Nhân lực du lịch TP Cần Thơ và ÐBSCL hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng lẫn chất lượng, đặt ra thách thức và đòi hỏi các địa phương tập trung phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp không khói. Tại TP Cần Thơ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đang được ngành du lịch địa phương xác định là công tác trọng tâm.
Hướng dẫn viên du lịch (phải) đưa du khách quốc tế tham quan chợ nổi Cái Răng.
“Khát” nhân lực du lịch
Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia, Việt Nam hiện có gần 200 cơ sở đào tạo nghề du lịch, trong đó 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm dạy nghề. Thế nhưng, công tác đào tạo nhân lực du lịch còn khoảng cách khá xa về chất lượng so với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội... Trong khi đó, dịch COVID-19 tác động mạnh, gây nên biến động trong nhân sự du lịch. Cụ thể, lực lượng lao động có thâm niên 5-10 năm đã chuyển nghề là 44%, lao động sau đại học chuyển nghề tới 90%. Ðiều này gây nên khủng hoảng nhân sự du lịch trong giai đoạn phục hồi. Tại ÐBSCL và TP Cần Thơ, nhân sự du lịch càng gặp khó bởi sự dịch chuyển diễn ra mạnh mẽ.
Trong 2 năm dịch COVID-19, phần lớn lực lượng lao động du lịch đã chuyển đổi sang ngành nghề khác và dần có thu nhập ổn định từ công việc mới. Vì thế càng gây nên sự thiếu hụt nhân sự trong ngành, đặc biệt là nhân sự cấp cao. Các đơn vị lữ hành tại Cần Thơ chia sẻ hiện rất khó tìm nhân sự cấp quản lý. Một phần do chuyển nghề và nguyên nhân quan trọng là di chuyển sang các trung tâm du lịch lớn làm việc.
Ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Sự kiện IDO Cần Thơ, nói: “Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh... thu hút rất nhiều nhân sự du lịch cấp cao của TP Cần Thơ. Ðiều này khiến nhân sự du lịch ở thành phố thiếu trầm trọng. Có những tuyển dụng qua rất nhiều tháng nhưng vẫn không tìm được người phù hợp”. Trong khi đó, bà Nguyễn Minh Thơ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Mỗi năm chúng tôi đào tạo hàng trăm học sinh, sinh viên và hơn 90% trong số đó đều có việc làm đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc vẫn là nơi có môi trường làm việc thu hút phần đông các em. Do đó, chúng ta cũng cần đánh giá môi trường làm việc của nhân sự du lịch tại TP Cần Thơ, từ đó mới có những giải pháp thu hút”.
Tập trung đầu tư
Từ thực tế trên, ngành du lịch Cần Thơ đang xác định chiến lược tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực. Hiện ngành chức năng thành phố đã xây dựng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch để từng bước cải thiện nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng. Bình quân mỗi năm sẽ có từ 10-12 lớp nghiệp vụ, hướng tới chủ phương tiện vận tải, nông dân, tiểu thương có hoạt động gắn bó với du lịch. Về lâu dài, địa phương cũng đã hình thành kế hoạch chi tiết về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, định hướng đến năm 2025, Cần Thơ thu hút khoảng 10.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ đạt 75%. Ðịnh hướng đến năm 2030 sẽ thu hút khoảng 12.000 lao động trực tiếp trong ngành, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ đạt 80%. Hiện ngành du lịch thành phố đang rà soát kết quả triển khai thực hiện Chương trình số 01/CTr-UBND ngày 3-1-2018 của UBND thành phố về việc phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao nhận thức giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 của TP Cần Thơ, từ đó có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình mới.
Trong năm 2023, ngành du lịch thành phố có kế hoạch tổ chức từ 10-12 lớp đào tạo về nghiệp vụ, đến nay đã có 7-8 lớp đã hoàn thành. Cụ thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP Cần Thơ đã phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, Công ty TNHH Ðào tạo SPTC - Trung tâm đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn SPTC… tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch và nghiệp vụ quản lý nhà hàng, khách sạn, lớp cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch năm 2023… Bà Nguyễn Thị Mỹ Âu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, cho biết: “Qua các chương trình đào tạo và các lớp phối hợp với Sở VH,TT&DL thành phố, chúng tôi tổ chức nhiều đợt tập huấn, cập nhật các kiến thức, kỹ năng cho nhân sự du lịch, từng bước góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các chương trình đào tạo đều dựa trên thực tế, phối hợp với các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Theo đề xuất từ các doanh nghiệp du lịch, việc đào tạo nhân lực cho ngành chú trọng đến kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm thích ứng với bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc; đồng thời có định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến các thị trường nói tiếng Hoa, Pháp, Nhật, Hàn… hay những quốc gia mà Cần Thơ đang có kế hoạch kết nối, mở đường bay.
Nhân lực du lịch là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững, cũng là điều kiện cần có để tạo sự bứt phá cho du lịch Cần Thơ khi mở rộng thị trường quốc tế, góp phần định vị thương hiệu du lịch thành phố. Do đó, cần có sự đầu tư với những định hướng phù hợp để nâng chất nguồn nhân lực, đáp ứng về số lượng và chất lượng.
Bài, ảnh: ÁI LAM
Nguồn: baocantho.com.vn