Khách đến miền Tây sông nước có thể tăng gấp 3 lần
     
Nếu được đầu tư đúng mức, đến năm 2030, du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể thu hút đến 19 triệu lượt khách lưu trú qua đêm, tăng 3 lần so với hiện nay. Điều này, giúp mang lại 4 tỉ đô la Mỹ chi tiêu trực tiếp và tạo ra khoảng 300.000 việc làm mới trong lĩnh vực này.
 
Công viên giải trí Kittyd & Minnied trên quốc lộ 1A, huyện Châu Thành A, Hậu Giang. Ảnh: HV
 
Phát biểu tại buổi họp về báo cáo kết quả nghiên cứu chiến lược phát triển du lịch ĐBSCL và thành phố Cần Thơ thích ứng biến đổi khí hậu diễn ra ở địa phương này vào hôm nay, 18-3, ông Marcin Miller, Giám đốc điều hành Tập đoàn BCG (Boston Consulting Group), đơn vị tư vấn xây dựng chiến lược du lịch của ĐBSCL - nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng đến năm 2030, tổng chi tiêu trực tiếp của du khách ở ĐBSCL sẽ đạt gần 4 tỉ đô la và thu hút gần hút 19 triệu khách du lịch nghỉ qua đêm ở ĐBSCL, không chỉ 1 ngày mà có thể 2 ngày và từ đó tạo ra khoảng 300.000 việc làm mới”.
 
Theo ông Miller, có 2 điểm chính để hoàn thiện tầm nhìn về phát triển du lịch ĐBSCL, đó là cần phải xây dựng 1 thương hiệu mạnh và phải có hệ thống quản lý chuyên nghiệp hơn để có thể thực hiện được tầm nhìn.
 
Theo đó, BCG đưa ra 5 chủ đề chiến lược liên quan đến thương hiệu du lịch của ĐBSCL và du khách trong tương lai khi đến đây sẽ tận hưởng 5 chủ đề.
 
Thứ nhất, là chuyện đất phương Nam, tức thể hiện được nét văn hóa của khu vực; thứ hai, nghỉ dưỡng sông Mê kông, chủ yếu là các hoạt động trên sông; thứ ba là khám phá Mêkông, tức mang đến những trải nghiệm tự nhiên đến du khách; thứ tư là tạo điểm đến kinh doanh và cuối cùng là chủ đề vui chơi, tụ hội. “Từng chủ đề đó sẽ tạo ra doanh thu và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung”, ông nói.
 
Ông Miller cho biết, BCG cũng đã đề ra 11 chương trình để thúc đẩy phát triển du lịch của vùng, trong đó, có một số chương trình quan trọng đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và thành phố Cần Thơ là trung tâm chính của sự phát triển các chương trình.
 
“Trong những chương trình này, có những chương trình mới như thành lập văn phòng quản lý điểm đến để đưa ra các quy định về marketing, quản lý tài sản du lịch có hệ thống cho các địa phương trong khu vực; chương trình chợ nổi ngao du trên sông…”, ông dẫn chứng.
 
Tuy nhiên, để hiện thực hóa được những kỳ vọng về mục tiêu như nêu trên, thì việc đầu tư, hoàn thiện về hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cần phải được quan tâm đầu tư.
 
Một vị đại diện của BCG nói rằng: “Khi chúng ta nói đến 19 triệu du khách đến ĐBSCL, thì đây (đầu tư hạ tầng) là điều quan trọng cần phải làm”.
 
Cụ thể, đối với giao thông đường thủy, theo vị này, cần đầu tư, phát triển 5 bến phà chính, trong đó, bến phà Cần Thơ là trung tâm trung chuyển chính của khu vực và phải nâng cấp các bến phà ở Châu Đốc (An Giang), Rạch Giá (Kiên Giang), Bạc Liêu và Bến Tre.
 
Trong khi đó, để thu hút khách quốc tế, theo vị này, phải phát triển đường hàng không. “Trong kế hoạch này, chúng ta cần mở hơn 20 tuyến bay thẳng quốc tế hàng tuần đến Cần Thơ”, ông nhấn mạnh và gợi ý cần làm việc với các hãng hàng không hàng đầu Việt Nam để tổ chức các chuyến bay quốc tế đến Cần Thơ.
 
Về đường bộ, cần phát triển hạ tầng từ Cần Thơ để kết nối đến các điểm đến khác trong khu vực ĐBSCL. Bởi, thời gian di chuyển đến các điểm tham quan hàng đầu hiện mất thời gian từ 2-3 giờ là rất lâu. “Vì vậy, chúng ta cần phải cắt giảm thời gian đi lại giữa các điểm đến để tăng thời gian trải nghiệm của khách hàng, đặc biệt Cần Thơ đóng vai trò quan trọng vì Cần Thơ kết nối với TPHCM”, vị này cho biết.
 
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ gợi ý, xây dựng chiến lược cần phải xác định mục tiêu chiến lược; phải có giải pháp liên quan đến thực hiện chiến lược, chọn điểm làm trung tâm và các điểm kết nối trung tâm, kết nối khu vực; có giải pháp về hạ tầng; phải quản trị chiến lược và có hiệu quả dự báo.
 
Dự án “Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu” được UBND thành phố Cần Thơ, Tập đoàn Novaland, Công ty tư vấn BGC (The Boston Consulting Group) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) ký kết hợp tác tư vấn chiến lược và triển khai vào ngày 27-3-2018.
 
Trung Chánh
TIN LIÊN QUAN