thích. Hầu hết là bưởi trong vườn là bưởi năm Roi. Ngoài ra, còn một số loại cây khác như mận hồng đào, chôm chôm và tất cả đều sạch 100%. Anh Tâm vừa nói vừa lấy cây hái mận vào mời mình ăn và không cần…rửa. Anh nói là đang dự định xây homestay để phục vụ du khách nghỉ tại cồn. Hy vọng khi bạn đến tham quan sẽ được ở homestay miệt vườn ở vườn bưởi nhà anh Tâm. Phí vào tham quan vườn trái cây thì khá rẻ, chỉ 15.000/ người.
 
Nghe chị Ngân (chủ nhà vườn Công Minh) nói rằng, có một số đơn vị làm du lịch có thỏa thuận muốn xây dựng thêm cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách, mở rộng du lịch trên cồn, nhưng mọi người dân đều không đồng ý vì sợ mất đi nét hoang sơ, tự nhiên vốn có của cồn Sơn.
 
 
Mua gì đem về nhà?
 
Vì đặc sản chính là trái cây nên tất nhiên bạn có thể mua trái cây trực tiếp tại vườn để mang về nhà. Chẳng hạn, bưởi tại vườn anh Tâm có giá 20.000-25.000/ 1kg. Bạn mua bao nhiêu sẽ tính bấy nhiêu, cộng với phí tham quan vườn. Còn những loại trái cây khác, vì chưa đến mùa nên mình không nắm rõ.
 
Điều kiện sống trên cồn còn khá chân quê, đơn giản, nhưng là điều kiện tốt để bạn trải nghiệm nếp sinh hoạt của bà con miền Tây đúng nghĩa. Một cảm nhận của mình sau khi đến cồn Sơn là nơi đây làm du lịch nhưng không giống làm du lịch. Người dân chưa bị kiểu “du lịch hóa” như nhiều nơi nổi tiếng khác. Bạn sẽ không bị chèo kéo mua đặc sản, mua đồ lưu niệm, bạn thích mua gì thì mua, bạn gọi chủ vườn hái trực tiếp và bán cho bạn. Bạn thích ăn món gì thì đặt trước và ăn, nghỉ ngơi đến khi nào thích thì về mà không bị ép giá, kiểu dân du lịch hay gọi là…chặt đẹp giá. Bạn không lo cướp giật, móc túi, trộm tài sản. Trừ khi bạn đi cầu khỉ bị té, rớt điện thoại xuống mương nước bị hỏng, còn không, bạn chắc chắn không bị thiệt hại bất kỳ tài sản gì khi qua đây tham quan. Nói không ngoa thì đi cồn Sơn chơi là đi “hưởng thụ” đúng nghĩa.
 
Tin mình đi, chọn một ngày nghỉ, liên hệ với nhà vườn đặt trước(có số điện thoại ở đầu bài) thức ăn và đi qua cồn chơi một ngày, bạn sẽ rất là thích cách người dân ở đây làm du lịch cũng như cảnh quan, hệ sinh thái nơi đây.
 
Nguồn: http://canthopho.vn
TIN LIÊN QUAN