Đình Thạnh Hòa
     
 
 
Đồng bằng sông Cửu Long đầu thế kỷ XVII về cơ bản vẫn là vùng đất hoang vu, dân cư thưa thớt. Sau này nhiều lớp dân cư mới đến cư trú, khai khẩn đất đai và tổ chức các đơn vị hành chính (làng, thôn), xây dựng các công trình công cộng (chợ, cầu, đường giao thông…) trong đó, việc thành lập đình cũng là nhu cầu thiết yếu của người Việt. Đình giữ vai trò trung tâm của làng với các chức năng chính: tín ngưỡng, hành chính và văn hóa.
 
Đình Thạnh Hòa. Ảnh: sưu tầm

Đình Thạnh Hòa được hình thành từ những năm giữa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đến nay ngôi đình vẫn lưu giữ gần như nguyên vẹn những đường nét kiến trúc, phong cách trang trí đặc trưng và các nghi lễ truyền thống của đình làng Nam Bộ vì vậy nên ngày 09/11/2020 đình Thạnh Hòa được Bộ Văn Hóa, Thể thao, Du lich xếp hạng là di tích quốc gia.

 Đình tọa lạc tại khu vực Long Thạnh A, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Ngôi đình được xây dựng trên diện tích 1.424,3m2, mặt chính quay về hướng Đông, gồm các hạng mục: cổng tam quan, võ ca, võ qui, chính điện, hậu điện, nhà thờ Tiên sư và các ngôi miếu nhỏ. Khối kiến trúc chính của đình gồm 4 phần: võ ca, võ qui, chính điện và hậu điện, bố cục liền kề theo hình chữ Nhất, kiểu "ba gian, hai chái" được xây dựng trên diện tích 432,25m2. Không gian trang trọng nhất của ngôi đình là chính điện, trung tâm chính điện là nơi thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng được vua Tự Đức sắc phong vào năm 1852. Thần Thành Hoàng được vua sắc phong là việc rất quan trọng, đó là món quà tinh thần vô giá, có sức mạnh về mặt tâm linh, giúp cho tất cả mọi người dân yên tâm làm ăn sinh sống, chính vì lẽ đó sắc phong được Ban Quản trị đình Thạnh Hòa lưu giữ, bảo quản rất cẩn trọng trong một hộp gỗ quý và đặt trong khánh thờ sơn son thếp vàng, chạm lộng sắc sảo. Bên cạnh đó, đình Thạnh Hòa còn thờ các bậc Tiền hiền, Hậu hiền, Bạch Mã, Thái giám, Tổ nhạc, Tổ lễ, Tả ban, Hữu ban, những người có công với quê hương, đất nước. Điểm nổi bật ở chính điện là các bao lam được chạm lộng sắc sảo, tinh tế với những đề tài truyền thống quen thuộc như long, phụng, chim trĩ, nai, cuốn thư; nghệ thuật thư pháp trên các liễn đối Hán Nôm hoặc các bài thơ tứ tuyệt trên nền hoa lá, chim muông được khảm xà cừ vô cùng tỉ mỉ, có niên đại cuối thế kỷ XIX, cho thấy sự tài hoa khéo léo của các nghệ nhân ngày xưa.

Hàng năm, Ban Quản trị đình Thạnh Hòa và bà con địa phương long trọng tổ chức 2 kỳ lễ hội chính: Lễ Kỳ yên Thượng điền (diễn ra vào ngày 19,20 và 21 âm lịch) và lễ Hạ điền (diễn ra trong hai ngày 19 và 20 âm lịch) cầu cho mưa thuận gió hòa, dân cư ấm no hạnh phúc, tưởng nhớ những bậc anh hùng, liệt sĩ, những người có công với nhân dân, với đất nước, quê hương…thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân trong vùng và du khách gần xa. Ngoài 2 lễ hội chính tại đình còn diễn ra Lễ Khai hạ hay còn gọi là Lễ Khai sơn trảm mộc vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Mục đích của lễ này là để báo hiệu bắt đầu công việc cày cấy, trồng trọt; đồng thời xua đi những điều không may trong năm cũ để dân làng được yên ổn làm ăn trong năm mới.

Trong không gian phố thị Thốt Nốt, đình Thạnh Hòa được bảo tồn gần như nguyên vẹn những giá trị về lịch sử, văn hóa và nét đặc trưng về kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt , đình còn lưu giữ bản sắc phong của vua Tự Đức vào năm 1852 và nhiều đồ thờ tự có niên đại trên dưới 100 năm tuổi càng làm cho ngôi đình thêm giá trị, thêm cổ kính.
 
Ngân Giang - TTPTDL
TIN LIÊN QUAN