Bảo tồn múa dân gian Khmer- nhìn từ một sự kiện
     
Đồng bào Khmer Nam bộ sở hữu những điệu múa dân gian phong phú và đặc sắc. Những tinh hoa nghệ thuật ấy đã được các địa phương mang đến Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ 2017 tại Bạc Liêu vừa qua. Đây không chỉ là một cuộc hội ngộ, mà còn là “cú hích” trong bảo tồn loại hình di sản phi vật thể này.
 
Nghệ nhân Khmer đoàn Bạc Liêu trong một điệu múa truyền thống. Ảnh: DUY KHÔI
 
Bên cạnh những tiết mục ca múa, nhiều bài múa đặc sắc được các đoàn nghệ thuật trình diễn: đoàn An Giang với điệu múa gáo dừa vui nhộn, đoàn Kiên Giang lại mang đến không khí trang nghiêm mùa lễ hội Cúng Trăng qua những điệu múa uyển chuyển… Có thể thấy, múa dân gian hiện diện trong đời sống của đồng bào Khmer từ sinh hoạt đời thường, lao động sản xuất đến tín ngưỡng, lễ hội… Điển hình như khi tái hiện trích đoạn Tục “Chôl mlôp” và “Chênh mlôp”, đoàn Cần Thơ đã khéo léo lồng ghép những điệu múa dân gian nên phần thi diễn nhiều màu sắc và cuốn hút hơn. Biên đạo múa Huỳnh Nhật Danh (Cần Thơ), nói: “Nếu biết sử dụng tốt, múa dân gian Khmer còn cả một kho báu để người biên đạo ứng dụng vào tác phẩm của mình”.
 
Với những đơn vị có đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp như Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh…, việc giới thiệu những điệu múa Khmer còn là cách để họ giới thiệu tinh hoa của dân tộc. Nghệ nhân Néang Kunh Thia (An Giang) nói: “Dường như múa đã đi vào máu của tôi ngay từ nhỏ. Hễ nghe tiếng ngũ âm vang lên là tôi lại muốn múa những điệu thức của dân tộc mình”. Kunh Thia cho biết chị đang công tác ở Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện Tri Tôn, nơi có phong trào nghệ thuật Khmer rất mạnh, nhất là múa. Nhờ vậy mà chị có thêm động lực để theo đuổi đam mê.
 
Sức lan tỏa của những điệu múa Khmer tại sự kiện cấp vùng này còn thể hiện ở những gian triển lãm của từng địa phương khi các nghệ nhân biểu diễn phục vụ du khách kiểu “lễ hội đường phố”. Tiêu biểu như đoàn nghệ nhân Trà Vinh với múa Rô- băm, đôi nghệ nhân Lý Tha và Đào Thị Riêng (Cần Thơ) với những điệu múa Lâm thôn, Lâm liêu, Sarikakeo… vui tươi, uyển chuyển. Chẳng vậy, các nghệ nhân còn hướng dẫn du khách cùng múa trong sự chan hòa, vui vẻ. Hay như tâm sự của nghệ nhân Néang Kim Diệu (An Giang), qua 3 lần tham gia Ngày hội, chị cảm thấy thật vinh dự và tự hào khi được góp mặt trong sự kiện văn hóa đặc biệt này, được mang những điệu múa, lời ca phục vụ khán giả. “Tôi muốn góp phần truyền tải thông điệp đến mọi người về ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer”- Kim Diệu nói.
 
Mặt khác, chuyện sử dụng chất liệu múa dân gian Khmer trong tác phẩm múa cũng rất được chú trọng. Những tiết mục múa tại Ngày hội năm nay như “Cùng nhảy múa với chim công” (Cần Thơ), “Châu Thới sáng mãi Đền thờ Bác” (Bạc Liêu)… là ví dụ. Sự hài hòa giữa những vũ điệu truyền thống và thủ pháp biểu diễn sân khấu hiện đại đã làm nên sự thành công.
 
Với những nghệ sĩ dân tộc Khmer nổi tiếng ở ĐBSCL như Thạch Thị Thane (Trà Vinh), Thạch Si Phol (Bạc Liêu)…, mỗi người Khmer từ nhỏ đã được di truyền sự khéo léo qua những điệu múa dân gian do ông bà chỉ dạy như Răm- vông, Lăm liêu, Saravan... Thậm chí, chỉ cần những vật dụng hết sức dân dã như xè- neng (vật dùng để xúc tép), gáo dừa, nom cá, vòng gặt…. cũng có thể trình diễn những điệu múa sinh động. Và, chính những sự kiện văn hóa như thế này sẽ tiếp thêm động lực để các nghệ sĩ, nghệ nhân dân tộc Khmer an tâm làm nghề và giữ nghề.
 
Nguồn: DUY KHÔI
TIN LIÊN QUAN