Tết Trung thu - nét đẹp văn hoá Việt
     
Theo thời gian, cách người Việt đón Tết Trung thu cũng khác xưa, nhưng ý nghĩa về sự đoàn viên, sum họp gia đình và chăm lo cho thiếu nhi vẫn còn nguyên giá trị.
 
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần là nhà sử học nổi tiếng, tác giả 2 bộ sách được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam (Đại Việt sử lược và Lê Quý Đôn tuyển tập). Trải qua hơn 70 mùa Trung thu, ông hiểu hơn ai hết giá trị văn hóa, những đổi thay giữa Trung thu xưa và nay. Nhân mùa trăng rằm tháng 8, TS. Nguyễn Khắc Thuần đã dành thời gian chia sẻ với độc giả về ngày lễ lớn thứ 2 trong năm này.
 
- Tết Trung thu mang ý nghĩa nào riêng, thưa tiến sĩ?
 
- Tết Trung thu diễn ra vào ngày rằm tháng 8, giữa mùa thu tiết trời mát mẻ, thích hợp cho các hoạt động lễ hội. Ngày xưa, đây là dịp người dân tạ ơn trời đất sau vụ mùa bội thu. Lúc này mùa màng đã thu hoạch xong, người dân cũng thảnh thơi để tham gia lễ hội.
 
Thời điểm trước và sau Trung thu không có lễ hội nào dành riêng cho thiếu nhi. Vì vậy, đêm rằm tháng 8 càng được người xưa háo hức chờ đón. Ngày Tết này dành cho cả gia đình nhưng chủ yếu hướng đến trẻ con, thế hệ tương lai với hy vọng mang lại sự lớn mạnh và phát triển. Đây cũng là ý nghĩa nhân văn đặc biệt của ngày lễ này.
 
- Tết Trung thu xưa, các gia đình thường tổ chức những hoạt động gì chung?
 
- Ngoài ngắm trăng, ăn bánh, thưởng trà, các gia đình còn dâng mâm lễ vật cúng tổ tiên. Tuỳ vùng miền mà mỗi mâm lễ khác nhau, tựu chung lại vẫn là tấm lòng thành của con cháu hướng về ông bà.
 
- Còn trẻ em vào dịp này thường tham gia những hoạt động gì?
 
- Riêng với trẻ em, người xưa rất tinh tế. Giống như lễ hội có “lễ và hội” thì người tham gia cũng phải “ăn và chơi”. Mọi người ăn bánh Trung thu. Trẻ sẽ chơi đèn ông sao làm bằng các thanh tre. Nhà nào cầu kỳ hơn thì làm đèn cá chép, kéo quân… Món quà này thường do chính tay anh chị, cha mẹ hay ông bà tự tay làm dành tặng trẻ con trong nhà.
 
Gia đình quây quần ngắm trăng, ăn bánh dịp Tết trung thu.

Một món quà khác mà người lớn thường dành tặng trẻ chính là ông tiến sĩ giấy kèm lời động viên con cố gắng học giỏi, đỗ đạt để mang vinh hiển về cho gia đình, dòng tộc, làng xã… Tuy nhiên, về sau, nét đẹp văn hóa này không còn nữa.
 
- Theo trải nghiệm của tiến sĩ, Trung thu nay và xưa có điểm nào chung?
 
- Những giá trị văn hoá của Trung thu xưa vẫn được gìn giữ và ngày một phát huy. Theo thời gian, mọi người đón Tết Trung thu có khác đi nhưng ý nghĩa về sự đoàn viên, sum họp gia đình và chăm lo cho thiếu nhi vẫn còn nguyên giá trị. 
 
Trung thu nay vẫn vẹn nguyên giá trị như thuở xưa.

Đến mùa Trung thu, chúng ta hay bắt gặp những hình ảnh đẹp như cả gia đình xuống phố chụp hình, ghé gian hàng mua bánh về cùng nhau thưởng thức. Các công ty, công đoàn tổ chức rước đèn cho con em nhân viên. Ở các khu vui chơi, ngoài trang trí lồng đèn còn rất nhiều tiết mục văn nghệ tái hiện hình ảnh Tết Trung thu xưa…
 
- Trung thu xưa gói gọn trong gia đình, nhưng nay đã mở rộng các mối thân tình, mọi người thể hiện nghĩa cử quan tâm và tấm lòng dành cho nhau. Ông nghĩ sao về điều này?
 
- Bày tỏ lòng thành dành cho nhau là một điều đáng quý, nhất là trong các dịp lễ tết. Vì lẽ đó, tặng quà và bánh cho các mối thân tình vào Tết Trung thu có những cái hay riêng. Chúng ta có thể tặng bánh nướng, bánh dẻo từ rất sớm để các gia đình chủ động tổ chức tiệc tại nhà, phù hợp với thời gian và thói quen sinh hoạt.
 
Mỗi món quà còn kèm theo những câu chúc tốt đẹp, gửi gắm tấm chân tình dành cho người thân và người mình quý trọng như thầy cô, bạn bè; xa hơn nữa là đối tác, khách hàng… Tất cả đều thấm nhuần tinh thần “của cho không bằng cách cho” mà ông cha truyền dạy. Đó là nét đẹp của Tết Trung thu hiện đại, vẫn vẹn nguyên như thuở xưa. 
 
Nguồn: Sơn Trà - http://news.zing.vn
TIN LIÊN QUAN