Gánh hát Tiều xưa ở Cần Thơ
     
Trước khi nói về Đội nhạc “tùa lò cấu” và gánh hát Tiều ở Cần Thơ, xin sơ nét về nguồn gốc các loại hình nghệ thuật này ở Trung Quốc.

Theo nhiều tài liệu khảo cổ học, Trung Quốc có truyền thống âm nhạc lâu đời. Thi kinh, một tuyển tập các bài hát từ thế kỷ XI đến VII (TCN) đã cho biết đến 29 loại nhạc khí thuộc bộ kích phát (chiêng, trống, khánh, ...), bộ gió (sáo, địch, tiêu, ...), và bộ dây (các loại đàn). Trong dân gian, nhạc là yếu tố rất quan trọng trong nghi lễ, người Trung Quốc cổ đại cho rằng âm nhạc là công cụ giao tiếp giữa con cháu với tổ tiên.

Trong cung đình Trung Quốc, Nhã nhạc rất phát triển. Chức năng đầu tiên, quan trọng nhất của Nhã nhạc là lễ nhạc và nhạc nghi thức thể hiện mối quan hệ rường mối giữa vương quyền của vua với trời đất, thể hiện nhận thức của con người về vũ trụ, về thế giới.

Triều đình phong kiến Trung Quốc đầu tiên là nhà Thương (khoảng năm 1176 - 1154 TCN) đã có âm nhạc, đặc biệt là bộ chuông đồng và bộ khánh đá. Nhưng đó chưa phải là nhã nhạc mà chỉ là âm nhạc dùng trong cung đình.
Sang đời nhà Chu (khoảng năm 1122 - 771 TCN), vào năm 1058 TCN thành lập Bộ Lễ nhạc với mục đích cai trị, “giáo hóa” nhân dân và điển chế hóa âm nhạc cung đình. Từ đó hệ thống lễ nhạc của nhà Chu trở thành khuôn mẫu lễ nhạc cung đình Trung Hoa và gọi là Nhã nhạc nhằm phân biệt với Tục nhạc của nhân dân.

Âm nhạc phát triển sớm, nên nghệ thuật biểu diễn cũng sớm ra đời. Nghệ thuật sân khấu cổ truyền của Trung Quốc gọi là hí hay kịch, hay hí kịch. Thuật ngữ này bao trùm cả kịch, trò vui, nhào lộn (tạp kỹ), hát, nói, âm nhạc, diễn câm, v.v... Trước đời Đường, hai nguồn gốc lớn của hí kịch là bài ưu diễn xuất (biểu diễn trò khôi hài và tạp kỹ) và ca vũ diễn xuất (biểu diễn ca và múa). Bài ưu gốc là nghệ thuật cung đình, nhân vật diễn trò gọi là “ưu”.

Cho đến đời Đường, bài ưu phát triển thành Tham quân hí (cũng gọi là Lộng tham quân) với hai vai: một người mặc y phục xanh lục tề chỉnh, thông minh tài trí, tên vai diễn gọi là tham quân; một người ăn mặc lôi thôi, khờ khạo đần độn, tên vai diễn gọi là thương cốt. Hai nhân vật này đối đáp khôi hài trào lộng.

Đến đời Tống, tham quân hí diễn biến thành tạp kịch. Đời Nam Tống, Ôn Châu là nơi nổi danh về hí kịch, ca múa, cho nên sản sinh ra thể loại Nam hí (hí kịch Nam Tống). Tạp kịch tiếp tục phát triển đến đời Nguyên và trở nên thịnh hành từ thế kỷ XIII-XIV.

Cuối đời Nguyên, Nam hí phát triển thành Truyền kỳ. Sau đó, Truyền kỳ phát triển thành Khúc hát Côn sơn (Côn khúc), thịnh hành dưới đời nhà Minh. Sang đời Thanh, Côn khúc suy yếu, các loại kịch địa phương nở rộ và được gọi theo tên địa phương: Huy kịch (An Huy), Xuyên Kịch (Tứ Xuyên), Triều kịch (Hí kịch Triều Châu)... Trong đó, Huy kịch được các hoàng đế nhà Thanh ưa chuộng, phổ biến thành Kinh kịch cho đến ngày nay.

Đầu thế kỷ XX, nhiều đoàn hí kịch Triều Châu từ Trung Quốc đến lưu diễn ở Nam bộ. Các đoàn hát này mang tên: Lão Ngọc Xuân Nương, Lão Bửu Mai Xuân, Lão Mai Chánh… Tuy nhiên, người Nam bộ gọi nôm na đó là “gánh hát Tiều” phía sau có thêm “thùng đỏ”, “thùng đen” hay “thùng xanh” để phân biệt vì các gánh này sử dụng các thùng sơn các màu trên để đựng y trang, đạo cụ.

Các gánh hát Tiều từ Nam Trung Quốc thường sang Chợ lớn (TP. Hồ Chí Minh) lưu diễn, sau đó, chuyển xuống những nơi có đông người Hoa như Mỹ Tho (Tiền Giang), Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hà Tiên (Kiên Giang)…diễn tại các chùa, miễu.

Gánh hát Tiều từ Trung Quốc sang được trang bị rất đơn sơ về cảnh trí, trang phục, đạo cụ… Các tuồng tích lấy từ trong các truyện Tàu: Tiết Nhơn Quí, Tiết Đinh San, Mộc Quế Anh, Mạnh Lệ Quân, Triệu Ngũ Nương… Diễn viên của gánh là các nam thiếu niên từ 7-16 tuổi, được các bầu gánh “mua đứt” từ các nhà nghèo ở nông thôn Trung Quốc. Phương thức đào tạo theo lối truyền nghề: Một thầy dạy cho nhiều trò, nhiều vai. Khi quá tuổi 17-18, bị “bể giọng”, các diễn viên sẽ bị loại ra khỏi gánh theo một nội quy rất khắt khe.

Nhiều diễn viên bị sa thải ra khỏi gánh đã ở lại Việt Nam làm ăn, sinh sống. Trong số đó có người thành lập lại gánh hát Tiều ở Nam bộ. Tại Chợ Lớn, có ông Dương Tỷ thuở nhỏ bị gia đình bán cho gánh hát Tiều trong 8 năm. Đến năm 17 tuổi, trong một lần lưu diễn ở Chợ Lớn, ông bị sa thải. Không có đủ tiền về Trung Quốc, ông đành ở lại đây đi hát và làm nhiều nghề để sinh sống. Sau đó, ông thành lập gánh Lão Bửu Mai Xuân (thùng đen), tiền thân của Đoàn nghệ thuật Thống Nhất - Triều Châu sau này.

Tại Cần Thơ, có ông Vương Thiệu (Năm Tiệm) cũng là diễn viên gánh hát Tiều từ Trung Quốc sang ở lại lập nghiệp thành công tại chợ Thốt Nốt. Ông làm chủ hãng xe đò Vạn Phước Nguyên, Công xi rượu nếp Phước Hiệp, tiệm tạp hoá Vĩnh An Đường và khoảng 6.000 công ruộng. Năm 1916, ông Vương Thiệu cùng con trai là Vương Có bỏ tiền ra thành lập gánh hát Tập Ích Ban, ban đầu diễn theo lối hát Tiều.

Ban nhạc trong gánh hát Tiều chia thành 2 đội: Đội “tùa lò cấu” (trống, thanh la) được bố trí phía bên trái từ dưới sân khấu nhìn lên. Đội này có nhiệm vụ đánh nhạc sôi động để mở màn, làm sạch sân khấu, đuổi “tà ma” hoặc đánh trong các đoạn vở diễn có cảnh rượt đuổi; để chuyển cảnh mới, màn mới. Đội “hí” gồm các nhạc cụ thuộc bộ dây, được bố trí phía bên phải từ dưới sân khấu nhìn lên. Đây là dàn nhạc chính, đánh các bài bản theo vai diễn trên sân khấu.

Từ năm 1945-1960, các gánh hát Tiều ở Nam bộ suy yếu dần và tan rã do không cạnh tranh được với các loại hình nghệ thuật khác: cải lương, hát bội, Hồ Quảng… Từ năm 1960, những người Hoa gốc Triều Châu tập hợp các nghệ sỹ hát Tiều rã gánh, những người yêu thích nghệ thuật truyền thống Trung Quốc thành lập ra các “nhạc xã” (một tổ chức văn nghệ nghiệp dư). Ở Chợ Lớn có các nhạc xã: Đông Phương, Ỷ Vân, Tân Nghệ…

Ở Cần Thơ, người Hoa không thành lập nhạc xã mà thành lập hội chung của người gốc Triều Châu. Ban đầu hội lấy tên là Thiên Hoà hỗ trợ xã Phong Dinh, đến năm 1976 đổi thành Thiên Hoà hỗ trợ xã Hậu Giang.

Năm 1960, ông Thái La Thành (Lò Sé) đứng ra thành lập đội nhạc “tùa lò cấu” ở Thiên Hoà miếu (phường An Lạc, quận Ninh Kiều) . Ông cũng là người tổ chức việc truyền dạy các loại nhạc cụ cổ truyền. Đội nhạc thu hút các diễn viên hát Tiều rã gánh, bà con người Hoa yêu thích nghệ thuật truyền thống ở chợ Cần Thơ tham gia. Tại Thiên Hoà miếu, các buổi tối, đội nhạc đều tổ chức biểu diễn hoà tấu nhạc Tiều hoặc một số trích đoạn tuồng tích của gánh hát Tiều thu hút rất đông bà con người Hoa đến xem.

Ngoài việc phục vụ tại chỗ, do yêu cầu của bà con, Đội nhạc tuyển chọn một số loại nhạc cụ gọn nhẹ đi biểu diễn lưu động. Đội nhạc chuyên phục vụ: Tết Nguyên tiêu, lễ Vu lan, khai quan (khánh thành) các chùa, miễu và đám tang cho đồng bào người Hoa-Triều Châu ở Cần Thơ và một số tỉnh trong khu vực.
 
Vở tuồng Cáo thân phu của Ban văn nghệ nghiệp dư Triều Châu
Ảnh: Ngọc Anh
 
Đội “tùa lò cấu” ở Thiên Hoà miếu ngày càng phát triển. Đến năm 1974, ông Hồng Thư Lương, một người Tiều giỏi nghệ thuật truyền thống Triều Châu từ Campuchia về Thiên Hoà miếu phát triển lên thành đoàn nghệ thuật Triều Châu. Ông Hồng Thư Lương tập hợp thêm diễn viên, nhạc công; truyền dạy âm nhạc, diễn xuất… Ông Lưu Tập Phong thay mặt Hội người Hoa đứng ra vận động đóng góp mua sắm thêm y trang, đạo cụ, cảnh trí, sân khấu… Đoàn nghệ thuật Triều Châu được thành lập với tên gọi: Ban văn nghệ nghiệp dư Triều Châu – Phong Dinh (đến năm 1976 đổi thành Ban văn nghệ nghiệp dư Triều Châu tỉnh Hậu Giang) do ông Vương Bách Kiên làm trưởng đoàn. 

Mang tên: “Ban văn nghệ nghiệp dư ” nhưng đây là “đại ban”. Sân khấu của đoàn khi dựng phải mất 2 ngày. Đoàn có khoảng 50 người, bao gồm 15 nhạc công, 20 diễn viên và 15 nhân viên. Trang phục, đạo cụ chứa trong các thùng màu đỏ (hí làn). Các vở tuồng của Đoàn: Tô Lục Nương, Cáo thân phu (Kiện chồng), Bích ngọc trâm, Văn võ hương kiều, Nhất môn tam tiến sỹ. Đoàn thường diễn ở rạp Minh Châu (Phan Đình Phùng, Cần Thơ), Huỳnh Cẩm Vân (Trần Hưng Đạo, Cần Thơ), rạp Mỹ Thanh (Vị Thanh, Hậu Giang) và giao lưu với đoàn Đông Phương ở Chợ Lớn. Các đêm diễn của đoàn thu hút hàng ngàn người Hoa từ các tỉnh trong khu vực đến xem. Diễn viên nào diễn hay trên sân khấu được các ông chủ người Hoa lì-xì tiền đựng trong các túi đỏ.
 
Vở tuồng Văn võ Hương kiều của Ban văn nghệ nghiệp dư Triều Châu
Ảnh: Ngọc Anh
 
 
Năm 1978, nhiều diễn viên của Ban văn nghệ nghiệp dư Triều Châu tỉnh Hậu Giang đi định cư ở nước ngoài, đoàn tan rã. Hiện nay chỉ còn 2 diễn viên và một nhạc công sinh sống tại TP.Cần Thơ: Quách Mộc Liên (Trường bổ túc Hoa ngữ Cần Thơ), Vương Huệ Quyên – Xuân Quyên (tiệm đồ nhựa đường Nguyễn An Ninh), Kiều Kim Phụng (tiệm điện Cẩm Hưng, Phan Bội Châu) và ông Thái Thuận Phương (Bình) hiện là đội trưởng đội nhạc “tùa lò cấu”. Y trang, đạo cụ, cảnh trí… của đoàn hiện còn lưu giữ tại Thiên Hoà miếu, phường An Lạc, quận Ninh Kiều TP.Cần Thơ.

Sau khi Ban văn nghệ nghiệp dư Triều Châu tan rã, đội nhạc “tùa lò cấu” ở Thiên Hoà miếu vẫn tiếp tục phục vụ các ngày lễ, tết, đám tang… của đồng bào người Hoa-Triều Châu cho đến nay.

Hiện nay nhạc “tùa lò cấu” và hát Tiều đang có nguy cơ mai một, thất truyền vì thiếu đội ngũ kế tục. Trải qua hàng trăm năm cộng cư, văn hoá – nghệ thuật của người Hoa-Triều Châu đã làm phong phú, đa dạng thêm cho văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cần sớm có biện pháp bảo tồn, phát huy, trước khi quá muộn./.
 
Thái Ngọc Anh

Tài liệu tham khảo:
1.PGS.TS.Phan An (2005), Người Hoa ở Nam bộ, Nxb Khoa học xã hội.
2. Nguyễn Hồng Dương-Phùng Đạt Văn (2009), Tín ngưỡng tôn giáo và xã hội dân gian, Nxb Tự điển bách khoa.
3. Hội đồng khoa học xã hội TP.HCM (1998), Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, TIII: nghệ thuật, Nxb TP.HCM.
4. GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh, Đôi điều cần biết thêm về Nhã nhạc, tham luận trong Tọa đàm dành cho báo chí truyền thông về Nhã nhạc cung đình Huế tổ chức tại TP.Huế, ngày 07/8/2012.


 
TIN LIÊN QUAN