Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Triển khai các giải pháp đột phá nhằm phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với khu vực và thế giới
     

Sáng ngày 17/3, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh 2023. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023.

 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: TITC

 

Hội nghị có sự hiện diện của đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; đồng chí Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; đồng chí Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, Cần Thơ, Hải Phòng, Đồng Nai, Ninh Bình; lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch, các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh, hiệp hội du lịch các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia trong ngành…

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh 2023 được tổ chức ngay sau Hội nghị toàn quốc về du lịch ngày 15/3 vừa qua đã thể hiện sự quyết tâm cao của tỉnh Quảng Ninh trong cụ thể hoá các định hướng của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phát triển du lịch.

 

Bí thư Tỉnh ủy cho biết, với sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng, ngành Du lịch Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong giai đoạn 2020 - 2022, dưới tác động của đại dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng nặng nề, song Quảng Ninh đã vượt qua và tạo nên những bước đột phá, luôn đổi mới về tư duy phát triển du lịch, bám sát với thực tiễn.

 

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh phát biểu khai mạc. Ảnh: TITC

 

Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng nền quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả; nâng cao năng lực thích ứng với sự thay đổi, quản trị rủi ro; kiên cường giữ vững là địa bàn “an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới”. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, Quảng Ninh đã phục hồi nhanh chóng, ngành du lịch đạt tổng số lượt khách nội địa tương đương thời điểm trước đại dịch.

 

Những năm qua, tỉnh cũng tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột là thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với những yếu tố quan trọng khác. Việc kiên trì định hướng xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển, quyết tâm giải quyết đến cùng các vấn đề còn tồn đọng đã làm thay đổi căn bản diện mạo ngành du lịch Quảng Ninh, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn, của khách du lịch.

 

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch Quảng Ninh đang đứng trước các cơ hội mới đan xen khó khăn, thách thức trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin; xu hướng khách du lịch quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm; xu hướng du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, cùng với du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa...

 

Các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TITC

 

Trong bối cảnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, tỉnh sẽ tiếp tục kiên trì, nhất quán thực hiện các chủ trương về phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững và bao trùm; đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn kết hợp chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển. Đến năm 2030, tỉnh tập trung củng cố vị thế là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế, thu hút khách du lịch quanh năm.

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký mong muốn, Hội nghị phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh ngày hôm nay sẽ nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu, sự chỉ đạo của các Bộ, ban, ngành Trung ương, sự phối hợp của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Mỗi ý kiến, chia sẻ sẽ là động lực không chỉ giúp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch trong năm 2023, mà còn là tiền đề phát triển bền vững cho tỉnh trong các năm tiếp theo, góp phần từng bước hiện thực hoá mục tiêu đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh dự hội nghị. Ảnh: TITC

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá rất cao sự chủ động của tỉnh Quảng Ninh khi là địa phương đầu tiên tổ chức thực hiện hội nghị phát triển du lịch ngay sau Hội nghị toàn quốc về du lịch được tổ chức ngày 15/3 vừa qua dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ.

 

Bộ trưởng nhấn mạnh, Quảng Ninh là vùng đất có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”. Cùng với tư duy phát triển theo phương châm “tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương”, Quảng Ninh luôn là địa phương có nhiều chính sách đi trước, vượt trội, giúp cho tỉnh luôn đứng tốp đầu trong việc phát huy tiềm năng và thế mạnh của mình. Tỉnh đã luôn bám sát các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và tình hình thực tiễn để cụ thể hóa các nhiệm vụ, triển khai công việc một cách bài bản. Nghị quyết số 36-NQ/TW của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với khu vực và thế giới.

 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: TITC

 

Các Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ, Quảng Ninh là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế. Trong Dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định Quảng Ninh thuộc khu vực động lực phát triển du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang du lịch Đông - Tây.

 

Bộ trưởng nhận định, định hướng phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh đều rất rõ ràng, khoa học, bài bản. Ngay từ năm 2013, Quảng Ninh đã triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với sự tư vấn, đồng hành của các tập đoàn, công ty quốc tế lớn. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành các Nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.

 

Về giải pháp phát triển du lịch, phát huy tiềm năng to lớn của Quảng Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh cần thống nhất một trong các nguyên tắc phát triển của tỉnh là “không đánh đổi tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”. Tỉnh cần có các định hướng mới, phù hợp tình hình, theo hướng “sản phẩm du lịch phải đặc sắc, chất lượng cao, điểm đến an toàn, thân thiện” dựa trên ba trụ cột: (1) Tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; (2) Các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu; (3) Bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.

 

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TITC

 

Bộ trưởng đề nghị, Quảng Ninh cần nghiên cứu xây dựng bộ nhận diện mới cho ngành du lịch tỉnh trong thời kỳ mới, truyền tải thông điệp mới hấp dẫn. Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số du lịch, triển khai thẻ du lịch thông minh, làm mới website du lịch Quảng Ninh nhằm nâng cao độ nhận diện của du lịch tỉnh, tăng cường thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh nên nghiên cứu thành lập văn phòng đại diện xúc tiến du lịch ở nước ngoài, để làm điều này cần phát huy vai trò của các doanh nghiệp, chủ động tiếp cận thị trường, thu hút khách, nghiên cứu thị trường một cách căn cơ, bài bản.

 

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh cần phát huy vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân để phát triển du lịch, mỗi người dân là một đại sứ du lịch, dựa vào nhân dân để kiến tạo và phát triển du lịch. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo thêm các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với du lịch trên địa bàn. Bộ trưởng gợi ý có thể đưa Hạ Long trở thành một “thành phố nhiếp ảnh” - là nơi khơi gợi cảm hứng, thu hút các nhiếp ảnh gia đến sáng tác những bức ảnh đẹp về Hạ Long.

 

Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Quảng Ninh phát triển sản phẩm du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, không dàn hàng ngang. Ngoài sản phẩm đã có thương hiệu là du lịch biển Hạ Long, cần quan tâm phát triển các sản phẩm mới như du lịch golf, du lịch MICE, du lịch đêm…

 

Bộ trưởng tin tưởng rằng trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển đột phá, đi lên tương xứng với tiềm năng thế mạnh, theo đúng mục tiêu và định hướng mà Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đề ra.

 

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh trình bày báo cáo tình hình du lịch tỉnh. Ảnh: TITC

 

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, năm 2022, ngành du lịch Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Dịch vụ, du lịch của tỉnh ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch có bước phát triển đột phá, ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, nâng cao chất lượng dịch vụ. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch được chú trọng và đạt hiệu quả cao.

 

Trong năm 2023, Quảng Ninh cũng đặt ra mục tiêu thu hút khách du lịch, phấn đấu đạt 15 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 2 triệu lượt. Tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như: xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp mang thương hiệu quốc tế, các trung tâm - tổ hợp mua sắm, vui chơi giải trí cao cấp; triển khai kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2023, đảm bảo hoàn thành mục tiêu thu hút khách du lịch; triển khai thực hiện một số đề án về phục hồi và phát triển du lịch, các hoạt động thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển du lịch cộng đồng bền vững, sản phẩm du lịch biển đảo; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, ngày hội du lịch, tổ chức thực hiện và tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh tại các địa phương khác; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với ngành lĩnh vực khác, giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc; phối hợp với các sở, ngành để triển khai quản lý các khu du lịch quốc gia, các dự án trọng điểm phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ nhằm tạo bước đột phá hướng tới mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, thông tin và truyền thông cho các địa bàn trọng điểm, khu vực phát triển du lịch ven biển, hải đảo; tập trung triển khai chuyển đổi số đối với lĩnh vực du lịch, đẩy mạnh các ứng dụng về công nghệ cho hoạt động du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch.

 

Các diễn giả trao đổi tại phiên thảo luận. Ảnh: TITC

 

Tại phiên thảo luận trong hội nghị, các diễn giả đã trao đổi, đề xuất, hiến kế nhiều giải pháp để phát triển du lịch Quảng Ninh. Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị tỉnh cần đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.

 

Ông Lee Kyung Taek - Phó trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, cần quan tâm đầu tư, tăng cường các hoạt động trải nghiệm phục vụ du khách để thu hút khách quay trở lại. Ông gợi ý tỉnh Quảng Ninh có thể nghiên cứu phát triển dịch vụ bay khinh khí cầu ngắm nhìn vịnh Hạ Long từ trên cao, trải nghiệm lãng mạn ăn tối ngoài trời ở các nhà hàng, triển khai combo dịch vụ chuyến bay+du thuyền (flight+cruise) phục vụ cả khách nội địa và quốc tế. Bên cạnh đó, trong xúc tiến quảng bá cần thúc đẩy phát triển nội dung quảng bá theo hướng kể chuyện (story-telling).

 

Về loại hình du lịch tàu biển, đại diện Saigontourist tại Quảng Ninh cho rằng, Quảng Ninh là địa phương có thế mạnh nổi trội để phát triển loại hình này và rất được du khách yêu thích. Tuy nhiên, du lịch tàu biển là loại hình đặc thù với đoàn khách đông, đa quốc tịch, yêu cầu về dịch vụ đa dạng… Đại diện Saigontourist đề nghị tỉnh xem xét cải thiện thủ tục đón và phục vụ khách du lịch tàu biển lên bờ tham quan. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá du lịch tàu biển ở trong và ngoài nước, có chính sách khuyến mại cho khách, tăng cường nhân lực phục vụ du lịch tàu biển…

 

Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Hoàng Quốc Hòa trao đổi về chuyển đổi số tại phiên thảo luận. Ảnh: TITC

 

Về giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, ông Hoàng Quốc Hòa - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, thời gian qua Trung tâm Thông tin du lịch đã tập trung xây dựng các nền tảng số du lịch ở tầm quốc gia như hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam, nền tảng Quản trị và Kinh doanh du lịch, nền tảng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam - Vietnam TravelThẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh

 

Ông Hòa nhấn mạnh, đây là các nền tảng mở để các địa phương, doanh nghiệp có thể tích hợp dữ liệu để tạo thành cơ sở dữ liệu chung trong ngành. Đồng thời, đề nghị các địa phương, doanh nghiệp tận dụng ngay các nền tảng số cốt lõi ở tầm quốc gia của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu trên để tiết kiệm nguồn lực và thời gian, tích hợp ứng dụng và dữ liệu vào nền tảng chung. Trung tâm Thông tin du lịch sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh cũng như các địa phương trong cả nước triển khai chuyển đổi số hoạt động du lịch trong thời gian tới.

 

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Ảnh: TITC

 

Trong khuôn khổ Hội nghị phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký kết Thỏa thuận chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2023 - 2025 với UBND các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Ninh Bình, Cần Thơ, Đồng Nai; Thỏa thuận hợp tác phát triển giữa Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh với hiệp hội du lịch nhiều tỉnh, thành; Thỏa thuận hợp tác về hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch giữa Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh với Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch)…

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn

 

TIN LIÊN QUAN