Tư vấn BCG: Phát triển du lịch ĐBSCL gắn kết khám phá thiên nhiên
     
Liên quan đến dự án phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu, chuyên gia của đơn vị tư vấn là Công ty BCG (The Boston Consulting group) bước đầu đã định hình và gợi ý bốn hướng giúp du lịch ở khu vực này phát triển trong tương lai.
 
 
Ông Yupu Zhao (bìa phải), Phó giám đốc Dự án phát triển du lịch ĐBSCL
thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu thuộc BCG phát biểu tại
buổi làm việc ở Cần Thơ chiều 16-5. Ảnh: Trung Chánh

Tại buổi làm việc giữa UBND thành phố Cần Thơ với Tổ tư vấn dự án phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra ở địa phương này vào chiều 16-5, ông Yupu Zhao, Phó giám đốc dự án thuộc BCG cho biết, chiến lược phát triển du lịch ĐBSCL phải đạt được sự cân bằng về tài nguyên hiện có của vùng, tạo ra được những biểu tượng về du lịch, và đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch ở trong khu vực và quốc tế.
 
Trên cơ sở này, ông Yupu Zhao đề xuất bốn chủ đề giúp phát triển du lịch ĐBSCL. Thứ nhất, tập trung vào phát triển du lịch nghỉ dưỡng trên sông. “Chủ đề này cần tập trung vì nó mang tính biểu tượng của vùng ĐBSCL”, ông cho biết và nói rằng ĐBSCL có thể tận dụng được nguồn tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng là hệ thống sông ngòi. Khách hàng mục tiêu đối với loại hình du lịch này được đơn vị tư vấn chỉ ra là những cặp vợ chồng người phương Tây lớn tuổi; khách du lịch người Đông Nam Á, Đông Bắc Á hay các hộ gia đình có khả năng về tài chính, có khả năng chi tiêu cao.
 
Với chủ đề này, theo ông Yupu Zhao, nếu có sự chuẩn bị cơ sở hạ tầng đủ tốt cũng như lên được chương trình tour chu đáo, thì có thể thu hút được những khách hàng họ có thể chi tiêu 90-100 đô la Mỹ/khách/ngày.
 
Chủ đề thứ hai được BCG chỉ ra là du lịch khám phá thiên nhiên. Loại hình du lịch này, du khách có thể khám phá những vùng đất, hòa mình vào thiên nhiên, thoát khỏi cuộc sống đô thị. Khách du lịch mục tiêu được xác định là những người trẻ ở phương Tây, vùng Đông Bắc Á và cả khách du lịch trẻ của Việt Nam
 
Chủ đề thứ ba là du lịch trải nghiệm văn hóa về giá trị lịch sử, ẩm thực… Khách du lịch mục tiêu là gia đình, nhóm đi du lịch, những người muốn khám phá miền Tây của Việt Nam.
 
Chủ đề cuối cùng, theo gợi ý của ông Yupu Zhao là du lịch phiêu lưu và giải trí với những trò như đi khinh khí cầu khám phá các vùng đất ĐBSCL. “Đây là chủ đề du lịch mà hầu hết khách trên thế giới đều muốn khám phá”, ông nhấn mạnh và nói rằng nếu ĐBSCL đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển, thì đây sẽ là lĩnh vực hấp dẫn.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ, đặt vấn đề khi xây dựng chiến lược phát triển nhà tư vấn cần phải nói rõ địa phương nào của ĐBSCL nên phát huy thế mạnh nào hay cả bốn hướng nói trên.
 
Theo ông, cũng cần phải nói rõ đến yếu tố biến đổi khí hậu và dự kiến phát triển du lịch thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu như thế nào. “Đơn vị tư vấn cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược này”, ông nhấn mạnh.
 
Ngoài ra, theo ông Tâm, để du lịch phát triển, thì việc các bộ ngành Trung ương vào cuộc giải quyết những "nút thắt" của vùng cũng cần tính đến. “Chẳng hạn, phải mở đường cao tốc từ Trung Lương về Cần Thơ”, ông dẫn chứng và nói rằng đường cao tốc về Cần Thơ hiện chưa hoàn thiện thì làm sao có thể phát triển du lịch ở ĐBSCL được.
 
Vì vậy, theo gợi ý của ông Tâm, để du lịch ĐBSCL phát triển, thì trong đề án phải nói được vai trò của các bộ ngành, phải có sự đồng thuận của các cơ quan này, chứ tự bản thân ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.
 
Dự án “Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu” được UBND thành phố Cần Thơ, Tập đoàn Novaland, Công ty tư vấn BGC (The Boston Consulting Group) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) ký kết hợp tác hôm 27-3-2018. BCG giữ vai trò là đơn vị tư vấn lập chiến lược phát triển du lịch cho vùng này.
 
Trung Chánh
TIN LIÊN QUAN