(TITC) – Trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất (SOM 1), ngày 23/2/2017, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hội thảo “Phát triển bền vững du lịch APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu” đã diễn ra với sự chủ trì của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của khoảng 100 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC và các chuyên gia du lịch, diễn giả của nhiều tổ chức quốc tế uy tín như Hiệp hội Lữ hành và Du lịch thế giới (WTTC), Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế châu Âu (OECD), Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA), Tổ chức Green Key…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, những năm gần đây hợp tác du lịch trong APEC luôn được quan tâm đặc biệt. APEC đang trở thành điểm đến hấp dẫn và thân thiện đối với du khách trong và ngoài khu vực. Năm 2015 khu vực APEC đón được trên 396 triệu lượt khách du lịch, chiếm 33% tổng lượng khách du lịch thế giới; tạo thu nhập trên 598 tỷ USD, chiếm 44,5% thu nhập du lịch toàn cầu, tạo ra 47,9 triệu việc làm trực tiếp. Các Bộ trưởng du lịch APEC đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 800 triệu lượt khách quốc tế đến du lịch trong khu vực APEC.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành du lịch APEC cũng gặp phải không ít thách thức, đặc biệt là thách thức do thiên nhiên mang lại. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch đóng góp 5% lượng khí thải nhà kính từ hoạt động của các phương tiện vận chuyển du lịch và lưu trú. Các chất thải rắn và lỏng từ hoạt động du lịch, kinh doanh lưu trú gây ra ô nhiễm môi trường đất và nước, cạn kiệt dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên…
Mặt khác, du lịch cũng là ngành dễ bị tổn thương, nhạy cảm với sự thay đổi của thiên nhiên. Khí hậu biến đổi, sạt lở đất, nước biển dâng là những nguyên nhân ảnh hưởng tới điểm đến, mùa du lịch và chi phí vận hành. Vì vậy, phát triển du lịch bền vững được xác định là mục tiêu quan trọng của toàn cầu và của các nền kinh tế thành viên trong APEC.
Trên phạm vi toàn cầu, năm 2017 được UNWTO chọn là Năm du lịch bền vững. Theo đó, du lịch bền vững xét theo 3 nhóm tiêu chí gồm: bền vững về môi trường, bền vững về văn hóa – xã hội và bền vững về kinh tế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, hưởng ứng Năm quốc tế về du lịch bền vững 2017 do UNWTO phát động, đồng thời thể hiện sự chủ động của du lịch APEC trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị bàn tròn chính sách cao cấp về phát triển bền vững du lịch APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu, diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào tháng 6/2017.
Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Để chuẩn bị cho hội nghị bàn tròn, tại hội thảo kỹ thuật về du lịch bền vững lần này, các đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, các chuyên gia du lịch, diễn giả của nhiều tổ chức quốc tế uy tín đã cùng nhau thảo luận các nội dung liên quan đến: tính dễ tổn thương của du lịch và biến đổi khí hậu; ảnh hưởng của du lịch đến biến đổi khí hậu và ngược lại; định hướng chính sách về phát triển du lịch APEC bền vững gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu; hướng dẫn sự tham gia và đối thoại giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch biển APEC.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã xem xét đề xuất mục tiêu và nội dung cơ bản của Tuyên bố Hạ Long và Khung hướng dẫn về phát triển bền vững du lịch APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Dự kiến, 2 văn kiện quan trọng này sẽ được các Bộ trưởng du lịch APEC xem xét và thông qua tại Hội nghị bàn chính sách cao cấp về du lịch bền vững và tiếp tục được trình lên Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.
APEC 2017 – Cơ hội vàng của du lịch Việt Nam
APEC 2017 được đánh giá không chỉ là đột phá mang tầm chiến lược với cộng đồng các doanh nghiệp mà còn là cơ hội vàng để giới thiệu về văn hóa, con người và vẻ đẹp Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh, đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Tại APEC 2017 lần này, Việt Nam đã chủ động chuẩn bị về mọi mặt, đặc biệt về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức sự kiện chào đón đại biểu.
Để quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch Việt Nam, ngành du lịch đã thực hiện quảng bá tại chỗ cho các đại biểu tham dự các phiên họp tại Việt Nam. Đặc biệt, tại 10 tỉnh, thành phố tổ chức các sự kiện APEC đều có các điểm cung cấp thông tin, tổ chức các chương trình tham quan miễn phí, tặng quà lưu niệm. Cùng với đó, ngành du lịch cũng xúc tiến các hoạt động tương tác giữa đại biểu với cuộc sống người dân Việt Nam. Như vậy, đây là cơ hội tốt nhất để quảng bá tại chỗ hình ảnh du lịch Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, con người thân thiện, thiên nhiên tươi đẹp, là điểm đến thân thiện, an toàn và văn minh với bạn bè quốc tế.
Thực hiện: Khánh Trang – Tố Linh