Những người phụ nữ đội nón lá, quẩy gánh hàng rong ruổi suốt mọi nẻo đường của Cần Thơ đã trở thành một nét đẹp, một hình ảnh quá đỗi thân thuộc với người dân. Nếu đã đi du lịch Cần Thơ, đừng ngại ngần gì mà hãy một lần thưởng thức món ăn đặc sản hết sức dân dã của ẩm thực Cần Thơ – Bánh đúc. Món ăn đã lấy trọn trái tim của bao người yêu ẩm thực trong và ngoài nước.
Cần Thơ nằm ở vùng hạ lưu của sông Mê Kông và ở vị trí trung tâm đồng bằng châu thổ Sông Cửu Long. Cần Thơ được biết đến với hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây ăn trái bạt ngàn, đồng ruộng mênh mông, Bến Ninh Kiều, Chợ nổi Cái Răng, một nét sinh hoạt đặc trưng văn hoá Nam Bộ.
Bánh đúc lá dứa là đặc sản đất Cần Thơ.
Có thể nói, bánh đúc là món ăn đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Theo thời gian, món ăn này bắt đầu xuất hiện ở miền Trung và miền Nam. Cùng một món ăn nhưng mỗi vùng lại có một hương vị khác nhau, đặc trưng cho văn hóa ẩm thực của vùng đó. Miền Bắc thịnh hành nhất món bánh đúc lạc chấm tương hoặc chan canh cua. Miền Trung nổi tiếng với bánh đúc chấm mắm nêm và bánh đúc hến. Và ở miền Nam, bánh đúc lá dứa là món ăn mang nét riêng của người miền Tây Nam Bộ.
Bánh đúc Cần Thơ có hai loại bánh đúc lá dứa và bánh đúc mặn, dù có hương vị đặc sắc riêng nhưng cả hai đều mang đậm hương vị thôn quê, chân chất mà ngon tuyệt. Món bánh này đều sử dụng những sản vật bình dị có sẵn của vùng đất quê trù phú.
Bánh đúc mặn mang màu trắng, cái màu mà người ta hay gọi là trắng “non, mềm”. Gánh bánh đúc chẳng có gì nhiều, ngoài mấy hũ mắm, nước cốt dừa, mỡ hành, nhân tôm thịt băm, dưa leo rau thơm và một khay bánh đúc bột trắng tinh tươm. Tuy nhiên, muốn có được dĩa bánh đúc ngon cũng phải qua nhiều công đoạn. Muốn bột không bị mềm, nhão, phải chọn gạo cũ, ngon, ngâm vài giờ rồi xay thành bột, trộn bột với nước cốt dừa. Nêm bột với đường, muối… cho vừa khẩu vị để sẵn ra thau.
Bánh đúc Cần Thơ có hai loại: bánh đúc lá dứa và bánh đúc mặn, dù có hương vị đặc sắc riêng nhưng cả hai đều mang đậm hương vị thôn quê, chân chất mà ngon tuyệt.
Tôm phải lựa tôm còn tươi, rửa sạch, lột vỏ, rút bỏ chỉ lưng, nặn gạch tôm để ra tô, cho khoảng hai muỗng cà phê đường vào gạch tôm, đánh tan. Dùng dao bằm đầu tôm lẫn thịt tôm cùng thịt nạc dăm, để sẵn.
Một phần không thể thiếu của bánh đúc là củ sắn: Củ sắn lột vỏ rửa sạch, xắt sợi, bằm nhỏ. Hành tím lột vỏ rửa sạch, bằm nhuyễn. Sau đó, cho tôm, thịt, củ sắn bằm ướp gia vị gồm muối, đường, bột ngọt cho vừa khẩu vị. Phi hành thơm rồi cho hỗn hợp vào chảo xào chín. Gạch tôm là phần quan trọng, làm cho nhân bánh thơm ngon và có màu sắc hấp dẫn. Nếu không có gạch tôm thì mới sử dụng màu hạt điều thay thế.
Cuối cùng là khâu hấp bánh. Trước khi đổ bột vào khuôn, phải thoa một lớp dầu ăn để khi bánh chín lấy ra không bị dính. Xếp khuôn nhôm vào xửng khi nước trong nồi sôi, múc bột đổ lớp thứ nhất vào khuôn, đậy nắp lại. Cái khó ở đây là phải canh thời gian sao cho khi bột vừa chín tới thì đổ tiếp lớp thứ hai, và cứ thế tiếp tục cho đến khi khuôn gần đầy, xúc hỗn hợp nhân đổ lên trên và hấp cho chín hẳn. Khi bánh đã nguội, lấy bánh ra, xắt miếng hình chữ nhật hoặc hình thoi.
Bánh đúc thường ăn với nước mắm tỏi ớt chua ngọt, nhưng để tăng hương vị cho món ăn nên ăn kèm với dưa leo bằm, giá trụng, rau thơm và nếu thích có thể chan thêm vài muỗng nước cốt dừa đã thắng chín vào.
Bánh đúc thường ăn với nước mắm tỏi ớt chua ngọt, nhưng để tăng hương vị cho món ăn nên ăn kèm với dưa leo bằm, giá trụng, rau thơm và nếu thích có thể chan thêm vài muỗng nước cốt dừa đã thắng chín vào.
Bánh đúc lá dứa cũng gần giống bánh đúc mặn nhưng là loại bánh đúc ngọt, mang màu xanh đẹp mắt cùng hương thơm đặc trưng của lá dứa. Cách làm bánh cũng khá đơn giản. Gạo được ngâm kĩ trước khi cho vào cối, xay thành bột. Lá dứa rửa sạch, xay nhuyễn, lọc lấy nước. Sau đó, đổ bột gạo và nước lá dứa vào nồi nấu sôi. Bí quyết để có một nồi bánh đúc ngon là khi nấu, phải chú ý canh lửa và khuấy thật đều tay. Nếu muốn tăng độ dai của bánh thì bỏ thêm chút nước tro tàu. Bánh đúc được ăn kèm với hai thứ nước chan. Dừa khô nạo vắt lấy nước, bỏ thêm chút bột năng, thắng lên thành nước cốt dừa. Nước đường cũng được thắng cho kẹo lại. Kèm theo là đậu phộng rang giã nhỏ để rắc lên trên bánh. Nếm một miếng bánh, thực khách sẽ cảm nhận được đầy đủ mọi hương vị đặc trưng được hòa tan cùng nhau trong một món ăn tuy bình dị mà không kém phần tinh tế.
Nếu đến Cần Thơ thi thoảng bạn thấy món ăn này trên các gánh hàng rong, đừng ngần ngại mà không thử ngay một tô bánh đức thơm ngon. Và không thưởng thức thứ bánh đặc sản vùng sông nước ở cả 2 “phiên bản” thì thật sự là sai lầm. Bạn không chỉ cảm nhận mỗi hương vị của bánh mà ẩn chứa trong ấy còn là hương vị của nét đẹp văn hóa ở con người Cần Thơ, qua năm tháng.
Nguồn: http://thegioidisan.vn