Những điểm du lịch hấp dẫn ở Trà Vinh
     
Trà Vinh là một tỉnh miền tây nam bộ nước ta. Với những địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn, sẽ là một lựa chọn vô cùng thú vị cho chuyến du lịch hè này của bạn.
 
Lễ hội cúng biển Mỹ Long
 
Lễ cúng biển
 
Lễ hội cúng biển hay còn gọi lễ Nghinh Ông là một lễ hội rất đặc thù, mang tính truyền thống của người dân vùng biển Trà Vinh, được tổ chứchàng năm tại thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang vào các ngày 10, 11 và 12 tháng 5 (AL). Nghi lễ được tổ chức trang trọng tại làng biển Mỹ Long suốt 3 ngày liền gồm: nghinh ông Nam Hải bằng tàu biển, giỗ tiền chức, chánh tế, chánh tế bà Chúa Xứ, nghinh ngũ phương và lễ tống tàu ra khơi.
 
Chùa Hang
 
Chùa Hang
 
Chùa còn có tên là Mồng Rầy (Kamponyixprdle), nhưng người dân ở đây quen gọi là chùa Hang vì kiến trúc cổng chùa giống cái Hang. Khuôn viên chùa rộng, một nửa diện tích là rừng tự nhiên, cây cao rậm rạp, là nơi hội tụ của nhiều loài chim. Cổng chính hướng ra phía bờ sông, cổng phụ xây dựng vòm cuốn, tường rất dày. Hai bên cổng chính là hai tượng Yak to bằng người thật. Yak là chằn tinh, mắt lồi, nanh dài, mặc áo giáp, cầm gậy, rất hung ác nhưng được Phật cải hóa, cho làm bảo vệ. Bạn muốn du lịch về đây có thể tham gia các tour du lịch hay đi du lịch bụi.
 
Vị trí: thuộc khóm 3, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, Từ thị xã Trà Vinh đi 5km theo hướng nam, qua cống ngăn mặn Tầm Phương du khách sẽ đến chùa Hang
 
Chùa Âng
 
Chùa Âng
 
Chùa có diện tích khoảng 4 hecta. Ao hình chữ nhật, chiều dài 500m, chiều rộng 300m, mặt nước trong và phẳng lặng, nhiều cây với phần rễ trồi lên mặt đất tạo thành những hình dạng kỳ thú. Trước chùa là Nhà Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh.
 
Vị trí: nằm cách trung tâm thị xã Trà Vinh 7km, ẩn mình trong rừng cây cổ thụ của ao Bà Om, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Trà Vinh.
 
Chùa Lưỡng Xuyên
 
Chùa Lưỡng Xuyên
 
Chùa được dựng vào thế kỷ XIX. Năm 1934, Hòa thượng Khánh Hòa trùng tu chùa, đặt tên là chùa Long Phước. Năm 1987, thầy Minh Hà trụ trì đã đổi tên là chùa Lưỡng Xuyên (ý chỉ hai con sông: Tiền Giang, Hậu Giang). Năm 1934, tại chùa đã đánh dấu sự ra đời của hội Phật học Lưỡng Xuyên, xuất bản tạp chí Duy Tâm Phật học và mở Phật học đường Lưỡng Xuyên do các Thiền sư Khánh Hòa, Khánh Anh và Huệ Quang phụ trách. Quý ngài đã dày công trong phong trào Chấn hưng Phật giáo và đào tạo tăng tài nửa đầu thế kỷ XX ở miền Nam.
 
Vị trí: tọa lạc tại Phường 1, thành phố Trà Vinh, là một ngôi cổ tự nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa Trà Vinh
 
Chùa Ông Mẹk
 
Chùa Ông Mẹk
 
Chùa còn có tên là chùa Kompong. Tên này nghĩa là chùa tượng Phật trong ao. Truyện kể rằng: năm 1604, khi trùng tu chùa, mấy chú mục đồng thấy có một pho tượng Phật bằng gỗ trong ao, dưới cây bồ đề. Các cụ trong phum sóc ra thỉnh tượng Phật vào chùa nhưng không tài nào đem lên được. Sư trụ trì tổ chức lễ cầu an, và dùng 7 sợi chỉ cột vào tượng thì kéo lên được (quả là ly kỳ). Nay sau hơn 400 năm, cây bồ đề không còn, nhưng tượng Phật gỗ vẫn còn đó (được đặt trong một tượng Phật lớn hơn, bằng xi măng, cao 3 met).
 
Vị trí: tọa lạc tại số 50/1 đường Lê Lợi, phường 1, thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
 
Chùa vườn cò
 
 
Chùa Vườn Cò
 
Chùa thường được gọi là chùa Vườn Cò, chùa Giồng Lớn, Chùa thuộc hệ phái Nam tông (Khmer). Người dân ở khu vực gần chùa quen gọi là chùa Vườn Cò vì trong vườn chùa, 2 hecta, là nơi cư trú của hàng ngàn con chim các loại như: cò, bồ câu ... (thường về chùa rất đông từ 17g hàng ngày).
 
Vị trí: tọa lạc tại ấp Cây Da, xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, cách thị xã Trà Vinh khoảng 40 km về phía Nam. 
 
Ao Bà Om
 
Ao Bà Om
 
Khí hậu tại Ao Bà Om mát mẻ quanh năm nên được người dân Trà Vinh đặt tên là Đà Lạt thứ hai. Bao bọc quanh ao là những cây sao, dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi phủ tán rợp cả vùng, tạo nên cảnh quan vừa thanh nhã, vừa mát lành. Những cây sao, cây dầu này có bộ rễ khổng lồ nổi trên mặt đất, tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ. Có bộ rễ lớn đến nỗi có thể tạo thành cái hang độc nhất vô nhị, trẻ con có thể chui vào vui chơi. Lại có bộ rễ cây trở thành ghế ngồi nghỉ chân của khách
 
Vị trí: Thắng Cảnh Ao Bà Om: Ao bà Om, nằm ở ấp Tà cú, xã Nguyệt Hoá, huyện Châu Thành, là một danh thắng bậc nhất của tỉnh Trà Vinh được nhiều người biết đến.
 
Bãi biển Ba Động
 
Biển Ba Động
 
Không có được những bãi tắm đẹp như Vũng Tàu, Nha Trang... nhưng biển Ba Động (Trà Vinh) đang trở thành một điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước bởi nét hoang sơ, khí hậu trong lành cùng với những động cát vàng ôm lấy dải rừng dương chạy dọc theo bờ biển thơ mộng.
 
Vị trí: Thuộc địa phận xã Trường Long Hoà, huyện Duyên Hải, cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 55km
 
Hải Đăng Ba Động
 
Hải đăng ba Động
 
Từ đây, chúng ta nhìn thấy biển Ba Động nước lam xanh. Mặt đất Trường Long Hòa dưới chân ta xanh ngắt một màu cây rừng. Bầu trời trên đầu chúng ta xanh bao la. Xa hơn, ống khói của công trình xây dựng Trung tâm Điện lực Duyên Hải nhô lên như Phù Đổng vươn vai… Tất cả màu xanh thiên nhiên hòa quyện lại tạo cho Trường Long Hòa một màu xanh quý phái như bức tranh thủy mặc.
 
Vị trí: Hải đăng Ba Động thuộc ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
 
Bảo tàng Khmer Trà Vinh
 
Bảo tàng Khmer
 
Ngoài những di tích, thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Ba Động, ao Bà Om... và các chùa chiền Khmer; Bảo tàng Văn hóa Khmer là một trong nhiều điểm đến thú vị ở tỉnh Trà Vinh. Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có hai bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer, một ở Sóc Trăng và một ở Trà Vinh. Đồng bào Khmer chiếm tới 30% dân số tỉnh Trà Vinh, là một trong những tộc người có nền văn hóa đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc.
 
Vị trí: Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh nằm trong quần thể Khu di tích Ao Bà Om và Chùa Âng; hiện tọa lạc tại khóm 4, phường 8, thành phố Trà Vinh
 
Cồn Nghêu
 
Cồn Nghêu
 
Cồn Nghêu là một cồn cát do phù sa của sông Cổ Chiên (sông Tiền) bồi đắp tạo thành, dài khoảng 5 km. Cồn cát chỉ xuất hiện khi thủy triều xuống. Còn khi thủy triều lên, đây là mặt nước biển mênh mông. Không khí nơi đây mát mẻ trong lành, hấp dẫn du khách bởi sự tồn tại lúc ẩn lúc hiện của cồn cát. Đến với cồn Nghêu, bạn có thể tự tay nhặt lấy những con nghêu ngay dưới bãi cát, mang lên luộc và thưởng thức vị ngon ngọt của thịt nghêu ngay tại chỗ.
 
Vị trí: Cồn Nghêu thuộc địa phận xã Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, cách bờ biển Mỹ Long khoảng 10 phút đi canô
 
Nguồn : http://dulich24.com.vn
 

 
 
 



 
 


 
TIN LIÊN QUAN