Vĩnh Long: Doanh nghiệp du lịch- liên kết để tăng sức cạnh tranh
     
Là vùng có nhiều tiềm năng để thu hút, phát triển du lịch song nhiều tỉnh ở ĐBSCL lại chưa được đánh giá cao, kém sức thu hút so với các tỉnh thành có cùng lợi thế.
 
Du lịch sinh thái miệt vườn thu hút đông khách du lịch.

Một trong những nguyên nhân đó chính là “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) du lịch đã làm giảm sức hấp dẫn. Hiểu được điều này, nhiều DN du lịch đã cùng ngồi lại tìm phương án hợp sức để liên kết, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng sức thu hút.

Liên kết còn lỏng lẻo

Vĩnh Long được biết đến với du lịch miệt vườn cù lao, nhiều làng nghề, di tích văn hóa- lịch sử; Bến Tre “vương quốc” dừa với nhiều lễ hội trái ngon, Trà Vinh với thắng cảnh ao Bà Om, chùa Âng, bãi biển Ba Động, lễ hội Ok Om Bok, lễ Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer... Song thời gian qua, du lịch các tỉnh này còn chưa thật sự tạo được sợi dây liên kết.

Theo đánh giá của ông Lê Thanh Phong- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL: Mặc dù có nhiều tiềm năng lợi thế như vậy nhưng hiện nay tiềm năng và thế mạnh nhóm 3 tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả. Thời gian qua, việc phát triển du lịch các tỉnh trong nhóm còn có nhiều hạn chế, sự liên kết chưa chặt chẽ.

Do đó, Hiệp hội Du lịch Vĩnh Long vừa tổ chức lễ ký kết hợp tác ưu tiên sử dụng dịch vụ du lịch của nhau thuộc 3 tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Tại đây, 15 DN du lịch của 3 tỉnh đã ký kết hợp tác trên tinh thần tự nguyện, phát huy tốt nguồn lực và thế mạnh của mỗi bên nhằm phát huy hiệu quả kinh doanh.

Theo ông Lê Văn Luông- Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bến Tre:

“Đây là cơ hội cho các DN tự gắn kết, tìm hiểu đối tác, ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau. Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh có cơ hội và tiềm năng để phát triển du lịch, trong đó du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, lịch sử, đang ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế, nên việc thông tin, xúc tiến, quảng bá hình ảnh là hết sức cần thiết.

Việc xây dựng tour tuyến, tạo sản phẩm du lịch mới cần phải được tập trung đầu tư, kết nối với các hãng lữ hành trong và ngoài tỉnh hợp tác đưa khách đến Bến Tre và các tỉnh lân cận”.

Ông Kha Thoại Minh- Giám đốc Khu du lịch Dejavu Huỳnh Kha (Trà Vinh) cho biết: Để tăng sức cạnh tranh cho du lịch trong khu vực đồng bằng, phải tạo sự liên kết chặt chẽ, đồng thời sẽ ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau, DN phải được ưu tiên giảm giá dịch vụ, tăng cường quảng bá, giới thiệu các đơn vị hợp tác, ký kết...

Liên kết để tăng sức mạnh

Nhận định “làm du lịch mà không liên kết là không làm được”, ông Lưu Hoàng Minh- Giám đốc Trung tâm Thông tin- Xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Long, cho rằng trong thời gian qua nhóm du lịch này chưa thật sự hấp dẫn và giữ chân du khách được lâu hơn. Nguyên nhân chính là do sản phẩm du lịch trùng lắp, mạnh ai nấy làm, chưa tạo được sự liên kết.

Các công ty du lịch chỉ mới tập trung vào việc tham quan, còn các chương trình khác chưa được khai thác đúng mức. Do đó, để du lịch nhóm 3 tỉnh này hấp dẫn và phát triển bền vững cần có sự hợp tác, tránh trùng lắp, đơn điệu sản phẩm, tránh cạnh tranh không lành mạnh.

Theo ông Lê Hoàng Vinh- Giám đốc Khu du lịch Vinh Sang: Sự liên kết giữa các địa phương, nhất là các vùng lân cận có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển du lịch. Sự liên kết sẽ cho phép khai thác và phát triển những sản phẩm du lịch có khả năng bổ sung cho nhau, tạo nên các tour du lịch liên vùng hấp dẫn, xây dựng hình ảnh du lịch chung cho khu vực.
 
Cần sợi dây liên kết để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng hơn.


Ông Lê Thanh Phong- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL- cũng cho rằng:

Việc ký kết hợp tác lần này nhằm giúp các DN liên minh, hợp tác, tạo sợi dây liên kết, tăng sức mạnh trong khối, qua đó tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của ĐBSCL, mang lại cho du khách sản phẩm du lịch chất lượng, dịch vụ giá ưu đãi. Khi liên kết, hợp tác, các DN cần nghiên cứu theo chiều ngang lẫn chiều dọc, theo lãnh thổ, theo dịch vụ. Do đó đòi hỏi các DN phải mạnh dạn, đừng ngại.

Đây chỉ là cơ sở đầu tiên, sau khi tìm hiểu xong sẽ tiến hành khảo sát thực tế tiềm năng lẫn nhau. DN du lịch phải sốt sắng, có uy tín, khi gặp vấn đề khó thì cùng nhau tìm cách giải quyết chứ không thể “bắt tay rồi bỏ đó”.

Thiết nghĩ, để ngành du lịch trong nhóm nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung phát triển, các DN nên có các hướng liên kết chặt chẽ, trong quy hoạch, trong công tác quảng bá, xúc tiến điểm đến, các đơn vị cung ứng dịch vụ... để tạo ra sự đồng bộ trong phát triển du lịch, góp phần khai thác được lợi thế của từng địa phương, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với vùng. Có như vậy mới tạo được nét riêng và hấp dẫn cho du lịch từng tỉnh cũng như du lịch vùng ĐBSCL.
 
 
Nguồn: THẢO NGUYÊN (Báo Vĩnh Long) 
TIN LIÊN QUAN