“ Du lịch là tìm sự mát mẻ cho những tâm hồn nóng bức,
tìm sự lạc quan cho những tâm hồn vừa chớm bi quan” (*)
1. Thế giới có quá nhiều điểm đến thần tiên, vậy làm sao du khách biết xứ mình? Ngô Hồ Anh Khôi (Philippe Ngo), người Cần Thơ lấy bằng tiến sĩ ngành trí tuệ nhân tạo ở Lyon, Pháp trở về, âm thầm làm bộ dữ liệu (Big Data) với khát vọng hỗ trợ du khách.
TS Khôi có những bộ sưu tập "kỳ bí" và bất ngờ, từ những bộ sưu tập gốm sứ Nam bộ tới Tarot được UNESCO công nhận là bảo tàng duy nhất ở châu Á và là 1 trong 6 bảo tàng được vinh danh trên toàn cầu (Vietnamese Museum of Tarot and Occult). Bảo tàng Tarot và Occult chỉ là khởi đầu, mong muốn của TS Khôi là 5 bảo tàng chuyên đề, không chỉ là nơi lưu giữ ký ức mà còn là nơi thu hút du khách. Từ đây, TS Khôi xây dựng dữ liệu kết nối với điện toán đám mây, hiện nay đã hoàn thành danh mục những món ngon, đường đi, điểm đến, câu chuyện và hiện vật …
Công nghệ số và những cuộc tìm kiếm cổ vật hết sức kỳ công giúp TS Khôi có một “kho báu” cùng lời giải mã uyên thâm về lịch sử hiện vật. Với cách xây dựng dữ liệu kỳ công và nghiêm túc, anh thu hút du khách từ nhiều nền văn hóa khác, những người có khả năng đưa ra lời giải qua những hiện vật cổ xưa và những bộ não hiếu kỳ.
Cần Thơ có nhiều người am hiểu cổ vật, những nhà sưu tập hiếm có, nhưng hầu hết kiến thức và cổ vật bị trùm chăn. Riêng TS Khôi ao ước có cơ hội trình làng và chia sẻ ngôn sứ từ cổ vật.
Cách đây 4 năm, một người Việt xa xứ về Cần Thơ, đã từng ao ước không gian khoáng đạt cho những ý tưởng du lịch gắn với “ đám mây”.
Cuối cùng, tôi cũng tìm được Antoine Tran dù không nhận được tín hiệu nào từ trụ sở của ông : INSAP- ReciBase - 76 rue de la Pompe, Paris, nước Pháp.
Có thể thông cảm với ông tiến sĩ kinh tế vốn rất đa đoan công việc nhưng cần phải gợi lại câu chuyện Big Data và mục tiêu nối kết du lịch giữa TP Cần Thơ với kinh đô ánh sáng ( không phải thắp sáng đèn đường mà là nơi phát sáng trí tuệ nhân tạo).
“ Tôi hết sức bất ngờ và xúc động vì có người thấu hiểu một trong những điểm cốt lõi mà tôi muốn được gởi gắm đến anh chị em ở quê nhà nhân chuyến đi dài vào năm 2014 ấy. Xúc động vì bạn bè bên nhà ngày ngày lăn lộn, xoay trở với công việc bộn bề mà vẫn còn nhớ đến tôi”- Antoine Tran nói.
“Chỉ vì khó đọc tên Tuấn nên “ chàng trai nước Việt” đổi thành Antoine cho dễ đọc; Và đúng như vậy, tên mới dễ đọc hơn nhiều”, Antoine Tran nói.
Ở Việt Nam, người ta sẽ gọi ông Tuấn là “ bạn già”. Nhưng khi nghe ông nói : Tôi vẫn khỏe, chơi thể thao thường xuyên, vẫn sống đam mê, hăng say học tập, nghiên cứu, làm việc miệt mài ; không ngừng sửa chữa, đổi mới bản thân cho đừng quá tụt hậu so với thế kỷ 21 tuyệt diệu mà chúng ta đang có may mắn được sống… Vẫn là con người mặn với nợ nước, tình quê, ông Tuấn vẫn trẻ trung, “ máu me nhiệt huyết”.
“ Tôi nghe nói ở bên nhà, công nghệ 4.0 được nhắc tới hàng ngày. Biết đâu mọi người suy nghĩ nhiều hơn về kết nối vạn vật, điện toán đám mây… 4 năm trước chưa hình dung thì nay đã rành rẽ”, ông Tuấn từng gợi ý Cần Thơ xây dựng không gian đô thị sinh thái làm khu nghỉ dưỡng, nhiều nông trại làm điểm đến đón du khách. Mai kia mốt nọ, sử dụng công nghệ điện toán đám mây làm đường dẫn những người cao tuổi muốn tránh mùa đông băng giá ở Châu Âu về đây hưởng cái ấm áp nhiệt đới, bằng cả hai cách : thực và ảo để nhiều người trên thế giới chọn những điểm đến tại Cần Thơ thay vì đi xứ khác.
2.Benoit Perdu, chàng rễ người Pháp có vợ Hải Phòng, ( tên thường gọi là Ben) cuối cùng đưa vợ con về Cần Thơ, tạo khung trời riêng cho du lịch nối kết Đông – Tây. Những người Pháp, thường đi theo tour TransMékong của Ben thích lênh đênh cùng con tàu Bassac theo dòng sông mẹ qua các nước Đông Dương.
Tên gọi Đông dương xuất hiện lần đầu tiên trên báo chí thời thuộc địa do Conrad Malte Bruun (1775-1826) viết trong bộ sách Địa lý toán học, hình thể và chính trị của các nơi trên thế giới, xuất bản năm 1804. Bốn năm sau, tên gọi Indo-Chine lại xuất hiện trong một bài báo của John Leyden (1775-1811) trên tạp chí Nghiên cứu châu Á của Hội châu Á vùng Bengal, xuất bản tại Calcutta năm 1808. Cách diễn đạt của nhà địa lý học người Đan Mạch-Pháp Conrad Malte-Brun trong "PRECIS de la Géographie Universelle" bao hàm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Sri Lanka. Sau này, chính phủ thuộc địa định vị Việt Nam, Lào, Cambodia.
Cách làm của Ben là mở rộng vùng trời cho những giao dịch Việt – Pháp, chú trọng sự tinh tế, không ồn ào, đôi khi tách khỏi những khung cảnh nhân tạo sống sượng can thiệp vào thiên nhiên, tách khỏi những cuồng nhiệt, “son phấn” của những điểm đến nhậu nhẹt, chè chén để đi vào chiều sâu, thấm đậm văn hóa vùng sông nước. Trên con tàu Bassac, Ben đưa du khách trải nghiệm sự trôi chảy mượt mà của tự nhiên và sự tinh tế vịnh cảnh sinh tình của từng du khách.
Có nhiều thay đổi trong cái nhìn của những du khách phương xa, ít được biết đến, bên cạnh cách nghĩ truyền thống ( Du khách lũ lượt từng đoàn, vui thú, mua sắm í xèo, tranh nhau ăn uống…là thước đo thành công).
Chủ nhân CôBa Home, một điểm đến nhẹ nhàng ở đường Phạm Ngũ Lão, quận Ninh Kiều, kể lại: Hôm trước, mưa nhỏ giọt ngoài hiên xuống tấm tol, sáng dậy một vị khách luống tuổi nói hôm nay không thể đi đâu được vì hôm qua mất ngủ. Chủ nhân CôBa Home nghĩ ra cách mời vị khách về quê, hôm ấy trong họ tộc có đám giỗ. Vị khách đồng ý và tour dành cho khách quý hôm đó là tour đám giỗ. Tiếp xúc với cộng đồng thân thiện, gần gũi và biết được tập tục, truyền thống, được giao tiếp và thưởng thức món ăn cùng những câu chuyện xưa, chuyện nay. Vị khách ấy nói lần đầu tiên trong đời được hưởng tour đặc biệt như vậy.
Du lịch sinh thái gắn với cộng đồng có cách tiếp cận khác, nhẹ nhàng, trìu mến và dung dị hơn, tiền đề cho những quyết định kỳ nghỉ dài ngày hơn, để tận hưởng thời gian an nhiên, không gian hồn hậu của một nơi đáng sống. Nơi đó là đâu?
“ Nơi đó là đây” và họ đã dò tìm trên mạng Internet, tìm trong đám mây để đến CôBa Home.
3. Bác sĩ Lễ đang điều hành khu du lịch Giàn Gừa, huyện Phong Điền, nói rằng ý muốn biến nơi đây thành nơi nghỉ dưỡng, kéo theo biết bao công việc và ít nhất đã đầu tư 100 tỷ đồng để mai mốt có loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm những bữa ăn với rau trái an toàn, để nơi đây thành điểm đến thân thiện bên cạnh khu Giàn Gừa linh thiêng.
“Từ đây đến chợ Nổi rất gần”, trong cách nói của bác sĩ Lễ hiện lên ý tưởng liên kết những điểm đến. Trong đó, chợ nổi là điểm nhấn vùng sông nước.
Hồi trước, khi chuẩn bị vận hành Metro Hưng Lợi, ông tổng giám đốc đầu tiên của Metro đưa con đến Chợ nổi và giải thích với con rằng nơi đây lưu giữ hình ảnh hàng trăm năm của phương thức mua bán thương hồ, sinh hoạt cổ xưa của vùng wetland, hạ lưu sông Mekong.
Không chỉ đơn giản là chợ nổi và không chỉ có chợ nổi Cái Răng, đồng bằng sông nước này có chợ nổi Cái Bè, Phong Điền, Ngã Bảy, Ngã Năm…Đâu có ai nghĩ rằng ngay cả người Thái Lan cũng phải thừa nhận: Giá trị lớn nhất ở đây là sinh hoạt hồn nhiên, không kịch bản, không hào nhóang, vẻ vời”;
Điểm khác biệt, độc đáo là vậy, nhưng dần dần hình ảnh cổ xưa đó, điểm đến hồn hậu đó bắt đầu thưa khách. Không ai chịu khó phân tích vì sao lại như vậy!
Có 35,8% khách trong nước và 60% khách nước ngoài đến đây với mục đích chính là tìm hiểu về chợ nổi. Tính đặc thù sông nước tạo sức hấp dẫn với 46,7% khách trong nước, 59,2% khách nước ngoài; cảnh quan độc đáo mua bán trên sông còn hấp dẫn du khách hơn nữa. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của hàng hóa tại chợ nổi đối với du khách lại thấp, với khách nội địa chỉ 35%; khách quốc tế 5%.
Có những con số được lưu giữ từ đám mây: Dăm năm trước, ghe thuyền buôn bán hằng ngày ở chợ nổi có khoảng 500 chiếc, bây giờ đã giảm hơn phân nửa, chỉ còn 200 – 250 chiếc. Dịp lễ, tết chợ họp đông mới có 300 - 400 ghe thuyền lớn nhỏ.
Khảo sát của Viện Kinh tế-Xã hội thành phố Cần Thơ cho thấy chợ nổi có 38 bè nổi đậu sát bờ; khoảng 150 chiếc thuyền lớn neo đậu cố định; 100 chiếc thuyền đi lại. Về tải trọng, loại lớn 15-30 tấn có khoảng 70 chiếc, loại vừa 4 đến 15 tấn khoảng 80 - 100 chiếc, còn lại nhỏ hơn. Sự đa dạng của hàng hoá tại chợ nổi cũng giảm so với trước…
Hiện nay, nông sản mua bán tại chợ nổi Cái Răng chiếm 86,7% tổng lượng hàng hóa. Khi sự hấp dẫn giao thương nông sản giảm, sẽ lu mờ lý do tồn tại và dễ mất nguồn lực nuôi sống chợ nổi, theo Viện kinh tế.
Trong nhiều cách nhận định, chợ nổi là tự phát, nhưng có ai hiểu rằng khi đường bộ còn nhiều hạn chế thì dân thương hồ đã khai thách thủy lộ tạo dòng chảy hàng hóa từ chợ nổi về vùng sâu, vùng xa từ hàng trăm năm qua. Chợ nổi là điểm nhấn giao dịch thương hồ, gắn với những đầu mối vận chuyển, phân phối theo những tuyến thủy lộ huyết mạch; Từ xa xưa còn là lối an toàn giữa những vùng tranh chấp. Kinh tế “ đường bộ” thay đổi đã khiến cấu trúc thương hồ bị biến dạng, tới khi người ta đặt chợ nổi vào “ma trận” để đạt thịnh vượng thì hệ sinh thái thương hồ, hệ thống logistics trên thủy lộ vẫn trơ trọi và ý tưởng về một ngành công nghiệp không khói còn mờ nhạt.
Phải mất thời gian khá dài, dân thương hồ vẫn thấy được lợi thế từ du lịch theo triết lý.
“ Du lịch là tìm sự mát mẻ cho những tâm hồn nóng bức,
tìm sự lạc quan cho những tâm hồn vừa chớm bi quan”
Đến khi chợt ngộ ra việc cần làm thì nào phải bơm tiền vô, phải soạn kịch bản, phải dàn dựng lại, phải son phấn một chút như chợ nổi Damnoen Saduak. Chợ nổi cần hệ sinh thái thương hồ, nhìn lại tác nhân chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị làm thay đổi sinh kế và nhìn nhận sự đòi hỏi không phải một sớm, một chiều dân thương hồ có thể đáp ứng được.
Trong một cuộc Khảo sát nhu cầu hỗ trợ việc duy trì mua bán của thương hồ: 67,5% cần vốn để sửa chữa nâng cấp ghe thuyền, phát triển tiện nghi sinh hoạt trên sông và bảo hiểm y tế. Có một ý liên quan tới con người thực nghiệp là hỗ trợ học ngoại ngữ, kiến thức về du lịch. Tuy hai lĩnh vực này chỉ có 16,7% và 10,8%, nhưng nếu so với mặt bằng học vấn trường lớp thì dân thương hồ chỉ có 0,8% trên lớp 12, sự chọn lựa đó là dấu mốc tiến hóa đáng khích lệ.
Ở các điểm du lịch tại Cambodia, các bạn trẻ thông thạo ngoại ngữ nói rằng nhiều người trong số họ học hết lớp 12 liền chuyển sang học ngoại ngữ và tìm việc ở các điểm đón du khách. Trao đổi văn hóa trong môi trường giao tiếp giúp họ tiến rất nhanh. Và giờ đây mọi giao dịch đầu tiên từ đám mây.
Một ngày cuối năm, có một lớp học liên kết giữa Trung tâm phát triển Du lịch Cần Thơ và Trung Tâm Khuyến nông. Giữa những bề bộn tái cấu trúc, sắp xếp lại ngành nông nghiệp, người ta vẫn bàn thảo về hướng hỗ trợ nhà nông làm du lịch. Một cách tiếp cận mới để cải thiện sinh kế cho cư dân nông thôn.
Những giá trị được tạo dựng lâu nay: Những vườn cây thực hành nông nghiệp tốt, những gian bếp chỉn chu tới mức khách nước ngoài có thể vào bếp cùng làm, những ruộng rẫy có thể khiến du khách quẳng ba lô xuống và bắt đầu những ngày làm nông dân, những bữa ăn với rau lành, trái sạch và những cuộc trò chuyện gần gũi, thân thiện, tiếp đón như người thân ở xa mới về. Rồi đây sẽ có nhiều khu nghỉ dưỡng dành cho người cao tuổi, kể cả “ nước trong” lẫn nước ngoài…Cứ nhìn các bác nhà vườn mà xem, hầu hết có sẵn Smartphone - lận trong túi rút hay lưng quần- phương tiện để nối kết với đám mây.
Hồi xưa họ không nhìn thấy do góc khuất của nhận thức, nhưng bây giờ đám mây đã hiển hiện trước mắt, quẹt một cái là có thể thấy không gian vô tận để học, nghĩ và tạo khác biệt. Hồi xưa người ta cứ ngỡ du lịch là những đoàn xe tấp nập mới thành công, nhưng giờ đây, đám đông giành giật, tranh ăn, xấc láo là nổi khổ! Bên cạnh sự nhộn nhịp ấy là nhu cầu tinh tế, gần gũi, đôn hậu, sáng tạo vì sự hài lòng, được thống kê từ dòng người đến- đi- trở lại lâu hơn cùng bè bạn. Một ngành công nghiệp luôn cháy bỏng khát khao chuẩn mực, sáng tạo để đi vào quỹ đạo CN 4.0. Nói nghe lớn nhưng có khi chỉ cần " quẹt" nhẹ, gõ cho đúng địa chỉ từ trên mây là có thể tìm thấy những điểm đến CôBa Home, Homestay ở Vườn trái cây Vàm Xáng, điểm đến Út Dzách, điểm đến Xẻo Nhum hay ghé Mekong Cuisine để mua chút quà khi trở về nhà.
Hoàng Tuyên
(Trung Tâm BSA)
Tài liệu tham khảo:
1/ “Hậu Giang năm 2001”, nhà văn Sơn Nam,( trích dẫn Bách khoa thế thế giới tầm nguyên đại tự điển, quyển thứ 163, chương 14, trang 1214), tạp chí Hương Quê
2/ http://cantho24h.com.vn/thoat-khoi-loi-mon-a103574.html
3/ https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cho-noi-cai-rang-dang-chim-1025982.tpo
4/ https://thailansensetravel.com/cho-noi-o-thai-lan-n.html