Đặc tính thẩm mỹ của nghệ thuật cải lương Nam bộ
     
Cải lương có sự tổng hợp của hát bội, đờn ca tài tử và chịu ảnh hưởng của kịch nghệ phương Tây. Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, cải lương đã có những biến cải để tạo được cảm tình trong lòng khách mộ điệu, từ nội dung tuồng tích, điệu ca, lời hát cho đến bày trí sân khấu... Thế nhưng dù thay đổi như thế nào, thì những giá trị cốt lõi của nghệ thuật cải lương Nam bộ: nét bi, sự khôi hài, tính trữ tình, chất anh hùng ca vẫn tồn tại trong từng vở diễn.
 
Tính trữ tình
 
Tính trữ tình của nghệ thuật cải lương thể hiện qua nội dung tác phẩm thường đậm tính văn học kịch. Nội dung văn học kịch sân khấu cải lương phong phú về đề tài, phổ biến là các câu chuyện kể dân gian, truyền thuyết, lịch sử... là những câu chuyện cổ có nội dung xã hội, gắn liền với đời sống tinh thần của con người. Văn học kịch cải lương phản ánh hiện thực xã hội từ cổ xưa đến đương đại và tất nhiên không thể thiếu những câu chuyện về tình thân, tình yêu, tình bạn... được sử dụng như chất liệu chính. Vì vậy, chất trữ tình là đặc trưng, đặc điểm sân khấu cải lương, là nghệ thuật tình cảm. 
 
Chất anh hùng ca là đề tài được cải lương tuồng cổ khai thác. Trong ảnh: Lớp diễn “Phàn Định Công đề cờ” trong vở
 “San Hậu” do nghệ sĩ Hoàng Hải (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) diễn. Ảnh: DUY KHÔI
 
Nét bi
 
Dù thể hiện theo hướng đề tài nào, sân khấu cải lương thường nói về số phận một con người, trong đó chủ đề nổi bật là tình yêu. Nhiều vở có lối dẫn dắt câu chuyện kịch: tử biệt - sinh ly - chia lìa - gặp lại, từ đó đi sâu khai thác những xung đột tình cảm, tạo cái bi.
 
Tử biệt là nút thắt trong câu chuyện và mọi xung đột mâu thuẫn trong câu chuyện tình cảm đều khiến người xem xúc động. Đơn cử như cảnh Thúy Kiều gặp Từ Hải trong vở cải lương “Thúy Kiều”. Từ Hải là con người lý tưởng, chỗ dựa cho thân phận hẩm hiu của Kiều, nhưng đau đớn thay chàng lại chết vì tình yêu này. Đó là nỗi bi ai vô biên trong cuộc đời Thúy Kiều. Rất nhiều vở tuồng kinh điển của cải lương dùng tử biệt để đẩy xung đột kịch lên đển đỉnh điểm, như cái chết của Thi Sách trong “Tiếng trống Mê Linh”.
 
Nhiều soạn giả khai thác triệt để cái bi, tạo nên sự bi hùng cho dòng cải lương cách mạng như: “Người con gái đất đỏ”, “Tìm lại cuộc đời”, “Tình yêu và tội phạm”... Nhưng cái bi của cải lương chỉ hé mở một nét buồn trong cuộc đời chứ không phải là bi kịch không lối thoát. Qua sự mất mát, đau thương, con người lại vươn lên, hướng tới tương lai. Chính vì vậy, tính bi mà vẫn trữ tình chỉ có ở sân khấu cải lương giúp người xem đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật. Qua cái bi, khán giả nhận ra những giá trị nhân bản trong mỗi con người. Mỗi nhân vật có một cuộc đời, một số phận đầy bi ai, nhưng kết cục thì mọi nỗi oan khiên đều minh bạch. Kết có hậu là đặc điểm sân khấu cải lương và sân khấu phương Đông, cũng là nét thẩm mỹ tích cực của sân khấu truyền thống Việt Nam.
 
Sự khôi hài
 
Hài là đặc tính chung của sân khấu truyền thống Việt Nam, nhưng sân khấu cải lương có nét hài khác lạ. Nếu cái bi của cải lương tập trung khai thác diễn xuất diễn viên, tình tiết trong kịch, âm nhạc và lời ca; thì tính hài lại tập trung vào diễn xuất của diễn viên, chủ yếu ở ngoại hình và ngôn ngữ. Cái hài trong cải lương là sự điểm xuyết vào một chuỗi bi lụy kéo dài, diễn tả tình cảm của nhân vật. Thế nên đa phần nhân vật hài cải lương chỉ xuất hiện thoáng qua cùng với các nhân vật chính, như giảm bớt nỗi buồn bằng cách chọc cười. Những tiếng cười của vai hài làm khán giả lấy lại thăng bằng. Nếu cải lương thiếu hài sẽ nặng nề và bi lụy ảm đạm. Nội dung tạo sự khôi hài ở cải lương là tiếng cười châm biếm, phê phán, cười ra nước mắt và cười vui, sảng khoái vô tư. 
 
Chất bi được khai thác nhiều trong cải lương. Trong ảnh: Nỗi đau của người mẹ hay con hy sinh trong trích đoạn cải lương
“Hoa đất” do nghệ sĩ Hồng Thủy (Đoàn Cải lương Tây Đô) diễn. Ảnh: DUY KHÔI
 
Để tạo tiếng cười trong các vai hài, diễn viên có hai thủ pháp cơ bản. Một là diễn ngoại hình có tính cách điệu, gây cười. Hai là diễn tả bằng ngôn ngữ mô tả động tác, kết hợp với ngôn ngữ văn học, là những tiếng cười có ý nghĩa cụ thể. Tiếng cười trên sân khấu cải lương có nội dung xã hội. Dù là diễn tả ngoại hình hay thông qua ngôn ngữ văn học, tiếng cười của nghệ thuật cải lương là tiếng cười nhận biết một chân lý.
 
Những yếu tố khôi hài của cải lương là một bộ phận cấu thành sân khấu, có chức năng điều tiết kịch và nhận biết nghệ thuật. Tiếng cười ở đây là cảm thụ cái đẹp, những nét tinh hoa, tinh tế của nghệ thuật tình cảm, qua văn học và âm nhạc. Chức năng thẩm mỹ của tiếng cười là cảm hóa khán giả, nhận thức chân lý cuộc sống bằng lòng hướng thiện.
 
Chất anh hùng ca
 
Chất anh hùng ca có từ truyền thống, qua những vở tuồng cổ cải lương từ năm 1921. Đến cải lương cách mạng, kháng chiến, chất anh hùng ca phát huy trọn vẹn(1).
 
Theo các nhà nghiên cứu, cải lương chính thức ra đời năm 1921 nhưng đã được thành hình từ năm 1919 với những vở tuồng ngắn do gánh hát xiệc của ông André Thận trình diễn và được gọi là cải lương vào năm 1920, đến giữa năm 1921, gánh Tân Thinh đã có rạp riêng để chiếu bóng và hát cải lương. Thế nhưng phải đợi đến cuối năm 1922, thầy Năm Tú cho diễn cải lương thường trực ở rạp hát thầy Năm Tú tại Mỹ Tho với sân khấu có phông, màn trang trí; đào kép có y phục hóa trang đầy đủ; bộ môn ca kịch cải lương mới chính thức hoàn hảo thành hình và có chỗ đứng(2).
 
Đến thập niên 1930, xuất hiện hai gánh cải lương có tiếng ở Sài Gòn là Phước Cương và Trần Đắt. Gánh Trần Đắt do ông Trần Đắt Nghĩa lập năm 1926. Ông là doanh nhân thành công ở miền Tây Nam bộ, chủ hãng xe và làm nước ngọt. Vào tháng 6 năm 1930, ban cải lương Trần Đắt của ông Trần Đắt Nghĩa từ Cần Thơ đã lên Sài Gòn diễn tuồng “Tấm lòng quê” ở Nhà hát lớn thành phố, do Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn Tennis Club và Tricolore GiaDinh tổ chức để gây quỹ tài trợ các tay quần vợt nổi tiếng ở Sài Gòn và Nam kỳ đi Singapore tham dự giải vô địch Malaya 1930-1931. Đoàn cải lương Trần Đắt Nghĩa trình diễn đêm thứ hai ngày 30-6-1930 với cốt truyện được thông tin trước, có thể tóm tắt như sau:
 
"Chán ngán việc ủng hộ sự kiêu ngạo độc tài của Kỳ Sanh, chiếm đoạt tất cả các quyền lực ở triều đình, Phi Bằng, vị quan văn võ toàn tài, từ bỏ chức vị và lui về ẩn dật trong rừng. Ở đó ông triệu tập các thuộc hạ trung tín, tất cả bất bình về sự độc đoán của Kỳ Sanh.
 
Vị quan trung thần anh dũng Phi Bằng, gặp một giai nhân tên là Thu Tâm, yêu mến ông và trở thành vợ ông. Trong lúc này, những biến cố nguy kịch xảy ra ở kinh đô, những trung thần bị trừng phạt nặng nề đã nổi dậy chống lại kẻ độc tài. Phi Bằng chạy về để cứu giúp, nhưng bị đánh trọng thương và chết.
 
Nghe tin kết cuộc bi thảm này, Thu Tâm kêu gọi đoàn tụ hai người bạn lại: Tuyết Mai và Tuyết Liễu. Họ cùng nhau thề sẽ trả thù cho Phi Bằng.
 
Ba người đàn bà trở lại kinh thành, họ thành công thu dụng những nữ nghệ sĩ giỏi. Tài diễn xuất và sắc đẹp của họ đã thu hút nhiều người ngưỡng mộ và đam mê họ, mà chính trong số những người đó có Trương Xuân, con trai của Kỳ Sanh.
 
Trương Xuân vì nóng lòng muốn kết họ làm cung phi, nên tiết lộ danh tánh mình và dẫn họ về nhà mà cha anh ta không hề biết. Kỳ Sanh đến bất ngờ gặp Trương Xuân, ngay giữa lúc lễ tiệc được tổ chức khoản đãi các người đẹp. Trương Xuân bị đuổi về phòng sau khi bị khiển trách.
 
Ông già Kỳ Sanh cũng muốn đuổi ba phụ nữ này đi nhưng ông ta lưỡng lự và vì chính ông ta cũng bị chinh phục bởi sự duyên dáng và quyến rũ của họ, đến nỗi ông thay thế con ông để được bên cạnh họ. Những nữ anh hùng lợi dụng cơ hội làm ông say rượu không biết gì và trói chặt ông ta trong lúc ngủ say.
 
Chính trong trạng thái thê thảm này, mà vợ ông Kỳ Sanh, mệt mỏi chờ đợi ông trong phòng bà, đã khám phá ra ông một mình bị bỏ rơi trói chặt như vậy. Các nữ anh hùng đã chạy xa và chơi ông già độc tài này một vố thành công".
 
Tuồng chấm dứt trong sự hài lòng của khán giả qua sự chiến thắng của đức hạnh trên cái xấu xa và tàn ác, như truyền thống đạo đức(3).
 
Như vậy, ngay từ năm 1930, chất anh hùng đã xuất hiện trong vở diễn trên.
 
* * *
 
Qua từng giai đoạn phát triển, cải lương không phải lúc nào cũng có đầy đủ bốn đặc tính thẩm mỹ trên. Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, cải lương thể hiện chất anh hùng ca chiến đấu; chất hài ít khi xuất hiện. Sau hòa bình thống nhất đất nước, nghệ thuật cải lương lại thiên về diễn tả chất trữ tình và hài hước. Điều đó cho thấy sự thích ứng và linh hoạt tài tình của nghệ thuật cải lương(4). l
----------------------
(1) Tuấn Giang (2006), Nghệ thuật cải lương, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tr.478-482.
(2) Nguyễn Tuấn Khanh (2018), Bước đường của cải lương, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr.121.
(3) Nguyễn Đức Hiệp (2017), Nghệ thuật sân khấu: Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương ở Sài Gòn và Nam kỳ cuối thế kỷ XIX đến 1945, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, tr.85-86.
(4) Tuấn Giang, Sđd, 82.
 
http://baocantho.com.vn
TIN LIÊN QUAN