“Bệ phóng” cho văn hóa Cần Thơ
     
Gần đây, nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử- văn hóa ở TP Cần Thơ được xây dựng, tôn tạo và phát huy giá trị xứng tầm. Sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo thành phố không chỉ có ý nghĩa bảo tồn và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, mà thực sự trở thành "bệ phóng" cho văn hóa Cần Thơ phát triển.
 
Những công trình mới
 
Những ngày cuối tháng 2, trong chuyến công tác về xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, chúng tôi nghe bà con chia sẻ niềm vui khi Đền thờ Châu Văn Liêm xây dựng trên địa bàn xã sắp hoàn thành. Với diện tích gần 9.000m2, giai đoạn 1 của công trình gồm các hạng mục như đền thờ chính, trụ biểu, nhà bia, nhà nghỉ chân, sân lễ… có tổng mức đầu tư hơn 27 tỉ đồng. Hiện công trình đã hoàn thành hơn 85% khối lượng công việc, dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối tháng 3-2017. Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thới Thạnh, cho biết: Cụ Châu luôn là niềm tự hào của người dân Thới Thạnh. Việc Thới Thạnh được chọn là nơi xây Đền thờ cụ Châu không chỉ giúp xã nông thôn mới Thới Thạnh thêm đẹp mà còn vun bồi thêm truyền thống anh hùng của địa phương. "Khi Đền thờ hoàn thành, địa phương sẽ có kế hoạch thiết kế những điểm đến của nông thôn mới, Đền thờ cụ Châu… nhằm giúp phát triển du lịch, kinh tế cho người dân"- ông Nguyễn Văn Bé Ba chia sẻ.
 
 
Đồng chí Trần Quốc Trung (hàng đầu, bên phải), Bí thư Thành ủy Cần Thơ, khảo sát tiến độ xây dựng công trình Đền thờ Châu Văn Liêm.
 
Cũng như Thới Thạnh, bà con quận Thốt Nốt đang rất vui mừng vì công trình xây dựng Khu tưởng niệm soạn giả Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền, thuộc khu vực Qui Thạnh 1, phường Trung Kiên, đang dần hoàn thiện. Khu tưởng niệm với tổng diện tích hơn 12.000m2, gồm khu mộ và nhiều công trình phụ trợ được thiết kế đẹp, đậm bản sắc truyền thống, khi hoàn thành sẽ là nơi diễn ra các sự kiện lễ hội về sân khấu, âm nhạc dân tộc của thành phố và quận Thốt Nốt. Là người có thâm niên với ngành văn hóa, bà Đoàn Thị Bích Phượng, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thể dục thể thao quận Thốt Nốt, cho rằng, đó là sự ghi nhận, tri ân xứng đáng của Cần Thơ với một soạn giả được xem là "Hậu Tổ" của cải lương. Bà Phượng cũng kỳ vọng khi công trình hoàn thành sẽ là động lực giúp sân khấu truyền thống và du lịch của Cần Thơ phát triển.
 
Hiện tại, công trình bia tưởng niệm tại Di tích thành phố Chiến thắng Ông Cửu (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng) cũng đang vào giai đoạn "nước rút". Hay công trình trùng tu Đình Thần Thới An (quận Ô Môn)- Di tích cấp thành phố- hoàn thành với các hạng mục: trùng tu nâng cấp tiền điện, chánh điện; nâng nền sân, bia, miếu; hệ thống cấp thoát nước, điện ngoại vi; xây mới nhà ăn, nhà vệ sinh… giúp Ban Tế tự đình và nhân dân an tâm mỗi dịp lễ hội, chiêm bái.
 
Hiện TP Cần Thơ có 29 Di tích Lịch sử- văn hóa được xếp hạng (12 di tích cấp quốc gia, 17 di tích cấp thành phố). Trong đó, hầu hết đã có cơ sở vật chất, thường xuyên được trùng tu, bảo quản tốt.
Khơi sức sống di tích
 
Những di tích ở TP Cần Thơ đa dạng về loại hình, cho thấy bề dày văn hóa của vùng đất mệnh danh "thủ phủ miền Tây". Tự hào ấy đồng hành cùng trách nhiệm làm sao để di tích, di sản phát huy giá trị trong đời sống hiện đại. Mới đây, trong chuyến khảo sát một số công trình văn hóa, di tích trên địa bàn thành phố, đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhấn mạnh: ngành văn hóa thành phố cần quan tâm phát huy giá trị các công trình di tích, văn hóa. Khi các công trình hoàn thành, việc bổ sung các hình ảnh, hiện vật, tư liệu làm phong phú nội hàm các nhà trưng bày là việc rất quan trọng. Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng đề nghị ngành văn hoá cần phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố để đưa di sản vào trường học hoặc cho học sinh, sinh viên tham quan, trải nghiệm tại các di tích.
 
 
"Khám phá di sản" là một trong những chương trình thu hút giới trẻ đến với di tích do BQLDT tổ chức.
 
Là đơn vị chuyên môn thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, những năm qua, Ban quản lý di tích TP Cần Thơ (BQLDT) đã sáng kiến những mô hình hay. Trong đó, những chương trình như "Khám phá di sản", "Kết nối di sản", "Văn hóa Cần Thơ- theo dòng lịch sử", "Hành trình sinh viên đến địa chỉ đỏ"… đã truyền cảm hứng cho giới trẻ. Việc chuyển tải kiến thức lịch sử, thông tin di tích không còn là những lời thuyết minh đơn điệu mà BQLDT còn tổ chức cho giới trẻ chơi trò chơi, thông qua hoạt cảnh… Chị Nguyễn Võ Thị Mỹ Thà, Bí thư Đoàn khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn- Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: "Các em rất hào hứng khi tham gia chương trình tìm hiểu di sản vì đây là hoạt động ý nghĩa, khơi gợi tình yêu lịch sử, truyền thống của dân tộc trong giới trẻ". Những năm gần đây, mô hình học sinh tham quan, học tập và chăm sóc di tích thực hiện ở một số trường học như: Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng), THCS Chu Văn An, THCS Trần Hưng Đạo (quận Ninh Kiều)… phát huy hiệu quả tích cực, giúp các em trân quý truyền thống địa phương.
 
Từ đầu năm 2017, khi tham quan Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, du khách ngoài được nghe kể về cuộc đời cụ Thủ khoa còn được xem lại trích đoạn trong vở cải lương "Cánh buồm ngược gió", nói về hành trình thượng kinh kêu oan của người vợ cụ Thủ khoa là bà Nguyễn Thị Tồn. Đây là cách làm mới trong giới thiệu di tích ở Cần Thơ. Ông Nguyễn Thành Chương, du khách đến từ Nghệ An, nói: "Vừa được tham quan, vừa được xem cải lương, chúng tôi không chỉ hiểu hơn về cuộc đời cụ mà còn bị thu hút bởi những giọng ca cải lương ngọt ngào". Bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng Ban BQLDT, cho biết, từ thành công này, sắp tới, đơn vị có kế hoạch giới thiệu thêm chập cải lương "Không đội trời chung" của soạn giả Trúc Linh, nội dung ca ngợi khí tiết cụ Bùi, tới du khách.
 
Bà Nguyễn Thị Mỹ cũng thông tin, BQLDT đang xây dựng Trang thông tin điện tử của đơn vị nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập về di sản văn hóa. Đồng thời, trang web này cũng sẽ liên kết với các trang thông tin điện tử của các công ty lữ hành nhằm giới thiệu, quảng bá các di tích với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch địa phương. Trong năm 2016, BQLDT đã phát hành một số ấn phẩm giới thiệu di tích Cần Thơ như: Di tích quốc gia Chùa Ông, di tích cấp thành phố Nhà lồng chợ Cần Thơ, di tích quốc gia Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa… và sắp tới sẽ xuất bản ấn phẩm về các di tích còn lại. Đây là những tài liệu chính xác, giúp khách tham quan hiểu thêm về di tích và là tài liệu cho những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu về di tích Cần Thơ.
 
* * *
Tại Hội nghị tổng kết công tác ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2016 vào tháng 1-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: "Coi nhẹ văn hóa thì đất nước không thể tồn tại và phát triển bền vững được". Cũng trên tinh thần ấy, văn hóa luôn được TP Cần Thơ đầu tư, phát triển toàn diện, song hành cùng với phát triển kinh tế. Đó cũng là động lực để Cần Thơ phát triển và hội nhập.
 
Năm 2016, 29 di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng trên địa bàn thành phố và hoạt động giáo dục truyền thống, di sản văn hóa trong học đường, đã thu hút khoảng 650.000 lượt người, đạt 325% kế hoạch năm. Một số hoạt động đáng chú ý là trình diễn và truyền dạy viết thư pháp, thi kiến thức về di sản văn hóa, tham quan và tìm hiểu di tích lịch sử- văn hóa… nhân các dịp Lễ giỗ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Lễ giỗ Cử nhân Phan Văn Trị, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam...
 
Nguồn: Bài, ảnh: Đăng Huỳnh - http://www.baocantho.com.vn
TIN LIÊN QUAN