Du lịch Giáo Dương
     
Cách thị trấn Phong Điền khoảng 3 km là khu du lịch sinh thái được “khai sinh” từ rất sớm của TP.Cần Thơ, 1990.
Tọa lạc trên diện tích 3 ha, Vườn du lịch sinh thái Giáo Dương lúc bấy giờ thu hút khá nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng và nhất là thưởng thức “trái ngọt cây lành” của đất phù sa Chín Rồng.
Ngày nay, “sức hút” của vườn vẫn còn nhất là vào những dịp lễ, tết, các ngày nghỉ, vườn tấp nập khách vào ra, đông nhất là lứa tuổi học trò.

 

Cách thị trấn Phong Điền khoảng 3 km là khu du lịch sinh thái được “khai sinh” từ rất sớm của TP.Cần Thơ, 1990.

Tọa lạc trên diện tích 3 ha, Vườn du lịch sinh thái Giáo Dương lúc bấy giờ thu hút khá nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng và nhất là thưởng thức “trái ngọt cây lành” của đất phù sa Chín Rồng.

Ngày nay, “sức hút” của vườn vẫn còn nhất là vào những dịp lễ, tết, các ngày nghỉ, vườn tấp nập khách vào ra, đông nhất là lứa tuổi học trò.

Vườn du lịch sinh thái Giáo Dương nằm trong bóng mát của các tàn cây ăn trái lưu niên như: bưởi, mít, xoài, sầu riêng, nhưng nhiều nhất và hấp dẫn nhất vẫn là măng cụt và dâu Hạ Châu. Đặc biệt, dâu Hạ Châu là đặc sản của Phong Điền.

Ảnh: Sưu tầm

Theo một vài tư liệu, “cha đẻ” của dâu Hạ Châu là ông Lê Quang Minh (Ba Minh, ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền). Theo ông Ba Minh, trước giờ người dân đồng bằng nghe nói tới dâu là nghĩ ngay đến vị chua và cái hột của nó, nên thường lắc đầu không mấy thích. Họ chưa biết dâu Hạ Châu có đặc điểm vượt trội là khi chín thì vỏ và ruột có màu trắng ngà đẹp mắt, vị ngọt thanh, thơm, trông rất giống trái bòn bon. Chính vì những ưu điểm này mà khi cam bị vàng lá gân xanh (năm 1980), ông Ba Minh đã nghe lời thân phụ là ông Lê Quang Dực tuyển lựa và kiểm soát được giống dâu bằng cách ghép cành để tạo ra một giống dâu mới có nhiều ưu điểm. Ông còn mày mò tra cứu sách kỹ thuật ghép cây của Pháp và đã tìm ra được cách ghép đọt dâu đực lên thân dâu cái. Nhờ kỹ thuật ghép đọt thành công, vị ngọt của trái dâu tăng lên rất nhiều.

Ông Ba Minh bèn đặt tên dâu là Hạ Châu – Hạ Châu có nghĩa là miền dưới. Ông Ba Minh tiết lộ: “Cái lạ của dâu Hạ Châu là khi trái đã chín đài hoa vẫn còn bám chặt…”. Thì ra cái độc đáo của dâu Hạ Châu không chỉ màu sắc, tỷ lệ giữa cây đực và cây cái được trồng là 100 cây dâu cái xen 10 cây dâu đực. Cây dâu đực được bố trí xen kẽ đều trong vườn thì tỷ lệ đậu trái sẽ cao.

Dâu Hạ Châu trong vườn Giáo Dương vào mùa trái chín rất được khách tham quan tán thưởng. Đi dọc giữa hai hàng cây vàng ươm những trái dâu chín, vói tay hái một trái cho vô miệng thưởng thức vị ngọt pha chút chua dễ chịu, ai chẳng ưa! Và người ta càng thích hơn khi đến đây, điềm nhiên tự tại tại một trong 20 tum của vườn thưởng thức những con cá, con tôm đậm đà vị ngọt sông nước phù sa. Trong số các loại cá được khách du lịch khen ngợi, đặc biệt khách Tây ưa thích nhất là cá tai tượng chiên xù. Dĩa cá dọn ra bàn trong tiếng vỗ tay hoan hô của những vị khách đến từ lục địa châu Âu. Nếu có yêu cầu, khách sẽ được vườn cung cấp cần câu cùng mồi câu, thư thả buông cần. Cá câu được, đa số là tai tượng, chép, điêu hồng, sẽ được nhà bếp pha chế theo yêu cầu của khách, bằng không thì mang về nhà làm quà cho người thân.

Đến với Vườn du lịch sinh thái Giáo Dương, khách còn đến với những sinh vật được nuôi trong những chiếc lồng xinh xắn. Nào trăn, khỉ, nhím, cá sấu, kỳ nhông. Đặc biệt bạn sẽ thú vị khi được tự tay bơi chiếc xuồng ba lá dài theo các kênh mương trong vườn rợp bóng cây xanh. Đến đây, nếu có nhu cầu nghỉ đêm tại một trong 8 phòng trọ của vườn, bạn sẽ thư thái lắng nghe cây trái xạc xào trong ngọn gió thanh vắng đồng bằng êm ả.

Nguồn: Theo Báo Hậu Giang

TIN LIÊN QUAN