Độc đáo văn hóa miền sông nước
Trong những ngày diễn ra Ngày hội, niềm vui lan tỏa đến từng thương hồ ở CNCR. Ai cũng náo nức đón chờ ngày nếp sinh hoạt, buôn bán của chợ nổi- nơi mình từng gắn đời sông nước suốt mấy mươi năm, thậm chí mấy đời qua- trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Anh Nguyễn Văn Thanh, thương hồ chợ nổi, nói: “Đáng lẽ cuối tuần này tôi chở hàng về Vị Thanh nhưng ráng chờ coi Ngày hội ở chợ rồi đi. Mấy thuở mới được xem sự kiện vui nhộn thế này”. Anh Thành cho biết, vợ chồng anh với hai con nhỏ nhiều năm qua đã chọn CNCR làm nơi mưu sinh từ việc buôn bán nông sản. Vốn thích nghề sông nước, nên chuyên buôn bán rồi tình nghĩa thương hồ cứ gắn chặt anh với chiếc ghe, cây bẹo mấy chục năm qua. Còn với chú Đoàn Văn Cò, bán vé số ở chợ nổi, nói rằng, chú biết ơn chợ nổi vì dù tật nguyền nhưng chú vẫn có thể nuôi sống gia đình nhờ việc buôn bán trên sông. Hàng chục năm qua, hình ảnh cây bẹo treo cao, cách chuyền hàng quăng- bắt… đã là một phần trong cuộc sống của chú Cò. “Những ngày cuối tuần, du khách tham quan đông, chợ nổi vui thấy rõ!”- chú Hòa hồn hậu. Chú Cò còn khoe, chiếc xuồng mà chú đang đi cũng là do du khách tặng.
Đờn ca tài tử phục vụ du khách tại Ngày hội Du lịch Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: DUY KHÔI
Có thể nói, việc văn hóa CNCR được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng với việc Cần Thơ tổ chức Ngày hội là điểm nhấn và cũng là cách quảng bá hiệu quả cho văn hóa miền sông nước Tây Đô. Với nhiều hoạt động phong phú như triển lãm mô hình phương tiện đi lại trên sông, diễu hành ghe, tàu du lịch, trưng bày trái cây tạo hình… Ngày hội đã thu hút hàng ngàn khách tham quan. Chị Nguyễn Hoàng Tuyết Lan, du khách đến từ Bạc Liêu, thích thú: “Đây là lần đầu tiên được đi chợ nổi, rất ấn tượng. Bà con buôn bán ở đây rất vui vẻ, hòa đồng. Tôi đã thử ăn sáng, uống cà phê trên chợ nổi, một trải nghiệm khó quên”.
Cảnh mua bán ở Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: DUY KHÔI
Trải qua hơn trăm năm hình thành và phát triển, CNCR đã định hình một nét văn hóa đặc trưng với cung cách buôn bán chân chất miền sông nước. Những cây bẹo đung đưa phía xa xa: nào ổi, mận, vú sữa, chôm chôm, nào bắp cải, khoai lang, bầu bí… là những lời rao không thành tiếng nhưng thu hút vô cùng. Về với CNCR, tôi gặp những khách thương hồ lâu năm như chú Hai Nhỏ, chú Lý Hùng… ai cũng rôm rả nói về đời sông nước “tuy cực mà vui” của mình như câu hát xưa: “Đạo nào vui bằng đạo đi buôn. Xuống bể lên nguồn, gạo chợ nước sông”. Ngoài cây bẹo đã trở nên quen thuộc, các thương hồ còn kể cho tôi nghe về những cách cân, đong, đo, đếm độc đáo ở chợ nổi. Ngoài cách cân, đếm truyền thống còn có việc bán mão (bán mớ theo kiểu nhắm chừng, không cần cân hay đếm), hay việc đếm chục khi chục không chỉ có nghĩa là 10 mà còn là 12, 14, 16, 18. Là người có nhiều công trình nghiên cứu về CNCR, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, ấn tượng với nếp sinh hoạt của thương hồ khi mà khu chợ rộng lớn trên sông mỗi ngày có hàng trăm tàu, ghe; giao dịch hàng ngàn tấn hàng hóa với biết bao con người ăn, ở, sinh hoạt, giao tiếp nhưng luôn vận hành an toàn, rất ít xung đột. “Buôn bán ở chợ nổi không ngã giá lâu, không cần ký giấy hợp đồng, kêu người làm chứng. Giao dịch tại chợ nổi chỉ trong vài mươi phút có thể “gật đầu” ngay dù đó là cả ghe dưa hấu hay hàng tấn khoai lang”- ông Nhâm Hùng nói.
Thu hút du khách
Dạo một vòng các gian hàng tại Ngày hội, dừng chân tại quầy bán trái cây sạch của quận Cái Răng, nhóm du khách từ Hà Nội háo hức mua đủ loại trái cây: xoài, ổi, nhãn… Cô Thu Nga (Hà Nội) nói: “Trái cây ở đây tươi ngon, giá cả tương đối rẻ hơn so với vùng ngoài. Quan trọng là nó có xuất xứ rõ ràng, có công nhận sản phẩm sạch nên tôi cảm thấy an tâm”.
Quầy trái cây sạch luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan và mua về. Ảnh: KIỀU MAI
Ông Nguyễn Thái Bảo, Trưởng Phòng Kinh tế quận Cái Răng, cho biết: “Tại đây có gần 15 loại trái cây đặc trưng của địa phương, như: chanh không hạt, ổi không hạt, mít không hạt, cam mật…, tất cả những loại này đều là những sản phẩm sạch, an toàn mà chúng tôi muốn quảng bá, giới thiệu đến du khách”. Ông Bảo nói thêm, bước đầu, Ngày hội sẽ là cầu nối giữa các nhà vườn với du khách, xây dựng môi trường tiêu thụ nông sản sạch. Về lâu dài, đề án “Bảo tồn và phát triển CNCR” xác định địa điểm này là trạm dừng – nơi trưng bày và buôn bán các loại nông sản sạch, các sản phẩm quà lưu niệm dành cho du khách khi đến tham quan chợ nổi”. Không chỉ riêng Cái Răng mà các thương hiệu trái cây ở các quận, huyện khác cũng được nhiều du khách quan tâm, như: dâu Hạ Châu, măng cụt (Phong Điền), vú sữa tím (Bình Thủy).
Các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống cũng thu hút đông đảo du khách tham quan, tìm hiểu. “Bàn tay của họ thật khéo léo, những sản phẩm họ làm ra trông đơn giản và tinh tế. Tôi rất thích những sản phẩm làm từ thủ công” – du khách Pháp Berthe cho biết khi đứng xem các nghệ nhân trình diễn dệt chiếu, đan thúng, đan giỏ lục bình…Bà Trương Thị Đẳng (quận Cái Răng) – nghệ nhân đã có kinh nghiệm hơn 50 năm dệt chiếu, nói: “Dệt chiếu thủ công ngày nay không còn phổ biến vì hiệu suất không cao lại tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, tôi muốn đi trình diễn thế này mọi người biết đến nhiều cái nghề của ông bà mình khi xưa”. Trong khi đó, các sản phẩm trò chơi dân gian của anh Nguyễn Văn Truyền (quận Bình Thủy) lại thu hút nhiều trẻ nhỏ và du khách quốc tế. Vợ chồng anh vừa làm tại chỗ vừa bán nên tạo sự tò mò bởi loại đồ chơi làm bằng tay ngộ nghĩnh đủ loại hình dáng: cá sấu, con rùa, chuột, trâu… Đến đây, du khách thường quan tâm đến sản phẩm của anh, họ hỏi khá kỹ về chất liệu, cách làm và cho rằng mức giá từ 5.000 -10.000 đồng/con là khá rẻ với nhiều loại đồ chơi khác trên thị trường. Anh Truyền cho biết thêm, có du khách miền Bắc còn đặt hàng ba bốn chục con rùa nhưng vợ chồng anh làm không kịp để bán. Anh Truyền đang được nhiều hãng lữ hành mời biểu diễn cho các đoàn khách của họ đến tham quan, tìm hiểu tại Cần Thơ.
Thông tin từ Ban tổ chức, Ngày hội Du lịch CNCR lần đầu tổ chức đã thu hút trên 6.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, cho biết: “Ngày hội diễn ra thành công với nhiều hoạt động đa dạng, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong nước lẫn quốc tế. Không có tình trạng chặt chém diễn ra”. |
Các gian hàng ẩm thực bánh dân gian cũng thu hút du khách không kém. Với hơn chục loại bánh dân dã: bánh bò, da lợn, bánh ướt…quầy hàng của chị Lương Huệ Anh (Cái Răng) lúc nào cũng đông khách. Gia đình chị Huệ Anh đã 3-4 đời làm bánh, bán ở chợ Cái Răng, chị cho biết: “Đây là lần đầu tôi tham gia sự kiện thế này, thấy bánh của mình được du khách quan tâm hỏi han cũng vui vì bình thường bán buôn ngoài chợ, khách qua lại chỉ mua rồi thôi”. Ít ai biết rằng, chị Huệ Anh có loại bánh độc nhất vô nhị tại Cần Thơ đó là bánh da lợn gân- loại bánh có vị béo, thơm, giòn sựt sựt với những sợi khoai mỏng nằm lẫn lộn trong từng lớp bánh. Sau khi thưởng thức vài loại bánh, chị Thanh Hà (Đà Nẵng), cho biết: “Nam Bộ có nhiều bánh ngon, hôm nay tôi được thử vài món và cảm thấy rất thích. Tôi nghĩ, Cần Thơ nên tổ chức thêm các sự kiện thế này để giới thiệu nhiều sản vật của địa phương đến tay du khách”.
Ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, đánh giá: “Điểm nổi bật của Ngày hội chính là không chỉ giới thiệu đến du khách gần xa những giá trị văn hóa truyền thống của miền sông nước qua nhiều hoạt động về du lịch, văn hóa, thể thao mà còn đưa các loại nông sản sạch đến tay du khách. CNCR là nét độc đáo của Cần Thơ và thành phố cũng đang triển khai đề án “Bảo tồn và phát triển CNCR” để gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, trong đó vấn đề quan tâm hàng đầu luôn là đảm bảo an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân chợ nổi. Ngày hội cũng là một trong những hoạt động gắn kết đưa du khách và người dân địa phương đến gần hơn.
ÁI LAM- VĨNH LỘC
Nguồn: http://www.baocantho.com.vn/
- Lễ hội Vườn trái cây Tân Lộc - Nơi hội tụ tinh hoa của vùng đất trù phú (03/06/2024)
- Âm nhạc đường phố - Đêm Chủ nhật giao lưu âm nhạc (30/05/2024)
- Cần Thơ - Rực rỡ màn trình diễn ánh sáng tại bến Ninh Kiều (29/12/2023)
- CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT HƯƠNG SẮC TÂY ĐÔ CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG (01/01/2004 - 01/01/2024) (27/12/2023)
- Ngày Hội Đặc Sản Miền Tây 2024: Sự kiện Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực được mong chờ nhất vào dịp nghỉ Tết Dương Lịch 2024 tại Cần Thơ (21/12/2023)