Đưa sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch không chỉ góp phần tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm Việt mà còn tạo nhiều trải nghiệm đậm bản sắc văn hóa địa phương ở các khu, điểm du lịch. Tại Cần Thơ, các mô hình đưa sản phẩm OCOP vào du lịch đang được triển khai và bước đầu có những tín hiệu tốt.
Du khách quốc tế thưởng thức trà thảo dược tại điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP tại Làng du lịch Mỹ Khánh.
Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm dựa vào nội lực, trí tuệ, sáng tạo, nguồn lực, nguồn nguyên liệu và đặc trưng văn hóa tại địa phương. Tại Việt Nam hiện có hơn 10.000 sản phẩm OCOP và nhiều trung tâm OCOP đang được hình thành tại địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP. Riêng tại TP Cần Thơ, tính đến nay có khoảng 148 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao của 74 chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh). Sản phẩm OCOP Cần Thơ đa dạng từ rau sạch, trái cây, thực phẩm chế biến từ nông sản, sản phẩm trà từ thực vật, gia vị, yến, đông trùng hạ thảo... đến các dịch vụ du lịch cộng đồng. Trong đó, Làng du lịch Mỹ Khánh được công nhận là sản phẩm OCOP du lịch 4 sao đầu tiên tại ÐBSCL.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh, cho biết: “Tại Làng du lịch Mỹ Khánh có một điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với làng nghề. Tại đây hiện có khoảng 40 sản phẩm OCOP của Cần Thơ và ĐBSCL được giới thiệu đến du khách. Trong những dịp lễ hay cuối tuần, du khách có thể trải nghiệm làm một số sản phẩm OCOP, như bánh kẹp tổ ong, thưởng thức các loại trà thảo mộc”. Trong khi đó, tại Hợp tác xã (HTX) Du lịch nông nghiệp cồn Sơn cũng có điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP. Bà Lê Thị Bé Bảy, quản lý điểm giới thiệu sản phẩm OCOP tại HTX Du lịch nông nghiệp cồn Sơn, cho biết: “Điểm trưng bày, giới thiệu OCOP đặt tại gian nhà chung của HTX đã đi vào hoạt động khoảng 2 năm. Mục tiêu của chúng tôi là trên cơ sở xây dựng nền tảng du lịch nông nghiệp sẽ tìm đầu ra cho nông sản địa phương, đặc biệt là những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nguyên liệu bản địa. Tính đến nay sản phẩm đã tăng gấp đôi với khoảng 15 sản phẩm được trưng bày, giới thiệu, trong đó có 9 sản phẩm của TP Cần Thơ. Nhiều sản phẩm có sức mua ổn định như trà mãng cầu Long Giang hay các sản phẩm từ dược liệu, chăm sóc sức khỏe”.
Thực tế, dù cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP nhưng các điểm tập trung sản phẩm OCOP và điểm phục vụ khách du lịch chưa thực sự phổ biến. Tại Cần Thơ, các điểm phục vụ khách du lịch có sản phẩm OCOP chỉ khoảng gần 10 điểm, và được biết đến nhiều có Làng du lịch Mỹ Khánh (huyện Phong Điền), HTX Du lịch nông nghiệp cồn Sơn (quận Bình Thủy), Điểm trưng bày, bán sản phẩm tại Cơ sở hủ tiếu Nhà Bè (trên chợ nổi Cái Răng, quận Cái Răng)… Trong đó, có số ít hộ kinh doanh là điểm vườn như: cơ sở mắm cá tra Út Anh (quận Thốt Nốt), vườn ổi Cô Điệp (quận Thốt Nốt). Ông Chương Văn Khanh, chủ cơ sở mắm cá tra Út Anh, cho biết: “Ở đây có gần chục sản phẩm từ cá: mắm, khô một nắng cá tra, khô cá tra… Đến đây khách tham quan các quy trình làm khô, thưởng thức các loại sản phẩm, trong đó sản phẩm khô cá tra, cá tra một nắng rất được du khách ưa chuộng”. Còn bà Lê Hồng Ðiệp, chủ vườn ổi cô Ðiệp, nói: “Nhà tôi có vườn ổi đón khách tham quan, bên cạnh ổi hái tại vườn thì cũng có đặc sản là nước ổi lên men đã được công nhận OCOP. Tôi làm sản phẩm liên tục nhưng không đủ bán. Sắp tới tôi còn định hướng làm trà lá ổi”.
TP Cần Thơ đang hướng đến việc kết hợp Chương trình OCOP với tham quan du lịch, các mô hình du lịch sinh thái; từ đó góp phần giới thiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP và tăng chi tiêu của khách du lịch. Theo đó, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND về triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, trong đó xác định “đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP và các giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, thế mạnh của từng địa phương; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới”. Cụ thể, Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch... Ðể đạt mục tiêu, Cần Thơ sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt gắn với bản sắc của thành phố, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn chất lượng cao; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững… Trong đó, quan tâm khai thác du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP.
Đưa sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch là một trong những giải pháp tạo đầu ra cho nông sản, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, sự kết hợp này đang cần cơ chế vận hành, kết nối thị trường… Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh, cho biết: “Không phải sản phẩm nào cũng có thể trải nghiệm được, thêm vào đó một số sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn, nên khó có thị trường ổn định. Đa phần sản phẩm OCOP thuộc về hộ kinh doanh và họ cũng chưa có chiến lược quảng bá mạnh, nên cũng khó để kết nối”. Do đó, để đưa sản phẩm OCOP vào các hoạt động du lịch, các địa phương cần quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp đón khách du lịch, tập hợp đa dạng sản phẩm OCOP tại điểm du lịch; đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp, vận hành tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bền vững.
Bài, ảnh: ÁI LAM
Nguồn: baocantho.com.vn