Văn hóa Cần Thơ vững vàng hội nhập
     
2015 được xem là năm bội thu của văn hóa Cần Thơ trong những hoạt động giao lưu, hội nhập. Thông qua các chương trình trao đổi, hợp tác về văn hóa giữa Cần Thơ với các nước, nét đẹp cùng bản sắc truyền thống của thành phố được quảng bá,

2015 được xem là năm bội thu của văn hóa Cần Thơ trong những hoạt động giao lưu, hội nhập. Thông qua các chương trình trao đổi, hợp tác về văn hóa giữa Cần Thơ với các nước, nét đẹp cùng bản sắc truyền thống của thành phố được quảng bá, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau tạo tiền đề cho hợp tác phát triển thương mại, kinh tế…

Một năm đầy sắc màu

Sự kiện đáng chú ý trong cuối năm nay là chương trình Giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam- Nhật Bản năm 2015 diễn ra tại công viên Lưu Hữu Phước. Suốt 4 ngày của chương trình (từ 19 đến 21-11), hàng ngàn người dân trong và ngoài thành phố đã đến để trải nghiệm không gian văn hóa Nhật Bản với trà đạo, võ Aikido, Katori Shintoryu; múa Ichino… Thành phố Cần Thơ cũng mang đến chương trình đậm sắc màu văn hóa phương Nam với đờn ca tài tử, trình diễn trang phục áo bà ba, áo dài… Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Đây là lần đầu tiên Cần Thơ tổ chức sự kiện giao lưu văn hóa và thương mại có quy mô cấp vùng với Nhật Bản. Chương trình không chỉ tăng cường tình hữu nghị mà còn giới thiệu nét đẹp văn hóa, đất nước và con người Nhật Bản đến với người dân trong khu vực, đồng thời quảng bá nét đẹp văn hóa và con người của TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung đến với các bạn Nhật Bản. Đó là nền tảng cho sự hợp tác phát triển trên nhiều mặt, nhất là kinh tế.

Cũng trong dòng chảy giao lưu Việt- Nhật, tháng 3-2015, Ngày hội Nhật Bản tại Trường Đại học Cần Thơ đã thu hút đông đảo sinh viên. Các bạn được hướng dẫn xếp giấy Origami, mặc áo Yukata, giới thiệu đồ chơi, búp bê và trang phục truyền thống… trong không khí vui tươi. Sinh viên Nguyễn Thiện Toàn cho biết: “Những hoạt động này rất có ích cho sinh viên vì giúp chúng em trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau, trau dồi kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp”.

Các đồng chí nguyên lãnh đạo TP Cần Thơ trò chuyện với Tổng Lãnh sự các nước tại lễ khai mạc Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2015.

Ngoài ra, một số sự kiện mang tính giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế trong năm 2015 ở Cần Thơ như Hội sách Cần Thơ, Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ, Ngày hội Văn hóa Indonesia tại TP Cần Thơ, Ngày hội Pháp ngữ khu vực ĐBSCL… đều để lại nhiều dấu ấn cho khách tham quan trong và ngoài nước. Thích thú khi tham dự Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ do Cần Thơ tổ chức, anh Tuấn Nguyễn, Việt kiều Pháp, cho biết, không chỉ anh mà nhiều bạn bè Pháp thích được hòa mình vào lễ hội mang bản sắc Nam bộ này. Anh Tuấn Nguyễn nói: “Bạn bè tôi khi biết đây là sự kiện thường niên đều hẹn sang năm lại bay về Cần Thơ để được lần nữa trải nghiệm không gian văn hóa ẩm thực dân gian đặc thù này”.

Không chỉ tổ chức tại địa phương, năm qua, văn hóa Cần Thơ từng nhiều lần tham gia các chương trình, lễ hội văn hóa ở các địa phương khác. Tiêu biểu là chương trình Tái hiện không gian chợ nổi Nam bộ và Tuần lễ Văn hóa- Du lịch ĐBSCL tại Hà Nội. Soạn giả Nhâm Hùng, người thiết kế ý tưởng tái hiện chợ nổi cho biết, dù là lần tổ chức thứ 2 nhưng đông đảo người thưởng lãm vẫn đến với không gian văn hóa thương hồ của chợ nổi Nam bộ, được ông lấy từ nguyên mẫu chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Đặc biệt, hàng tấn trái cây từ miệt vườn Cần Thơ như dâu, cam… được mua hết chỉ trong vài ngày đầu chương trình diễn ra. Ông Hùng khẳng định: “Đây là cơ hội tốt để quảng bá du lịch và văn hóa Cần Thơ hằng năm”.

Tiền đề hội nhập

Bà Lê Thị Thanh Giang, Chủ tịch Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị TP Cần Thơ, cho biết, hiện đơn vị có 21 Hội Hữu nghị các nước và 30 Chi hội Hữu nghị. Năm 2015, Liên hiệp đã phối hợp với các Hội Hữu nghị thành viên như Việt- Nhật, Việt- Pháp, các Tổng lãnh sự các nước tổ chức thành công nhiều sự kiện giao lưu văn hóa tại TP Cần Thơ. Bà Giang đánh giá, những sự kiện giao lưu văn hóa vừa qua đã giới thiệu các nền văn hóa đa sắc màu nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng với các nước. Đặc biệt, đó cũng là cơ hội để tuổi trẻ Cần Thơ tham gia quá trình Việt Nam thể hiện vai trò nòng cốt trong cộng đồng ASEAN và hội nhập quốc tế trong hiện tại và tương lai. “Giao lưu văn hóa để nhân dân các nước hiểu, tin và có sự đồng điệu; từ đó tạo bước đệm vững chắc cho hợp tác kinh tế lâu dài”- bà Giang lý giải. Hiệu quả rõ nét là sau những hoạt động ngoại giao, giao lưu văn hóa thường xuyên giữa Cần Thơ với Hàn Quốc và Nhật Bản, hiện hai nước này đang có nhiều dự án đầu tư quan trọng tại Cần Thơ. Đồng quan điểm này, trao đổi tại chương trình Giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam- Nhật Bản năm 2015, ông Nakajima Satoshi, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ mong muốn ngày càng có thêm những sự kiện giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Cần Thơ để người dân hai nước có điều kiện thấu hiểu, làm nền tảng hợp tác, phát triển văn hóa, thương mại.

Năm 2015, TP Cần Thơ tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn, có sự tham dự của nhiều đoàn khách nước ngoài. Trong ảnh: Đoàn nghệ nhân Nhật Bản trình diễn ẩm thực tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ năm 2015.

Quả thật, những sự kiện giao lưu, thúc đẩy văn hóa giữa Cần Thơ và một số nước trên thế giới vừa qua đã mang lại những hiệu quả quan trọng. Ví dụ như tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ vừa qua, nhiều món ngon ẩm thực Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… cũng đã tham gia và tạo dấu ấn. Từ đó, bánh dân gian Nam bộ được quảng bá, mở ra cơ hội xuất ngoại cho những loại bánh tưởng chừng tồn tại trong chái bếp người Nam bộ. Là người nhiều năm gắn bó với Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, cho biết: Thông qua Lễ hội Bánh dân gian, các ngành chức năng của TP Cần Thơ đã và đang xúc tiến xây dựng thương hiệu cho ẩm thực dân gian, khai thác tối đa sự phong phú và hấp dẫn của ẩm thực dân gian Cần Thơ theo hướng vừa bảo tồn phát huy giá trị truyền thống, vừa hội nhập. Suốt 4 năm qua tổ chức, lễ hội còn giúp các làng nghề, nghệ nhân hình thành phân khúc thị trường, sự chuyển đổi của xu hướng tiêu dùng trong thời buổi hội nhập để thích ứng, từ đó tạo động lực để nghệ nhân cải tiến mẫu mã, chất lượng, tạo hướng mở cho bánh dân gian hội nhập.

Dù lần thứ hai mang chợ nổi ra Thủ Đô trong chương trình Tái hiện không gian chợ nổi Nam bộ và Tuần lễ Văn hóa – Du lịch ĐBSCL tại Hà Nội, nhưng sự hào hứng của bà con phía Bắc khi nghe đờn ca tài tử trên ghe chèo, ghe bầu… khiến ông Nhâm Hùng xúc động. Ông Hùng còn nhớ một buổi chiều, khi đoàn nghệ nhân Cần Thơ đã kết thúc chương trình vì trời gần về tối, một bà lão ngồi xe lăn được các con đẩy đến nghe đờn ca nhưng đã trễ. Thấy vậy, nghệ nhân ca không nhạc đệm một bản vắn nói về tình mẫu tử và cụ đã rơm rớm nước mắt. “Không chỉ người Việt Nam mà hàng trăm khách nước ngoài cũng quây quần bên chiếu đờn ca tài tử của Cần Thơ để thưởng thức loại hình sinh hoạt văn hóa này. Chắc họ không thể hiểu cặn kẽ về bài bản, nhưng giai điệu ngọt ngào, tha thiết của tiếng đờn, lời ca sẽ mang Việt Nam đến gần với thế giới”- ông Hùng nhận định. Rõ ràng, việc hội nhập văn hóa bằng những hoạt động, chương trình cụ thể, giới thiệu được bản sắc địa phương là con đường hiệu quả để văn hóa Cần Thơ hội nhập.

Bà Lê Thị Thanh Giang, Chủ tịch Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị TP Cần Thơ, cho biết, năm 2016 sẽ có nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng như: Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Philippines, Ngày hội Văn hóa Indonesia tại Cần Thơ lần III, chuỗi sự kiện kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Thái Lan… Đặc biệt, lần đầu tiên Cần Thơ được chọn đăng cai Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam- Pháp lần 10. Đây là sự kiện quốc tế với các hoạt động gặp gỡ, đối thoại song phương, hội chợ, tuần hành… có quy mô lớn. “Thông qua những hoạt động đó, tôi tin rằng nét văn hóa đặc trưng của Cần Thơ sẽ được quảng bá rộng rãi và vững vàng trước xu thế hội nhập”- bà Giang nhấn mạnh.

Nguồn: Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH - http://www.baocantho.com.vn/

TIN LIÊN QUAN