“Kiềng” ba chân để phát triển du lịch Cần Thơ
     
Nghị quyết 03 NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ, Kế hoạch số 111/KH-UBND của thành phố về đẩy mạnh phát triển du lịch, đều xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Mặc dù đã có những quyết sách làm tiền đề, nhưng ngành du lịch thành phố vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, cần những giải pháp cụ thể và quyết tâm của cả hệ thống chính trị để phát triển xứng với tiềm năng.
 
Thiếu nguồn lực cho phát triển
 
 
Cù lao Tân Lộc, điểm du lịch nhiều tiềm năng đang được ngành du lịch thành phố quan tâm kêu gọi đầu tư. Trong ảnh: Du khách với trải nghiệm chèo ghe ở Vườn dừa. Ảnh: KIỀU MAI
 
Từ năm 2016 đến 2020, du lịch thành phố đề ra mục tiêu đón khoảng 32 triệu lượt khách tham quan, tăng bình quân 10% mỗi năm, tổng doanh thu đạt trên 12.100 tỉ đồng, tăng bình quân 16% mỗi năm. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ (VHTT&DL) đã xây dựng kế hoạch hành động số 4454/KH-SVHTTDL, trong đó xác định thế mạnh du lịch Cần Thơ là đô thị sông nước, bên cạnh các loại hình du lịch MICE, văn hóa, tâm linh, sinh thái miệt vườn, cộng đồng… Ngành đã xây dựng và triển khai 9 chương trình, đề án: Chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao nhận thức của TP Cần Thơ; Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch TP Cần Thơ giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển hạ tầng du lịch; Đề án Bảo tồn và phát huy làng cổ Long Tuyền, Bình Thủy; Đề án phát triển sản phẩm du lịch TP Cần Thơ giai đoạn 2017-2020; Đề án phát triển Điểm du lịch quốc gia Bến Ninh Kiều (Bến Ninh Kiều- cầu đi bộ- chợ nổi Cái Răng và các cồn dọc sông Hậu)…
 
Song song đó, đơn vị đang xây dựng và triển khai thực hiện 7 công trình văn hóa, di tích lịch sử- văn hóa gắn với phát triển du lịch; xây dựng nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội. Đồng thời hỗ trợ các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng: Ninh Kiều khai thác thế mạnh du lịch MICE; Cái Răng phát huy sông nước với đề án Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng; Phong Điền trở thành đô thị sinh thái; Bình Thủy phát triển du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử- văn hóa…
 
 
Làng nghề gắn với phát triển du lịch là vấn đề còn gặp nhiều khó khăn của ngành du lịch Cần Thơ. Trong ảnh: Các đơn vị lữ hành khảo sát làng nghề làm bánh tại Thốt Nốt.
 
Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là trong khâu đầu tư để xây dựng sản phẩm du lịch. Nhiều năm qua, ngành du lịch nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch từ các sự kiện lễ hội: Ngày hội du lịch- Đêm hoa đăng Ninh Kiều, Ngày hội du lịch sinh thái huyện Phong Điền, Ngày hội du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng… Bước đầu, các ngày hội thu hút du khách, tạo sự kiện cho du lịch… nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, trùng lắp.
 
Bà Nguyễn Hoàng Oanh- Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Ninh Kiều, cho biết: “Sau sự kiện, chúng tôi rút kinh nghiệm, nhưng có những cái khó. Kinh phí chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, lại thêm nguồn kinh phí từ ngân sách không có phần dành cho du lịch. Cán bộ chuyên trách cho du lịch ở các địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm, mà cơ chế chính sách nhân lực du lịch chưa thực sự cụ thể”.
 
Đồng quan điểm, ông Lê Tiến Dũng- Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, nói: “Việc tổ chức sự kiện luôn đặt ra mục tiêu năm sau cao hơn năm trước về quy mô lẫn chất lượng, nên kinh phí là vấn đề nan giải. Mặt khác, sự kiện lễ hội còn đòi hỏi phải luôn đổi mới nội dung, trong khi nhân lực chuyên trách lĩnh vực này lại thiếu”. Ông Lê Tiến Dũng chia sẻ thêm, Phong Điền đã được thành phố quy hoạch trở thành đô thị sinh thái và địa phương có dự án Khu du lịch sinh thái Phong Điền (40ha) được kêu gọi đầu tư; tuy nhiên, chưa có nhà đầu tư.
 
Nguồn nhân lực, việc phát huy các di tích lịch sử văn hóa, cũng như bảo tồn làng nghề gắn với du lịch ở Cần Thơ cũng chưa tương xứng với tiềm năng. Tại Cần Thơ hiện có khoảng 6.500 lao động trong ngành du lịch, nhưng chỉ có gần 50% đã qua đào tạo. Sự mất cân bằng trong phát triển hạ tầng, tài nguyên du lịch… là bài toán khó cho Cần Thơ.
 
Ông Nguyễn Ngọc Thuyền- chủ vườn cò Bằng Lăng (Thốt Nốt), cho biết: “Vườn cò hiện quá tải, nhưng kêu gọi đầu tư không thuận lợi, do đặc thù của hệ sinh thái tự nhiên nơi đây, việc đầu tư có tính rủi ro cao”. Vườn cò Bằng Lăng là một trong bốn dự án du lịch mà thành phố đang kêu gọi đầu tư. Nơi đây có hệ sinh thái đặc biệt, tuy nhiên, sản phẩm đơn điệu do người dân làm du lịch tự phát. Ngoài ra, tại Thốt Nốt, cù lao Tân Lộc cũng là điểm cần được đầu tư, bởi nơi đây có hệ thống nhà cổ, vườn cây, có thể tạo sản phẩm đặc trưng sông nước cù lao và có một không hai cho du lịch Cần Thơ, nhất là khi cầu Vàm Cống đi vào hoạt động.
 
Cần cơ chế và sự hỗ trợ
 
So với trước đây, du lịch Cần Thơ đã có sự chuyển biến khá tích cực khi có những định hướng rõ ràng, những quyết sách từ Thành ủy, HĐND, UBND. Nhưng để thay đổi diện mạo và tạo bước đột phá, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị.
 
Bà Lê Thị Thúy Hằng- Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, đề xuất: “Để phát huy tiềm năng ở vườn cò Bằng Lăng và cù lao Tân Lộc, địa phương mong muốn thành phố có cơ chế chính sách riêng cho đầu tư phát triển du lịch. Thốt Nốt cũng đã có những quy hoạch cụ thể trong lĩnh vực này, nhưng rất cần sự hỗ trợ từ thành phố và các sở ngành hữu quan để tháo gỡ những khó khăn, từng bước tạo được sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với sự phát triển du lịch chung của thành phố”. Bà Lê Thị Thúy Hằng cho biết thêm, vườn cò Bằng Lăng là điểm sinh thái tự nhiên độc đáo nên nếu được, thành phố nghiên cứu phương án đầu tư công để bảo tồn, sau đó giao lại cho địa phương hoặc chủ vườn quản lý, khai thác du lịch trên cơ sở thỏa thuận hợp tác đầu tư.
 
Đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch luôn được thành phố quan tâm trong nhiều năm qua. Năm 2016, có 10 dự án đầu tư phát triển hạ tầng văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch được thành phố bố trí với tổng mức kinh phí trên 578,3 tỉ đồng. Kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016- 2020 cho phát triển hạ tầng văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch có 21 dự án, tổng mức đầu tư trên 1.458 tỉ đồng. Thành phố còn có 4 dự án kêu gọi trong lĩnh vực du lịch: khu du lịch sinh thái cù lao Tân Lộc, khu du lịch cồn Sơn, khu du lịch sinh thái huyện Phong Điền, khu du lịch vườn cò Bằng Lăng, nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư.
 
Bà Bùi Ngọc Vỵ- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá: “Để kêu gọi đầu tư hiệu quả, ngành du lịch cần quan tâm đến tính khả thi. Việc lập các dự án quy hoạch phải nghiên cứu đến thị trường, đảm bảo cân bằng hạ tầng du lịch. Đơn vị sẽ luôn hỗ trợ ngành du lịch và các địa phương từng bước tháo gỡ những khó khăn, nhưng cũng đề xuất thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đầu tư”. Riêng với ngành du lịch, bà Bùi Ngọc Vỵ cho rằng phải quan tâm nghiên cứu, đánh giá sự hài lòng của du khách với các điểm đến, dịch vụ của Cần Thơ để có định hướng phù hợp; chú trọng đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.
 
Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết: “Hiện Sở đang tập trung xây dựng sản phẩm du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch, tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành các cơ chế, chính sách về hỗ trợ đầu tư, phát triển du lịch”. Đối với vấn đề phát huy các di tích văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch, Sở VHTT&DL đang xây dựng thêm một số dịch vụ phụ trợ ở các điểm có tiềm năng, kết nối với lữ hành; tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ thuyết minh viên; làm việc với Sở Giáo dục & Đào tạo để kết nối di sản với học đường. Riêng làng nghề gắn với phát triển du lịch, cần phải có sự chung tay của nhiều sở ngành, địa phương, để bảo tồn và xây dựng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ… mới có thể kết nối với các đơn vị lữ hành. Hiện ngành du lịch thành phố cũng đang làm điều tra xã hội về thị trường, nhu cầu của du khách để có những định hướng quy hoạch, phát triển phù hợp.
 
Ông Nguyễn Quốc Cường- Trưởng ban Ban Văn hóa- Xã hội HĐND thành phố, đề xuất: “Sở VHTT&DL cần sớm triển khai các đề án liên quan đến du lịch, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tạo được điểm nhấn, nét đặc trưng. Đơn vị tiếp tục có những tham mưu chính sách, giải pháp cụ thể về các cơ chế hỗ trợ đầu tư, phát triển du lịch. Ngành du lịch cũng phải chú trọng đổi mới quảng bá, xúc tiến trên diện rộng và có chiều sâu, chọn thị trường kết nối trọng điểm”.
 
Phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế-xã hội của thành phố là định hướng tiên quyết đề thay đổi diện mạo du lịch Cần Thơ. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng sự chung tay của nhiều sở ngành, các cấp, kỳ vọng du lịch Cần Thơ sẽ có những định hướng đúng, giải pháp phù hợp để phát triển và tạo thương hiệu.
 
Nguồn:  ÁI LAM - http://baocantho.com.vn
TIN LIÊN QUAN