Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
     

Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20. Qua bao biến thiên, ngôi chợ trên sông nước tại thành phố trung tâm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn tồn tại với sức sống mãnh liệt, như sự bất diệt của các dòng sông ngày đêm lặng lẽ mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng Tây Nam bộ – một trong những chiếc nôi lương thực của Việt Nam và thế giới.

 

Trong loạt bài phóng sự sau đây, Tạp chí Giáo dục TP.HCM sẽ giới thiệu với quý bạn đọc những nét nổi bật, đặc biệt là những điểm mới của ngôi chợ đặc trưng cho nét văn hóa sông nước miền Tây này.

 

Bài 1: Sự hình thành chợ nổi Cái Răng

 

Chợ nổi Cái Răng cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 10km về phía Nam. Vị trí của chợ nằm ngay tại ngã ba sông Cái Răng và sông Hậu, gần cầu Cái Răng, được đánh giá là “thiên thời, địa lợi” khi là điểm kết nối quan trọng trên trục đường thủy sông Cần Thơ – kênh xáng Xà No. Đây cũng là nơi có mực nước không sâu không cạn để thuyền bè dễ dàng neo đậu, di chuyển. Đồng thời nằm gần chợ Cái Răng trên bờ, được xem là một trong những chợ đầu mối của Cần Thơ với tấp nập người mua kẻ bán, và nhiều vựa hải sản, trái cây lớn. Rất thuận lợi cho hoạt động giao thương và buôn bán với các tỉnh vùng ĐBSCL và khu vực Nam bộ.

 

Bến tàu chợ nổi Cái Răng

 

Được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, đầu tiên chợ chủ yếu buôn bán các loại nông sản, trái cây, đặc sản của vùng. Trước kia, chợ nổi Cái Răng là nơi thu mua lúa gạo lớn nhất tại miền Tây của người Hoa kiều; chợ Cái Răng bán chủ yếu các mặt hàng nông sản và mỗi ghe chỉ chuyên bày bán một loại mặt hàng nhất định. Hiện nay chợ đã bán đa dạng hơn như ẩm thực, các món đồ gia dụng và những thứ thiết yếu cho cuộc sống trên sông.

 

Với những ai yêu thích khám phá, muốn tìm hiểu về văn hóa miền sông nước Nam bộ thì chợ nổi Cái Răng Cần Thơ là điểm đến lý tưởng. Khác với chợ trên đất liền, chợ nổi Cái Răng và các chợ nổi khác của các tỉnh thành miền Tây đều họp từ rất sớm. Trước kia, chợ hoạt động từ 2-3 giờ sáng, bởi khi ấy còn là chợ bỏ sỉ (như một chợ đầu mối trên đất liền). Đây là thời điểm các thương hồ đi lấy hàng về bán ở những nơi khác nên thường phải đi sớm.

 

Khách du lịch tham quan chợ nổi Cái Răng

 

Hiện nay giao thông nông thôn đường bộ phát triển, thương lái có thể đi xe đến tận vườn thu mua rồi đem bỏ mối cho các vựa trên đất liền nên số ghe thương hồ hoạt động theo kiểu bỏ sỉ giảm đáng kể. Chợ nổi Cái Răng chuyển mình hoạt động theo hướng phục vụ du lịch; hàng ngày chợ bắt đầu sinh hoạt với khung giờ từ 5-9 giờ để phục vụ du khách.

 

Thời điểm từ 4-5 giờ sáng là thời gian thích hợp để đi chợ nổi Cái Răng bởi lúc này các ghe xuồng đã bắt đầu cập chợ. Đến chợ lúc này, bạn không những sẽ được hòa mình vào không khí sôi nổi, tấp nập kẻ mua người bán mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng bức tranh chợ nổi tuyệt đẹp khi bình minh ló dạng. Đến trung tâm chợ khoảng 6 giờ sáng, bạn có thể ăn sáng, uống cà phê trên ghe thuyền, ngắm cảnh sinh hoạt trên chợ; với ánh nắng ban mai và những cơn gió dịu êm đến từ sông nước, cùng nụ cười chân thật, hiền hòa của những người bán hàng là người dân miền Tây nổi tiếng chất phác, hiếu khánh.

 

Chợ hoạt động đến khoảng hơn 9 giờ là không khí bớt sôi nổi nhưng hoạt động của người dân sinh sống trên ghe thì vẫn tiếp tục. Đó là những nhà lồng bè nuôi cá trên sông; các chủ kinh doanh những mặt hàng phục vụ đời sống; đặc sản miền Tây, các sản phẩm lưu niệm… Vào ngày thứ bảy hàng tuần, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Cần Thơ kết hợp Phòng Văn hóa quận Cái Răng tổ chức sinh hoạt đờn ca tài tử vào buổi chiếu và tối, bạn có thể tham gia để hòa mình vào những câu hát mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng đất Tây Nam bộ.

 

Chợ nổi Cái Răng buôn bán đa dạng các mặt hàng. Mỗi chiếc ghe/ thuyền bán một món hàng khác nhau, từ những thúng hoa quả ngon lành của miền Tây tới những sạp đồ gia dụng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Người dân buôn bán với nhau từ ghe này qua ghe khác bằng cách tung hứng hoặc chuyền tay các món đồ.

 

Ghe/ thuyền buôn bán đều có cây “bẹo”

 

Do không gian chợ nổi rộng, tiếng sóng vỗ, tiếng máy nổ lớn, không thể dùng tiếng rao như trên đất liền nên những món đồ bày bán được chủ ghe treo lên một cây sào – người dân ở đây gọi là cây “bẹo” để người mua có thể dễ dàng nhận ra món đồ mình cần mà lại gần mua. Từ đó hình thành phương thức “4 treo” của các thương lái, gồm: Treo gì bán nấy: Chủ ghe bán cái gì thì treo cái đó lên cây bẹo (ví dụ muốn bán dưa hấu thì sẽ treo trái dưa hấu lên). Treo mà không bán: Đó là quần áo của nhiều hộ gia đình sống trên thuyền. Không treo mà bán: Đó là những chiếc ghe nhỏ len lỏi phục vụ các mặt hàng cho khách đi chợ như: Bún, hủ tiếu, bún riêu, cà phê, bánh mì thịt… Treo cái này nhưng bán cái khác: Khi bạn thấy ghe/thuyền treo một tấm lá lợp nhà thì có thể hiểu ngầm là chủ muốn bán chiếc ghe/thuyền của họ (Ngụ ý chiếc ghe/thuyền như ngôi nhà của họ).

 

Cơ sở làm kẹo dừa tại chợ nổi Cái Răng

 

Cần Thơ có 2 mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 – tháng 11, mùa nắng từ tháng 12 – tháng 4 năm sau. Bạn có thể đi chợ nổi vào cả 2 mùa. Nếu bạn thích ăn trái cây thì nên đi vào mùa nắng (mùa hè) vì là mùa hoa quả tại miền Tây.

 

Và trên sóng nước êm đềm, khi hoà mình, cũng như mở lòng, với không khí của buổi chợ, bạn có thể tìm hiểu cuộc sống sông nước của thương hồ và người dân, trên những “căn hộ di động” với đầy đủ tiện nghi như ti vi, bếp nấu, cây cảnh…

 

Hộ dân sinh sống tại chợ nổi Cái Răng

Đan Phượng

(Nguồn: giaoduc.edu.vn)

TIN LIÊN QUAN