Nâng chất sản phẩm, tập trung đào tạo nguồn nhân lực
     
Cần Thơ từng bước hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng: du lịch đô thị sông nước, cộng đồng, sinh thái miệt vườn… Trên tiến trình hội nhập, ngành công nghiệp không khói đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế- xã hội của thành phố. Để tạo thêm sức hút cũng như nâng cao tính cạnh tranh, Cần Thơ đang đầu tư, nâng chất các sản phẩm du lịch, tập trung đào tạo nguồn nhân lực. Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) TP Cần Thơ, cho biết những bước phát triển quan trọng trong công tác này:
 
- Cần Thơ trở thành điểm đến được du khách và truyền thông trong nước, quốc tế quan tâm. Đó là nhờ Thành ủy- HĐND- UBND, Ban chỉ đạo Phát triển du lịch của thành phố tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch được chủ động và hiệu quả. Du lịch Cần Thơ trong 6 tháng đầu năm 2017 có mức tăng trưởng tốt, chỉ tiêu về khách lẫn doanh thu đều đạt từ 55% kế hoạch. Bước đầu, chúng tôi củng cố và dần phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch của địa phương, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch. Cụ thể là du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) gắn với du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, di tích văn hóa lịch sử, với điểm nhấn chính là chợ nổi Cái Răng. Văn hóa Chợ nổi Cái Răng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cũng là điểm đến độc đáo của Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, thành phố đã có đề án và triển khai "Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng", định hướng là chợ văn hóa, văn minh gắn với phát triển du lịch.
 
Thực hiện đề án điều chỉnh "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ cũng đã làm việc với các quận, huyện, xác định tiềm năng và xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng. Theo đó, Ninh Kiều sẽ tập trung phát huy thế mạnh du lịch MICE, khai thác Bến Ninh Kiều, cầu đi bộ, cũng như các sự kiện hoạt động ngoài trời để thu hút du khách; Cái Răng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, homestay, điểm nhấn chính là chợ nổi Cái Răng; Bình Thủy phát huy du lịch cộng đồng gắn với tham quan di tích lịch sử- văn hóa; Phong Điền chú trọng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn; Ô Môn khai thác các làng nghề, văn hóa đồng bào dân tộc Khmer; Thốt Nốt phát triển du lịch cộng đồng kết hợp làng nghề và hệ thống nhà cổ trên đất cù lao Tân Lộc; còn Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ khai thác du lịch nông nghiệp.
 
Cùng với việc xác định hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, TP Cần Thơ đang chủ động xây dựng các sự kiện văn hóa- thể thao- ẩm thực đặc trưng để thu hút du khách. Ngoài thương hiệu Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, thành phố cũng đang dần hình thành một số sự kiện độc đáo: Ngày hội du lịch vườn trái cây Tân Lộc (mùng 5-5 âm lịch) của quận Thốt Nốt, Ngày hội du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng (vào dịp 9-7, Ngày du lịch Việt Nam hàng năm), Ngày hội du lịch sinh thái miệt vườn Phong Điền (ngày 27-9, Ngày du lịch Thế giới hàng năm). Năm nay, thành phố có thêm Lễ Kỳ yên Thượng điền Đình Bình Thủy và Ngày hội văn hóa– Đêm hoa đăng Bến Ninh Kiều (dự kiến diễn ra vào 21 và 22-8).
 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (ảnh, phải), Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng, Trưởng đoàn Famtrip Lâm Đồng đến tham quan và học tập mô hình du lịch cộng đồng tại cồn Sơn, Cần Thơ vào tháng 6-2017.
 
* Trên tiến trình hội nhập, thách thức mà du lịch Cần Thơ đang phải đối mặt là những vấn đề gì, thưa ông?
 
- So với trước kia, Cần Thơ đã có nhiều sản phẩm du lịch hơn, phát huy được lợi thế, tiềm năng về du lịch sông nước, đô thị, sinh thái, cộng đồng… Trên bản đồ du lịch quốc tế, Cần Thơ được công nhận là một trong 10 thành phố có kênh rạch đẹp nhất thế giới (trang Themysteriousworld), có chợ nổi Cái Răng là một trong 10 chợ ấn tượng nhất thế giới (tạp chí Rough Guide), cầu đi bộ đạt giải Cảnh quan châu Á năm 2016.
 
Thế nhưng, những tiềm năng này vẫn chưa khai thác hiệu quả như mong đợi. Thành phố vẫn chưa có nhiều dịch vụ vui chơi giải trí giữ chân du khách, chỉ số lưu trú tại Cần Thơ bình quân chỉ đạt khoảng 1,8 ngày. Mặc dù đã cao hơn so với các năm trước (1,3 ngày trong năm 2015) nhưng đây vẫn là vấn đề ngành du lịch quan tâm và tìm giải pháp khắc phục. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tiến trình hội nhập quốc tế. Hiện tỷ lệ qua đào tạo chỉ đạt khoảng 45%- một tỷ lệ đáng lo ngại. Theo đề án điều chỉnh "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", nguồn nhân lực du lịch được đào tạo phải đạt khoảng 80%, nên đây cũng là một thách thức dành cho ngành.
 
* Định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới sẽ tập trung giải quyết những khó khăn đó thế nào, thưa ông?
 
- Thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Thành ủy, ngày 1/8/2016, Kế hoạch 111/KH-UBND ngày 19/9/2016 của UBND TP Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó có mục tiêu xác định đến năm 2020 du lịch Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; ngành cũng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Xây dựng gắn với nâng chất sản phẩm du lịch và đào tạo nguồn nhân lực là hai vấn đề trọng tâm mà ngành chú trọng nhất trong công tác định hướng phát triển du lịch của địa phương.
 
Hiện Sở VH-TT&DL đang xây dựng 9 chương trình, đề án tập trung cho phát triển du lịch. Trong đó, có 5 đề án sẽ được thông qua trong năm 2017: Đề án Bảo tồn và phát huy làng cổ Long Tuyền; Kế hoạch bảo tồn và phát huy di tích lịch sử, di tích văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch; Chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao nhận thức của TP Cần Thơ; Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch TP Cần Thơ giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2030; Xây dựng chương trình hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước và hợp tác quốc tế phù hợp với định hướng quy hoạch. Các chương trình, đề án này sẽ góp phần xây dựng, nâng chất các sản phẩm du lịch, từng bước tạo thêm nhiều sản phẩm đa dạng cho du lịch thành phố. Ngoài ra, Sở cũng đang xây dựng đề án Phát triển Điểm du lịch quốc gia Bến Ninh Kiều (Bến Ninh Kiều, cầu đi bộ, chợ nổi Cái Răng và các cồn dọc sông Hậu), dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018. Cùng với đó, Sở cũng đang tham mưu UBND thành phố để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư về du lịch, để kêu gọi các dự án tầm cỡ, góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch thành phố.

Xác định con người là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch, ngành cũng định hướng xây dựng con người Cần Thơ thân thiện, mến khách, nên ngoài đề án nguồn nhân lực đã đề cập ở trên, hàng năm Sở VH-TT&DL đều phối hợp với Hiệp hội du lịch Việt Nam, các trường đào tạo, bình quân mỗi năm tổ chức từ 7-10 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hoạt động du lịch. Năm 2017, Sở dự kiến tổ chức 12 lớp, riêng trong tháng 7 này sẽ có 5 lớp được mở. Các lớp này tập trung bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ cho các đối tượng ở các khu điểm vườn du lịch, tiểu thương trên chợ nổi Cái Răng, lái tàu phục vụ du lịch, thuyết minh viên, hướng dẫn viên, người dân làm du lịch cộng đồng.
 
Trên cơ sở bám sát Chương trình liên kết hợp tác với các địa phương, quốc gia đã ký kết với Cần Thơ trên các lĩnh vực thương mại, xuất khẩu…, Sở VH-TT&DL đề xuất nội dung hợp tác phát triển trên lĩnh vực du lịch với các địa phương, quốc gia: Thái Lan, Mỹ, Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Úc… Ngoài ra, Sở VHTT&DL tiếp tục tham mưu UBND thành phố xúc tiến mở thêm một số đường bay nội địa và quốc tế như: Cần Thơ- Khánh Hòa, Cần Thơ- Lâm Đồng, Cần Thơ- Hải Phòng, Cần Thơ- Hàn Quốc, Cần Thơ- Singapore, Cần Thơ- Đài Loan… để tạo điều kiện liên kết, thúc đẩy sự phát triển du lịch của thành phố.
 
* Xin cảm ơn ông!
 
Nguồn: ÁI LAM (Thực hiện) - http://www.baocantho.com.vn
TIN LIÊN QUAN