Bảo tàng TP Cần Thơ bắt kịp công nghệ số
     
Với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động và nghiệp vụ, Bảo tàng TP Cần Thơ mong muốn phục vụ khách tham quan tốt hơn.
Trong ảnh: Học sinh trải nghiệm chương trình “Sắc xuân miệt vườn” - hoạt động diễn ra trong khuôn viên Bảo tàng TP Cần Thơ.
 
“Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và quảng bá Bảo tàng TP Cần Thơ” là đề tài khoa học vừa được Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ cấp thành phố thông qua. Hiện các nội dung của đề tài đã được ứng dụng trong nghiệp vụ thực tế và phục vụ du khách tại Bảo tàng thành phố, tạo “cánh tay nối dài”, lan tỏa văn hóa Cần Thơ. Ðiều này cũng rất thiết thực và hiệu quả trong xu hướng “bảo tàng 4.0” thời hội nhập.
 
Giao diện trang web của Bảo tàng TP Cần Thơ bắt mắt, tiện ích.
 
Website baotangtpcantho.cantho.gov.vn là một trong những thành quả quan trọng của đề tài này. Từ tham khảo những website của một số Bảo tàng lớn như Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Thái Nguyên, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, một trang web riêng của Bảo tàng TP Cần Thơ đã được ra đời, đảm bảo các tiêu chí như khoa học, hấp dẫn và tiện dụng. Về kỹ thuật, website của Bảo tàng TP Cần Thơ đảm bảo hoạt động thông suốt, ổn định, nhiều truy cập cùng làm việc, khả năng lưu trữ lớn, lâu dài, chuẩn hóa dữ liệu. Đặc biệt, trang web này tương thích với hầu hết các trình duyệt thông dụng như Internet Explorer, Firefox, Opera… nên người dùng rất dễ truy cập trên các phương tiện có kết nối internet. Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, toàn bộ hệ thống web server và database được cài đặt trên hệ thống máy chủ của Trung tâm Dữ liệu TP Cần Thơ, tận dụng hạ tầng bảo mật tường lửa, trình duyệt virus nhằm hạn chế những cuộc tấn công mạng nên tính bảo mật và an toàn cao.
 
Dù thời gian chạy thử nghiệm chưa lâu nhưng hiện nay baotangtpcantho.cantho.gov.vn đã có gần 2.200 lượt truy cập. Vào trang web này, những thông tin từ địa chỉ, giờ mở cửa, hướng dẫn đường đi đến các gian trưng bày của bảo tàng, các hoạt động trưng bày, triển lãm… được giới thiệu sinh động. Đặc biệt, Bảo tàng còn cho đăng tải những bài giới thiệu về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, các bộ sưu tập có giá trị… Anh Nguyễn Hồng Lãm, học viên cao học của Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Từ khi biết Bảo tàng TP Cần Thơ có trang web, tôi thường truy cập để tham khảo thông tin, phục vụ chuyện học và nghiên cứu”. Hay anh Nguyễn Hòa, một người mê sưu tầm văn hóa dân gian ở Bạc Liêu, cho biết đang tìm hiểu về nghệ thuật hát bóng rỗi, chặp địa nàng. Tình cờ truy cập vào trang web của Bảo tàng TP Cần Thơ và thấy tài liệu này, anh Hòa vui lắm. “Tôi nghĩ Bảo tàng nên có trang web như vầy để phục vụ bạn đọc. Thời công nghệ thông tin, đây cũng là một cách để “cạnh tranh” thu hút khách”- anh Hòa nói.
 
Bảo tàng TP Cần Thơ là bảo tàng tổng hợp, hiện lưu giữ trên 14.000 hiện vật, đa dạng loại hình, nội dung, chất liệu, phản ánh văn hóa, xã hội qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, từ sơ sử đến hiện đại. Ngoài ra, hằng năm, Bảo tàng lại tổ chức sưu tầm hiện vật và bổ sung khoảng 200 hiện vật vào tài sản quốc gia. Với một kho hiện vật lớn và quý báu như vậy nhưng nhiều năm qua, việc bảo quản, quản lý hiện vật, trưng bày hiện vật... cùng với các nghiệp vụ thường xuyên như theo dõi, thống kê, chỉnh lý, quản lý thông tin… đều được thực hiện theo phương pháp truyền thống, sổ sách. Điều này vừa mất thời gian lại khó lưu trữ, tìm kiếm. Từ thực tế đó, việc xây dựng hệ thống quản lý và khai thác hiện vật quảng bá bằng công nghệ thông tin là một yêu cầu cấp thiết.
 
Vậy nên, trong khuôn khổ đề tài này, Bảo tàng TP Cần Thơ đã sở hữu được hệ thống thông tin quản lý hiện vật: khai báo, cập nhật, chỉnh lý, giám sát và khai thác thông tin; số hóa hiện vật, tài liệu hồ sơ hiện vật tại bảo tàng… Đến nay, Bảo tàng TP Cần Thơ đã tiến hành tạo lập cơ sở dữ liệu quản lý tài liệu hiện vật trên môi trường số hóa hơn 4.500 hiện vật và đang phát huy tác dụng. Theo các cán bộ kiểm kê, bảo quản của Bảo tàng thành phố, dù số lượng “số hóa” này chưa nhiều so với 14.000 hiện vật đang lưu giữ nhưng đã cho thấy hiệu quả. Chỉ cần gõ một từ khóa, tất cả các thông tin về hiện vật có liên quan đã hiện ra với độ chính xác tuyệt đối.
 
Việc Bảo tàng TP Cần Thơ chủ động đăng ký thực hiện và ứng dụng đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và quảng bá Bảo tàng TP Cần Thơ” cho thấy sự năng động, theo kịp xu thế hiện đại. Bởi thật ra, các thuật ngữ “Bảo tàng điện tử”, “Bảo tàng số” hay “Bảo tàng ảo” không còn xa lạ với các nước trên thế giới, ngay cả ở một số bảo tàng lớn của Việt Nam. Điều này tạo nên sự tiện nghi cho việc giao tiếp của bảo tàng với công chúng. Hiệu quả ở Bảo tàng TP Cần Thơ là minh chứng. Chính nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá và lưu trữ cũng như đa dạng các hoạt động mà chỉ trong quý I-2019, Bảo tàng TP Cần Thơ đã thu hút gần 73.000 lượt khách tham quan, đạt đến gần 73% kế hoạch năm.
 
Nhiều người nói rằng, muốn hiểu lịch sử - văn hóa của một vùng đất, hãy đến với bảo tàng của địa phương đó. Với ý nghĩa như vậy nên những năm qua, lãnh đạo TP Cần Thơ rất quan tâm phát huy vai trò của Bảo tàng thành phố và nhấn mạnh phải xây dựng sao cho xứng tầm là đơn vị trung tâm của khu vực ĐBSCL. Mới đây, UBND TP Cần Thơ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chỉnh lý, trưng bày Bảo tàng TP Cần Thơ. Theo đó, quy mô đầu tư gồm các hạng mục: cải tạo, mở rộng sân trước thành khu trưng bày, triển lãm ngoài trời; cải tạo, chỉnh lý trưng bày nội thất; cải tạo khối nhà chính; trang thiết bị. Tổng mức đầu tư dự án là 26,86 tỉ đồng. Việc thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và quảng bá Bảo tàng TP Cần Thơ” cũng là một phần việc nhằm khẳng định vai trò trung tâm, tiên phong của Cần Thơ trong hệ thống bảo tàng khu vực ĐBSCL.
 
***
 
Để đề tài được ứng dụng hiệu quả, Ban Chủ nhiệm đề tài đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên Bảo tàng TP Cần Thơ có thể sử dụng và quản trị hệ thống dữ liệu số hóa và trang web. Bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Bảo tàng TP Cần Thơ, cho biết: “Sắp tới, bảo tàng sẽ tiếp tục thực hiện nâng cấp website, bổ sung thông tin, tư liệu, hình ảnh để phục vụ khách truy cập. Việc số hóa các hiện vật, tư liệu cũng sẽ được duy trì thường xuyên”.
 
Bài, ảnh: Duy Khôi 
TIN LIÊN QUAN