Tết Chôl Chnăm Thmây người Khmer Nam Bộ
     
Tương tự như Tết Nguyên Đán của người Việt, Tết Chôl Chnăm Thmây mang ý nghĩa là đón mừng năm mới, mừng thêm một tuổi. Ngoài ra, Tết Chôl Chnăm Thmây còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ mùa tới.
 
 
Tết Chôl Chnăm Thmây giống như Tết Nguyên Đán của người Việt

Đồng bào Khmer ở Nam Bộ có tôn giáo chính là Phật giáo nguyên thủy. Những lễ hội của họ mang màu sắc tôn giáo và gắn liền với sinh hoạt chùa chiền.
 
Lễ Chôl Chnăm Thmây cũng là những ngày Tết của nhân dân Campuchia, Tết Lào, Tết Thái Lan. Lễ kéo dài trong 3 ngày, thường tổ chức khoảng đầu tháng Chét theo lịch của Phật giáo Khmer và không cố định ngày (khoảng giữa tháng Tư dương lịch). Đây là thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa, ngoài đón mừng năm mới, lễ còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ mùa.
 
Trước ngày lễ, bà con Khmer lo chuẩn bị rất chu đáo. Trước tiên gia đình nào cũng tập trung cho việc ăn mặc đẹp. Các cháu nhỏ được may sắm những bộ quần áo mới. Các nhà sư ở chùa làm lễ, tụng kinh cầu an rồi lấy nước thơm (nước có ngâm các loại hoa thơm) để tắm tượng Phật. Ở khắp nơi, nhân dân cũng tắm nước thơm để rửa sạch những cái không tốt của năm cũ, chào đón những cái may mắn trong năm mới. Trong gia đình, nhà nào cũng lo chà gạo, làm bánh, nước sinh hoạt gánh đổ đầy ghè, đầy chum. Mọi người sửa sang bàn thờ Phật, trang hoàng nhà cửa. Trong chuồng trâu bò, rơm rạ cũng đầy đủ để chúng ăn trong ba ngày Tết.
 
 
Núi cát cũng như những đám mây mang mưa cho vụ mùa mới

Trong Tết Chôl Chnam Thmây, một tục lệ không thể thiếu của người Khme là đắp núi cát tại các ngôi chùa. Người Khmer quan niệm rằng mỗi hạt cát được đắp lên là xoá được một tội lỗi và giải thoát được một linh hồn dưới địa ngục. Núi cát cũng như những đám mây mang mưa cho vụ mùa mới sau 5-6 tháng khô hạn.
 
Ngoài việc thờ phụng Phật, người Khmer còn tin rằng mỗi năm có một vị tiên trên trời (Tê-vê-đa) được trời sai xuống để chăm lo cho cuộc sống và con người trong năm đó, hết năm lại về trời để vị thần khác xuống hạ giới.
 
Vì thế, trong đêm giao thừa, khói hương nghi ngút, trên bàn thờ có bày sẵn 5 nhánh hoa, 5 cây đèn cầy, 5 cây nhang, 5 hạt cốm và nhiều loại cây quả. Cha mẹ, ông bà tập trung con cháu lại, ngồi xếp chân trước bàn thờ tổ tiên, vái cúng tiễn đưa ông Tê-vê-đa cũ, rước ông Tê-vê-đa mới, mong được ban phúc lành.
 
Trẻ em Khmer đón Tết cổ truyền

Ngày thứ nhất gọi là Thngay Chôl Chnăm Thmây mọi người tắm gội, mặc quần áo đẹp, đội cỗ lên chùa làm lễ cầu phúc năm mới. Tại chùa có vị Acha điều hành buổi lễ. Mọi người xếp hàng đi quanh chánh điện ba lần để làm lễ chào mừng năm mới. Sau buổi lễ, mọi người cùng liên hoan tại chùa.
 
Ngày thứ hai gọi là Thngay Von-boch, mỗi gia đình đều làm lễ dâng cơm buổi sớm và buổi trưa cho các vị sư sãi ở chùa. Trước khi ăn, sư sãi tụng kinh tạ ơn người làm vật thực. Buổi chiều, làm lễ “đắp núi cát” (Puôn phnôm khsach) ngay tại khuôn viên chùa, để mong gặp được điều lành theo sự hướng dẫn của vị Acha.
 
 
Điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer

Ngày thứ ba gọi là Thngay Lơn-săk, người ta làm lễ tắm tượng Phật bằng nước thơm, rồi sau đó tắm cho các vị sư cao niên ở chùa, tượng trưng cho việc rửa hết những bụi trần trong năm cũ, để bước sang năm mới sạch sẽ, hoàn toàn mới.
 
Gia đình nào cũng vậy, dù rất nghèo cũng có nồi bánh nùm-chrụt (gần giống bánh tét của người Kinh Nam Bộ) và bánh nùm-tiên (gần giống bánh ít Nam Bộ). Hai loại bánh này tượng trưng cho sự no ấm, làm ăn thịnh vượng, được mùa của người Khmer.
 
 
Trai gái té nước trong lễ hội

Trong ba ngày Tết, bà con còn tổ chức những ngày hội Chôl gồm nhiều trò chơi như hát đối, múa trống, thả diều, múa nến, những điệu múa tập thể sôi nổi, lành mạnh. Bà con Khmer còn đi thăm hỏi, mừng tuổi năm mới, chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, làm ăn phát đạt.
 
Nguồn: http://vanhoamientay.com (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN