Dự kiến có hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào thành phố Cần Thơ diễn ra vào ngày mai, 10-8. Trước hội nghị, TBKTSG đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Võ Thành Thống, xung quanh những tiềm năng phát triển mà Cần Thơ muốn chia sẻ, cũng như các cơ hội cho doanh nghiệp khi đầu tư vào thành phố này.
Cần Thơ đang mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và du lịch.
Trong ảnh: Du khách đến sân bay quốc tế Cần Thơ. Ảnh: H.Kim
TBKTSG: Thưa ông, Cần Thơ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư sau nhiều tỉnh, thành khác. Vậy ông kỳ vọng điều gì nhất tại hội nghị này?
- Ông Võ Thành Thống: Cần Thơ chọn chủ đề của hội nghị xúc tiến đầu tư lần đầu tiên này là “Chia sẻ tiềm năng để cùng nhau phát triển”. Xác định như vậy bởi vì tiềm năng, vị trí của thành phố Cần Thơ không chỉ là của riêng Cần Thơ. Cần Thơ phát triển thì cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển và góp phần cùng cả nước phát triển. Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, triết lý kinh doanh truyền thống “buôn có bạn, bán có phường”, “muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau” lại càng có ý nghĩa thực tiễn và bền vững. Đó là mong muốn đạt được của thành phố Cần Thơ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị này.
TBKTSG: Làm sao để khách dự hội nghị hiểu được tiềm năng ấy, thưa ông?
- Các cơ quan chức năng của thành phố Cần Thơ sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về tất cả các dự án đưa ra tại hội nghị này. Mục đích của hội nghị là nhằm tập trung giới thiệu, chia sẻ những tiềm năng, thế mạnh của thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, đặc biệt trong ba lĩnh vực là dịch vụ logistics và du lịch, nông nghiệp hiệu quả cao và phát triển khoa học công nghệ thông tin. Sẽ có hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng với đại diện các bộ, ngành trung ương, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty, các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị này. Tôi tin đây sẽ là cơ hội thiết thực để các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp quảng bá hiệu quả, nâng tầm thương hiệu cũng như mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư trong nước và quốc tế.
TBKTSG: Vậy ông có thể giới thiệu tóm tắt về nội dung của hội nghị này?
- Có năm nhóm nội dung. Một, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư, các quy hoạch, lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút đầu tư. Hai, tham vấn kinh nghiệm, phát triển thành phố Cần Thơ theo hướng là trung tâm dịch vụ - nông nghiệp hiệu quả cao - phát triển khoa học công nghệ. Ba, ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác với các tổ chức, hiệp hội, nhà đầu tư và doanh nghiệp về đầu tư, phát triển thương mại, du lịch. Bốn, trao chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư cho một số dự án đầu tư. Năm là trưng bày, giới thiệu các sản phẩm có thương hiệu uy tín của thành phố Cần Thơ.
Các nhóm nội dung này còn thể hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư của thành phố Cần Thơ để thu hút các nguồn lực đầu tư và khai thác hiệu quả được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tại hội nghị, các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế sẽ trao đổi trực tiếp với chính quyền và các cơ quan chức năng của thành phố để cùng nhau đạt được mục tiêu hợp tác có lợi nhất.
TBKTSG: Riêng với 54 dự án mà hội nghị muốn giới thiệu, làm sao để các nhà đầu tư tiếp cận dễ nhất?
- Đó là danh mục dự án mà UBND thành phố Cần Thơ vừa phê duyệt để mời gọi đầu tư tại hội nghị này. Các dự án này thuộc ba lĩnh vực đặc biệt là dịch vụ logistics và du lịch, nông nghiệp hiệu quả cao và phát triển khoa học công nghệ. Ba sở là kế hoạch - đầu tư, tài nguyên - môi trường và xây dựng đã phối hợp xây dựng thông tin chi tiết về 54 dự án này để khi nhà đầu tư cần thì tất cả thông tin liên quan đều được cung cấp ngay.
Chiều ngày 9-8, các nhà đầu tư sẽ đi khảo sát thực địa dự án, như dự án Trung tâm Logistics ở khu Tân cảng - Cái Cui, dự án khu công nghiệp công nghệ cao 3 ở huyện Cờ Đỏ hay dự án khu công nghệ thông tin tập trung. Sáng ngày 10-8, với phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hội nghị sẽ tập trung vào ba phiên thảo luận liên quan tới các dự án này. Đó là thảo luận về phát triển trung tâm dịch vụ ĐBSCL, về nông nghiệp hiệu quả cao và về phát triển khoa học công nghệ.
Cuối hội nghị, sẽ có ký kết ghi nhớ đầu tư giữa UBND thành phố Cần Thơ với các đối tác; có trao chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư.
Hiện Cần Thơ có 412 dự án đang triển khai, tổng vốn đầu tư 81.157 tỉ đồng. Trong đó có 76 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đầu tư khoảng 656,7 triệu đô la Mỹ - đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Singapore… Các dự án FDI này đầu tư vào chế biến công nghiệp thủy sản, kinh doanh thương mại, sản xuất hàng may mặc, kinh doanh bất động sản, gia công chế biến...
(Theo Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ)