Câu chuyện “đầu tàu” và liên kết
     
Tại Diễn đàn Kết nối du lịch TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL vừa diễn ra mới đây, sự phát triển của du lịch TP Hồ Chí Minh được đánh giá như một hình mẫu của cả nước. Câu chuyện “Hòn ngọc Viễn Đông” sẽ trở thành “đầu tàu”, khẳng định vai trò cầu nối trong liên kết phát triển du lịch của thành phố này với 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cũng được tính đến.
 
Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tham quan các gian hàng của 13 tỉnh, thành ĐBSCL tại
Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh 2019. Ảnh: DUY KHÔI
 
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, đưa ra những con số ấn tượng: Lượt khách du lịch đến với thành phố tăng đều qua các năm, chiếm gần 50% lượt khách quốc tế đến với Việt Nam và doanh thu từ du lịch chiếm gần 25% tổng doanh thu du lịch của cả nước. Những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh trở thành điểm đến hàng đầu khi khách quốc tế đến Việt Nam du lịch. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, TP Hồ Chí Minh hiện có nhiều lợi thế để trở thành hạt nhân của một vùng du lịch với nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc của cả nước như du lịch hội nghị (MICE), du lịch mua sắm - giải trí, du lịch văn hóa - ẩm thực… Thành phố này còn có lợi thế về hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch phát triển đồng bộ, rộng khắp, hình thành đầu mối đón lượng khách lớn từ các tỉnh, thành khác về đây.
 
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 18 khách sạn 5 sao với gần 5.400 phòng, 25 khách sạn 4 sao với hơn 3.200 phòng và hệ thống trung tâm hội nghị, nhà hàng đạt chuẩn, đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo quy mô toàn quốc, quốc tế… Có thể kể đến như Trung tâm Hội nghị và triển lãm Sài Gòn, Gem Center, Khách sạn REX, Grand Sài Gòn… Bên cạnh đó, đội ngũ tổ chức sự kiện, biên dịch, phiên dịch có trình độ chuyên môn cao, cũng là lợi thế của du lịch TP Hồ Chí Minh để phát triển du lịch MICE.
 
Những ai đến với TP Hồ Chí Minh đều choáng ngợp trước sự phát triển của thành phố năng động này. Hàng trăm điểm vui chơi, giải trí đều đông khách cả ngày lẫn đêm. Các sản phẩm du lịch của TP Hồ Chí Minh luôn tạo được bản sắc và điểm nhấn, không pha lẫn. Phố đi bộ Nguyễn Huệ và phố đi bộ Bùi Viện là hai điển hình trong việc làm mới các sản phẩm du lịch ở TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, hệ thống bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa rất phong phú ở vùng đất “Hòn ngọc Viễn Đông” cũng là đặc sản du lịch không nhiều nơi trong cả nước có được. Ông Louis Nguyễn, một du khách Việt kiều quốc tịch Pháp, dẫn vợ và con đi thăm Thảo Cầm Viên (quận 1, TP Hồ Chí Minh) đã hết lời ca ngợi sự phong phú của thiên nhiên nơi đây. Ông nói: “Giữa thành phố tráng lệ lại có một không gian xanh như thế này là điều rất quý. Đến với TP Hồ Chí Minh, tôi có nhiều điểm để tham quan và hiểu hơn giá trị văn hóa của cội nguồn”.
 
TP Hồ Chí Minh sở hữu nhiều di sản trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Trong ảnh: Nhà thờ Đức Bà ở
quận 1, điểm đến không thể bỏ lỡ khi du lịch TP Hồ Chí Minh.
 
Nhìn lại sự phát triển của du lịch TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL bằng những con số: TP Hồ Chí Minh có khoảng 10 triệu dân và đón 7,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2018. Còn 13 tỉnh, thành ĐBSCL có khoảng 20 triệu dân nhưng đón chỉ khoảng 3,4 triệu khách quốc tế trong cùng năm. Phát biểu tại Diễn đàn Kết nối du lịch TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Di sản văn hóa, tiềm năng thiên nhiên vùng ĐBSCL rất nhiều và phong phú hơn so với TP Hồ Chí Minh. Vậy nên, việc liên kết các nguồn lực để tạo thành lợi thế cho cả 14 tỉnh, thành phố trong phát triển du lịch là điều rất cần thiết.
 
Bến Ninh Kiều - điểm nhấn du lịch Cần Thơ
 
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đánh giá: Nếu như du lịch TP Hồ Chí Minh nổi trội về du lịch đô thị thì vùng ĐBSCL cũng sở hữu lợi thế về sinh thái, sông nước, miệt vườn, di sản văn hóa địa phương… “Vậy nên, TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL cần tìm cách khai thác tốt hơn những lợi thế riêng”, ông Tuyến nói và nhận định thêm rằng để việc liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL đạt hiệu quả, cần thiết phải có cái khác biệt. TP Hồ Chí Minh nhận thức rõ về vai trò của ĐBSCL đối với phát triển du lịch của TP Hồ Chí Minh và ngược lại.
 
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương, thì cho rằng: Mấu chốt của việc liên kết vùng này là sản phẩm du lịch liên kết là gì, cần có tính bổ trợ lẫn nhau và xác định các tour, tuyến du lịch trong chuỗi liên kết, có cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: Với vai trò “đầu tàu”, TP Hồ Chí Minh kết nối, hỗ trợ các tỉnh, thành ĐBSCL mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực du lịch, phát triển hạ tầng du lịch, đặc biệt là lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí chất lượng cao… Ở một khía cạnh khác, ông Hùng nhấn mạnh: Việc kết nối du lịch giữa 14 địa phương trước hết cần phải có chính sách ưu tiên xây dựng, nâng cấp đồng bộ các tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL. Sự đồng bộ này bao gồm cả cầu, đường bộ và giao thông thủy.
 
ĐBSCL khẳng định lợi thế du lịch với những nét văn hóa bản địa.
Trong ảnh: Lễ hội Đua ghe ngo trên kinh xáng Xà No, Hậu Giang.
 
Đồng tình với ý kiến này, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Chỉ cần sự hợp lý hóa giữa giao thông và du lịch thì du lịch của cả vùng sẽ khác hẳn”. Theo ông, bên cạnh phát triển đường thủy, đường bộ còn chú ý cả đường hàng không. Dẫn chứng việc đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, điều này không chỉ hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch của Cần Thơ và khu vực ĐBSCL mà còn giúp giảm tải cho TP Hồ Chí Minh rất nhiều. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng chia sẻ về vấn đề này và cho rằng, trong thời gian chờ hoàn thiện hạ tầng giao thông, TP Hồ Chí Minh và các địa phương vùng ĐBSCL cần căn cứ vào tình hình thực tế để có chiến lược phát triển du lịch riêng. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển, khắc phục hạn chế về hạ tầng giao thông của khu vực ĐBSCL trong thời gian tới.
 
Đề xuất thành lập Hội đồng Phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL
 
Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL cần thành lập Hội đồng Phát triển du lịch, với đại diện gồm lãnh đạo các địa phương, các cơ quan tham mưu để cùng trao đổi, đánh giá tình hình và xây dựng một chương trình hợp tác phát triển du lịch trong giai đoạn 2020-2025. Để làm được điều này, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc các doanh nghiệp lữ hành của TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL cần hợp tác thảo luận trước, để có các đề xuất giải pháp phát triển cụ thể.
 
​Tương tự như vậy, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương đề nghị giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL cần thành lập Ban Chỉ đạo (Bao gồm Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy của 14 địa phương), Ban Điều phối liên kết du lịch TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL (bao gồm Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành) và hỗ trợ thì có Ban Kỹ thuật với nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn cơ chế chính sách để làm công tác tham mưu.
 
Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH
TIN LIÊN QUAN