Sự đa dạng của nước chấm miền Nam
     
Sự đa dạng của nước chấm Miền Nam được thể hiện ở việc có riêng từng loại nước chấm cho mỗi món ăn. Thế nên, món nào dùng nước chấm mắm gừng, mắm me hay mắm chua ngọt,….đều được phân biệt rạch ròi.
 
Sự đa dạng của nước chấm Miền Nam
 
Trong hầu hết các món ăn Việt, nước chấm luôn đóng vai trò rất quan trọng và được ví là cái hồn của món Việt. Chính vì thế mà người Việt nói chung và người Miền Nam nói riêng luôn yêu cầu rất cao trong việc pha nước chấm. Theo đó, tùy theo từng loại món ăn mà có nước chấm phù hợp. Ví dụ như ăn canh chua cá thì nước chấm dứt khoát phải là nước chấm mắm mặn. Nếu thích thì người ăn thêm chút chanh, ớt. Nếu không dùng nước chấm mắm mặn mà dùng loại nước chấm nào khác thì coi như hỏng và không thể nào thưởng thức trọn vẹn vị ngon của món ăn. Trong khi với các món gỏi, cơm tấm, chả giò, bánh xèo thì phải dùng nước mắm chua ngọt – loại nước chấm với vị chua của chanh và ngọt của đường, thêm chút tỏi, ớt băm.
 
Tương tự, một số loại cá như cá trê thì phải dùng nước mắm gừng dù là cá trê chiên hay nướng. Nếu vì lí do gì đó, mà bạn dùng cá trê chấm với nước chấm mắm ngọt thì hỡi ôi, bạn sẽ vô cùng thất vọng bởi miếng cá trở nên nhàn nhạt, xàm xạp, còn cái mùi cá trê thì cứ ám mãi đến sau khi bạn ăn gây cảm giác khó chịu. Đối với cá rô thì dùng nước chấm mắm xoài, hay mắm me đều được; cá lóc thì dùng nước chấm mắm ngọt,…
 
Cơm tấm thì phải dùng với nước mắm chua ngọt
 
Đặc biệt, Miền Nam còn có những loại nước chấm cầu kì và phức tạp, cần có thời gian mới thưởng thức được. Ví như nước chấm mắm cua gạch son ở miền Tây Nam Bộ từ lúc làm đến khi ăn được phải chờ đến một tuần. Trước hết, phải làm sạch cua, bỏ vào hũ, rồi muối 7 ngày. Sau đó đánh tan gạch với lòng trứng gà, nêm thêm bột ngọt, đường, trộn với thịt cua được lấy ra từ con cua đã muối. Thông thường, một con cua chỉ được bốn chén nước chấm nhỏ ăn với các món cuộn bánh tráng.
 
Gia vị đi kèm để làm nước chấm thông dụng nhất của người Miền Nam chính là tỏi và ớt. Thường tỏi và ớt sẽ được băm nhuyễn rồi cho vào chén nước chấm, giúp chén nước chấm có màu sắc bắt mắt cùng với vị cay nồng của phần ớt băm nhuyễn thêm phần hấp dẫn.
 
Tỏi và ớt giúp chén nước chấm trở nên hấp dẫn hơn
 
Món ăn ngon hay không phụ thuộc rất lớn vào chén nước chấm. Vậy nên, hơn bao giờ hết, chén nước chấm phù hợp với món ăn và khẩu vị gia đình là điều quan trọng nhất trong món ăn của người Miền Nam nói riêng và người Việt nói chung.
 
Nguồn: Nguyên Vũ Thanh Trúc - http://beptruong.edu.vn
TIN LIÊN QUAN