Mỗi khi du khách thập phương có dịp du lịch miền Tây đến với Cần Thơ, ngoài việc tham quan các cảnh đẹp, sẽ rất hối tiếc nếu bạn bỏ lỡ cơ hội khám phá các làng nghề truyền thống như làng bánh tráng Thuận Hưng, làng đan lưới Thơm Rơm, làng hoa Thới Nhựt, làng đan lọp Thới Long…. trong đó có làng nghề làm hủ tiếu.
Sau khi đi chợ nổi Cái Răng, bạn nên kết hợp ghé thăm làng nghề truyền thống làm hủ tiếu để tìm hiểu công đoạn làm ra sợi hủ tiếu nổi tiếng khắp nơi của vùng đất Cần Thơ “gạo trắng nước trong”. Tận tay tham gia các công đoạn làm hủ tiếu và thưởng thức các món từ hủ tiếu thơm ngon. Nếu như nhắc đến Hà Nội, người ta nhớ đến món phở, thì khi ghé thăm Nam bộ, không thể không nói đến hủ tiếu.
Đến lò Hủ Tiếu bạn sẽ tự tay làm ra những sản phẩm mà bạn ưng ý nhất.
Làng nghề hủ tiếu Cần Thơ tập trung ở phường An Bình, quận Ninh Kiều gần cầu Rau Răm bạn có thể đi xe đến hoặc lựa chọn cách đi tàu, xuồng để tham quan làng nghề vì như vậy mới cảm nhận được hết sự thú vị của miền Tây Nam bộ. Muốn đi tàu xuồng, bạn thuê tàu Cần Thơ từ Bến Ninh Kiều đi chợ nổi Cái Răng rồi kết hợp thăm lò hủ tiếu luôn. Ở thành phố Cần Thơ hiện nay xuất hiện nhiều hộ gia đình làm hủ tiếu truyền thống. Trong số đó, đáng chú ý nhất là gia đình Sáu Hoài và Chín Của. Ngoài việc phục vụ sản xuất hàng ngày, các cơ sở này sẵn lòng chào đón những vị khách trong nước và nước ngoài tới thăm, chứng kiến quy trình sản xuất của họ.
Bạn có thể tham quan lò hủ tiếu Cần thơ vào buổi sáng để có thể tận mắt thấy hết được từng công đoạn làm ra sợi hủ tiếu gạo dai dai và có vị ngọt thanh. Mỗi gia đình làm nghề sẽ có bí quyết gia truyền của riêng mình trong từng công đoạn để tạo ra sợi hủ tiếu màu trắng đục ngon nổi tiếng. Nhưng quan trọng nhất là phải chọn hạt gạo trắng nõn, thon dài. Tiếp theo là các công đoạn ngâm, vo gạo, gút, xay, bòng, đánh, cho vào lu nước quậy lấy tinh bột, tráng, phơi và cuối cùng là cắt hủ tiếu thành sợi. Du khách đến tham quan lò hủ tiếu được cho làm các công đoạn tráng bánh hủ tiếu và cắt sợi.
Công đoạn tráng bánh: Ngày nay, dù có máy móc hỗ trợ nhưng có nhiều công đoạn vẫn phải dùng đến bàn tay con người. Khó nhất là tráng bánh và vớt bánh vì đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Đôi bàn tay nhẹ nhàng tráng một lớp bột lên mặt khuôn, dùng mặt đáy gáo múc bột xoay đều mặt khuôn để bánh không bị rổ hoặc dày mỏng không đều. Đậy nắp lại để hơi nước làm chín bột gạo. Người thợ nơi đây bằng sự sáng tạo của mình còn cho ra đời đủ các loại hủ tiếu với nhiều màu sắc, mỗi màu sắc là từ những nguyên liệu thiên nhiên. Màu đỏ của gấc, màu xanh lá của lá dứa, màu trắng từ bột gạo,…Sau khi tráng, dùng một chiếc vợt tròn, vớt bánh ra vỉ và đem phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời từ 3-4 tiếng. Công đoạn cuối cùng là cho bánh gạo vào máy cắt thành từng sợi hủ tiếu mỏng và dài.
Đến với làng nghề Hủ tiếu các du khách có thể ngắm nhìn sản phẩm và các công đoạn ra sản phẩm.
Khi đến nơi đây bạn sẽ thỏa thích ngắm nhìn người thợ làm hủ tiếu cần mẫn đứng tráng từng miếng bánh bên bếp lửa tỏa khói nghi ngút, nâng niu từng chiếc bánh mới thấy được sự vất vả và niềm yêu nghề truyền thống này. Hơi nước bốc lên khỏi mặt bánh, hòa quyện vào màu vàng nắng sớm, không gian lan tỏa nét xưa mộc mạc nơi miền Tây hiếu khách. Đến đây bạn đừng quên thưởng thức các món ăn chế biến từ hủ tiếu: hủ tiếu nước thịt heo xương, hủ tiếu chiên giòn, hủ tiếu chiên giòn thịt khìa… thơm ngon hấp dẫn.
Vũ Tiến
Nguồn: https://doanhnghiephoinhap.vn/lo-hu-tieu-can-tho-huong-vi-kho-quen-cua-truyen-thong-que-nha.html