“Quà quê” mùa nước nổi
     
Ngoài các loại cua, cá đồng hay bông súng, bông điên điển luôn “được lòng” người vào mùa nước nổi, trái cà na được chờ đợi không kém mỗi khi con nước tràn đồng, nhất là với lũ trẻ quê. Tự bao giờ, trái cà na căng tròn, chua chát trở thành “đặc sản”. Chỉ biết rằng, loại trái dân dã ấy mà làm mứt hay ngâm đường thì khó có gì sánh kịp.
 
Bà Cúc kiếm thêm thu nhập từ bán cà na
 
Có mặt ở các chợ miền Tây vào thời điểm này, không khó để bắt gặp trái cà na được bày bán khắp nơi. Từ trái tươi chưa qua chế biến đến những trái đã “thành phẩm” qua bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị. Vì là món quê nên cách chế biến cà na cũng “rất quê”. Chỉ cần ngào với đường hay đơn giản là mang ra đập dập rồi ngâm muối đường, vậy đó, trái cà na khiến biết bao người vấn vương hương vị. Ở đâu đâu cũng thấy bóng dáng cây cà na, chỉ là chỗ ít chỗ nhiều mà thôi. Bởi thế dân gian mới có câu nói truyền miệng nghe vui tai cho đến tận bây giờ: “Xứ đâu là xứ cà na/ đi thăm cháu ngoại, cho vồ cà na”. Trong ký ức của tôi, cà na là “món quà quê” mà thiên nhiên ban tặng cho bọn trẻ. Ngày ấy, đám nhóc chúng tôi có được cho tiền mua quà vặt hay thức ăn gì cao sang đâu. Vậy là, đợi... mùa cà na như một thói quen chứa đựng nhiều kỷ niệm đẹp với bất kỳ ai đã từng trải qua tuổi thơ ở miền sông nước. Vì khi đó, bọn nhóc chúng tôi được tha hồ hái trái, vừa ăn vừa kể chuyện tiếu lâm. Trái cà na nhiều đến nổi, ăn không hết chúng tôi mang chọi nhau khắp nơi.
 
Vớt cà na rụng dưới sông là việc làm yêu thích của đám trẻ
 
Còn bây giờ, trái cà na mà bị mang ra làm trò chơi như xưa, chắc người lớn sẽ “tiếc” lắm! Bởi, cà na không chỉ để ăn mà còn là loại trái mang đến nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân quê vào mùa nước nổi. Dẫu đã ăn và gắn bó với trái cà na không biết bao nhiêu mùa nước, nhưng để kiếm thêm chút thu nhập từ loại trái quê này thì bà Nguyễn Thị Cúc (52 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, Châu Thành) chỉ bắt đầu khoảng 5 năm trở lại đây. “Lúc trước, nhà tôi có nhiều cây cà na lắm, nào là do ba tôi trồng, nào là do nó tự mọc. Thời đó, cà na chỉ có 1.000-3.000 đồng/kg. Mùa nào cũng vậy, ăn thì không hết, bán lại không có giá nên ba tôi đã cây cà na để thay thế bằng loại cây khác có giá trị cao hơn. Còn bây giờ, cà na sống có giá từ 20.000-50.000 đồng/kg. Với cà na ngào đường hay đập thì giá khá cao, từ 70.000-100.000 đồng/kg. Thấy vậy, tôi tìm mua giống rồi trồng lại cây cà na chừng 4-5 năm nay. Giờ, cây cà na của tôi đã cho trái được 2-3 mùa. Tuy cây còn nhỏ nhưng mỗi mùa, tôi cũng kiếm được từ 1-2 triệu đồng/cây cà na”- bà Cúc thật thà nói.
 
Cà na đập và cà na ngào đường được bày bán
 
Sỡ hữu độc nhất 1 cây cà na nhưng anh Nguyễn Văn Tính (23 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình) rất tự hào về nó. Đưa mắt nhìn về phía cây cà na, anh Tính cho biết: “Cây này được ba tôi trồng, đã hơn chục năm rồi! Ngày xưa, thân to lắm, phải đến 2 người lớn dang tay ra ôm mới hết. Thấy vậy, ba tôi đã chặt bớt nhánh để nó không vướng, cản trở tầm nhìn người đi đường. Vậy mà, mùa nào, nhà tôi cũng thu về từ 3-5 triệu đồng từ việc bán trái tươi. Vì quen biết nên tôi chỉ bán với giá từ 20.000-30.000 đồng/kg cà na. Người ta nói, cây lão thì trái sẽ dần nhỏ lại nhưng tôi vẫn thấy trái cà na nhà mình rất to". Anh Tính trèo lên cao, lựa những trái to nhất để “đãi” khách. Những trái ở cao quá, anh lại dùng lực, rung mạnh cho nó rơi xuống nước. Vừa thấy trái cà na rụng, bọn trẻ con vội chạy lấy rổ, nhảy xuống xuồng vớt cà na mà miệng cười tíu tít.
 
Cây cà na lớn nhanh lắm! Vừa thấy những chùm bông trăng trắng phủ kín các nhánh vậy mà vài hôm không để ý là đã ra trái xanh tự lúc nào. Có trái còn "ú nu ú nần" trông "mũm mĩm" đến thương, khiến ta chỉ muốn ngắm nhìn chứ không nỡ ăn. Người miền tây phóng khoáng nên trong cách ăn cũng không cầu kỳ. Với trái cà na, đơn giản nhất là vừa hái trên cây, chấm với chén muối ớt rồi cho ngay vào miệng. Vị chua chua, chan chát hòa với cái mặn mòi của muối, khiến lũ trẻ con ăn đến hết cả rổ cà na lúc nào không biết. Muốn ngon hơn, chịu khó làm thêm vài công đoạn. “Để làm cà na ngào đường, trước tiên phải cắt khía trái (4-5 khía/trái) rồi đâm ngâm nước 3-5 ngày. Sau đó, cho vào ít muối vừa rửa vừa bóp nhiều lần để bớt vị chua chát. Xong thì đem sên với đường (để lửa nhỏ và đảo đều tay, liên tục). Tùy vào khẩu vị mỗi người muốn ăn ngọt thì cho đường nhiều hay ít. Cà na ngào ăn sẽ ngon hơn nếu chấm với ít muối ớt cay nồng. Còn món cà na đập thì đơn giản hơn. Sau khi đập dập trái thì ngâm với muối vài tiếng rồi rửa lại với nước lạnh nhiều lần. Trộn tỷ lệ vừa phải giữa cà na, đường, muối và ớt. Để tăng thêm vị giác, cho thêm nước mắm. Chỉ vậy thôi mà ngày nào, thau cà na của tôi cũng bán hết”- bà Cúc chia sẻ bí quyết làm cà na.
 
Cây cà na còn chịu khó giữ đất giữ bờ vì rễ của nó bám rất chặt. Bởi vậy, nhà nào có cây cà na cũng hay. Vừa có tán cây che mát, vừa khỏi sợ đất trôi lại còn có trái ngon để ăn mỗi khi đến mùa. Ký ức về cây cà na với người dân quê là thế, thật nhẹ nhàng nhưng rất khó phai, dù có đi bất cứ đâu nhưng mỗi khi ai đó bảo mùa nước nổi về, trái cà na cũng... về theo.
 
Nguồn: PHƯƠNG LAN - http://www.tintucmientay.com.vn
TIN LIÊN QUAN