Đòn bẩy tăng trưởng “thủ phủ” Tây Nam bộ - Cần Thơ
     
Hoạt động mở rộng mạng bay tại Cần Thơ mở ra cơ hội lớn cho thành phố và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp không khói, thu hút du khách trong và ngoài nước.
 
Chợ nổi Cần Thơ
 
“Điểm sáng” du lịch vùng
 
Là một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, Cần Thơ là đô thị loại I và là một trong 4 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Được biết đến như là một “đô thị miền sông nước”, Cần Thơ hội tụ đủ yếu tố trở thành điểm đến du lịch của cả vùng Tây Nam bộ. Trong đó, một trong những sản phẩm được thành phố xác định là du lịch đường sông với những địa danh đã làm nên tên tuổi như bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền... Chợ nổi là một nét văn hóa đặc trưng của người dân Tây Nam bộ khó có thể tìm thấy ở những địa phương khác, một nét đẹp độc đáo đầy khác lạ. Cần Thơ cũng có các khu du lịch miệt vườn, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân sông nước qua các hoạt động đặc trưng như: tát ao, bắt cá, tham quan làng nghề truyền thống.

“Ở nước ta, đã có những thành phố đáng sống, hay những thành phố biển đáng sống thì Cần Thơ có tiềm năng trở thành một thành phố sông nước, một đô thị sinh thái đáng sống”, Thủ tướng từng nhận định.
 
Theo Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ, trong năm 2019, TP Cần Thơ đã đón 8,8 triệu lượt khách du lịch, tăng 4,6% so cùng kỳ so với năm trước. Khách lưu trú đạt trên 3 triệu lượt, tăng 13,1%, trong đó lưu trú quốc tế đạt trên 409.000 lượt khách, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời, tổng doanh thu từ du lịch của thành phố cũng đạt trên 4.435 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2018.
 
Tập trung nguồn lực nâng cấp hạ tầng
 
Từ những tiềm năng sẵn có, Cần Thơ là thành phố có thể trở thành trung tâm dịch vụ logistics của toàn vùng ĐBSCL, theo ghi nhận của lãnh đạo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Với định hướng trở thành động lực kinh tế, du lịch của khu vực, thành phố đang tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng khung, các công trình đầu mối với tầm nhìn dài hạn, trong đó thu hút vốn đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng là một trong những chiến lược quan trọng. Về hạ tầng du lịch, được biết, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch đang đẩy mạnh hoạt động phát triển tại thủ phủ miền Tây như Tập đoàn Novaland, Thu Duc House, Tập đoàn Vin,… Gần đây nhất, Tập đoàn FLC cho biết doanh nghiệp đang nghiên cứu, triển khai dự án quần thể đô thị du lịch sinh thái, dịch vụ nghỉ dưỡng và thể thao giải trí với tổng quy mô 1.600ha. 
 
Cần Thơ đang từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại
 
Mặt khác, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, nhiều công trình hạ tầng giao thông tại Cần Thơ đã và đang tiếp tục được phát triển với sự quy hoạch đồng bộ trên tất cả phương diện về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Trong đó, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ đóng vai trò quan trọng trong khu vực ĐBSCL và cả nước. Cùng với đó, sân bay trên mở ra cơ hội lớn cho Cần Thơ và vùng ĐBSCL đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp không khói, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Tăng tốc mở rộng mạng bay tại Cần Thơ
 
Để phát huy vai trò của Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Bộ GTVT cùng TP Cần Thơ đang tích cực kêu gọi các hãng hàng không mở các tuyến bay, tiếp tục kết nối Cần Thơ với các khu vực khác trong cả nước và quốc tế. Theo Bộ GTVT, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ cũng được định hướng để có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hãng hàng không trong và nước ngoài mở các đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các thị trường trọng điểm, đặc biệt là các thị trường châu Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đồng thời kết nối với các điểm nội địa gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Vinh, Đồng Hới, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Tuy Hòa, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Lạt, Phú Quốc giai đoạn đến năm 2025 và với các điểm Điện Biên, Lào Cai, Rạch Giá trong giai đoạn sau năm 2025. Là hãng hàng không tư nhân đầu tiên ở Việt Nam khai thác máy bay thân rộng, Bamboo Airways đang đẩy mạnh kết nối các thị trường du lịch tiềm năng tại Việt Nam và giữa Việt Nam với các quốc gia khác, trong đó, các đường bay đi/đến Cần Thơ đang được hãng hết sức quan tâm.
 
Máy bay hãng Bamboo Airways
 
Gần đây nhất, hãng hàng không Bamboo Airway đưa vào khai thác đường bay Đà Nẵng – Cần Thơ, bên cạnh đường bay Hà Nội – Cần Thơ. Việc mở tuyến bay do Bamboo Airways thực hiện tạo thêm điều kiện để người dân trong TP Cần Thơ và khu vực có cơ hội tiếp cận với loại hình dịch vụ bay định hướng 5 sao. Bamboo Airways kỳ vọng sẽ đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua mạng bay kết nối Cần Thơ với các thành phố du lịch trọng điểm trong nước, và xa hơn là vươn tầm quốc tế.

Bamboo Airways hiện đang khai thác 40 đường bay nội địa và quốc tế. Đội bay của hãng dự kiến đạt 50 máy bay trong năm 2020, trong đó có 12 máy bay thân rộng. Tính đến hiện tại, Bamboo Airways đã thực hiện hơn 20.000 chuyến bay an toàn tuyệt đối, vận chuyển hơn 3 triệu lượt khách với tỷ lệ đúng giờ OTP trung bình 94%, cao nhất toàn ngành Hàng không Việt Nam trong tháng 1.
 
LINH LÊ
 
TIN LIÊN QUAN