“Mài sắc” mũi nhọn du lịch Bài 2: Tạo đòn bẩy
     
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, TP Cần Thơ đã ban hành nhiều quyết sách để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói phát triển. Trong đó, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01- 8- 2016 của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch (Nghị quyết 03), là tiền đề quan trọng, để các sở, ngành, quận huyện xây dựng chương trình hành động. Thêm vào đó, sự trợ lực từ Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cùng với Chương trình hành động của Chính phủ, kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), đã tạo không ít cơ hội cho ngành du lịch.
 
Tiền đề cho ngành du lịch đột phá
Nghị quyết 03 được ban hành và triển khai, UBND thành phố có Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 19- 9- 2016 về đẩy mạnh phát triển du lịch (Kế hoạch 111). Mục tiêu của Nghị quyết 03 và Kế hoạch 111 đều phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Theo đó, từ năm 2016 đến 2020, du lịch thành phố đón khoảng 32 triệu lượt khách tham quan, tăng bình quân 10%/năm, tổng doanh thu đạt trên 12.100 tỉ đồng, tăng bình quân 16%/năm.
 
Bơi ghe và hái trái cây dọc các mương, rạch là hoạt động được nhiều du khách yêu thích khi đến Phong Điền. Ảnh: KIỀU MAI
 
Theo định hướng đó, du lịch Cần Thơ đã và đang trở thành “Điểm đến du lịch lý tưởng- an toàn- thân thiện- chất lượng”, nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Mekong”. Từ cơ sở này, Sở VHTT&DL Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch hành động số 4454/KH-SVHTTDL, trong đó xác định thế mạnh du lịch Cần Thơ là đô thị sông nước, bên cạnh các loại hình du lịch nổi bật: MICE, văn hóa, tâm linh, sinh thái miệt vườn, cộng đồng…. Sở VHTT&DL đang xây dựng và triển khai 9 chương trình, đề án: Chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao nhận thức của TP Cần Thơ; Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch TP Cần Thơ giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển hạ tầng du lịch; Đề án Bảo tồn và phát huy làng cổ Long Tuyền, Bình Thủy; Đề án phát triển sản phẩm du lịch TP Cần Thơ giai đoạn 2017-2020; Đề án phát triển Điểm du lịch quốc gia Bến Ninh Kiều (quần thể Bến Ninh Kiều, cầu đi bộ, chợ nổi Cái Răng và các cồn dọc sông Hậu)… Song song đó, đơn vị cũng đang xây dựng và triển khai thực hiện 7 công trình văn hóa, di tích lịch sử- văn hóa gắn với phát triển du lịch; từng bước xây dựng nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội thu hút du khách. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng: Ninh Kiều khai thác thế mạnh du lịch MICE, Cái Răng phát huy thế mạnh sông nước với đề án Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, Phong Điền khai thác tiềm năng trở thành đô thị sinh thái, Bình Thủy phát triển du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử- văn hóa…
 
So với trước kia, du lịch Cần Thơ đã có sự chuyển biến khá tích cực khi có những định hướng rõ ràng, những quyết sách quan tâm, hỗ trợ từ Thành ủy, HĐND, UBND. Các cấp, các ngành đã có nhận thức mới về tầm quan trọng của du lịch; các địa phương đã chủ động hơn trong công tác xây dựng sản phẩm, từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh, xác định được các nhiệm vụ, định hướng trọng tâm trong phát triển du lịch.
 
Nỗ lực của các địa phương
 
9 quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ đều xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình hành động tập trung phát triển du lịch của địa phương với những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.
 
 
Ông Lâm Thế Cương (ảnh, thứ hai từ phải sang) hướng dẫn du khách quy trình làm ca cao - một trong những trải nghiệm du khách yêu thích khi đến Cần Thơ. Ảnh: KIỀU MAI
 
Huyện Phong Điền đã xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của huyện; Kế hoạch số 22-KH/HU về Phát triển du lịch huyện Phong Điền đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, huyện thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch nhằm tăng cường quản lý các điểm du lịch, hỗ trợ các nhà vườn, cơ sở kinh doanh du lịch nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Địa phương cũng xác định ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, bên cạnh xây dựng và phát triển mô hình kết hợp du lịch sông nước, tâm linh, tham quan di tích lịch sử, làng nghề và homestay. Ông Nguyễn Văn Sử- Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Địa phương đang định hướng các nhà vườn xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái gắn với phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện, hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư cho du lịch để nâng chất các sản phẩm, dịch vụ”. Phong Điền đang hình thành các loại hình sản phẩm: sông nước miệt vườn- sinh thái, du lịch tâm linh…
 
Với lợi thế là quận trung tâm, Ninh Kiều cũng đã xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình hành động tập trung cho sự phát triển du lịch: Kế hoạch số 181/KH-UBND về đẩy mạnh phát triển du lịch; Kế hoạch số 20-BCĐ/QU của Quận ủy về thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy; Kế hoạch số 42/ KH-UBND về công tác phát triển du lịch quận Ninh Kiều năm 2017. Ninh Kiều xác định lợi thế và sản phẩm đặc thù là du lịch đô thị miền sông nước. Trong đó, sản phẩm chính là du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo…), bên cạnh đó là các loại hình tham quan di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh. Địa phương đang xây dựng hàng loạt các sự kiện, hoạt động phục vụ du lịch: Ngày hội du lịch- Đêm hoa đăng Ninh Kiều, giải đua thuyền truyền thống, đua thuyền chèo... UBND quận Ninh Kiều cũng đang đầu tư xây dựng phố đi bộ ở đường Hai Bà Trưng, các khu phố chuyên doanh; khai thác tuyến đường sông ở rạch Khai Luông, cầu đi bộ với nhiều dịch vụ để tạo thành các tour bản sắc văn hóa sông nước. Ông Dương Tấn Hiển- Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: “Hằng năm, Ninh Kiều đều có kế hoạch định hướng phát triển du lịch. Từ đây đến năm 2018, Ninh Kiều sẽ đầu tư nâng cấp công viên Bến Ninh Kiều, đường Hai Bà Trưng, công viên sông Hậu, cầu đi bộ, rạch Khai Luông để những nơi này có thêm các dịch vụ phong phú, nhiều hoạt động thu hút du khách”. Ninh Kiều cũng đang phát huy thế mạnh đô thị trung tâm với những tour đường sông về đêm, các dịch vụ giải trí đường phố ở Bến Ninh Kiều…
 
Trải nghiệm làm bánh dân gian là một trong các hoạt động thường được du khách lựa chọn khi đến Cần Thơ. Ảnh: KIỀU MAI
 
Để giúp các địa phương xây dựng sản phẩm, tạo thuận lợi cho người dân tham gia hoạt động du lịch, năm 2017 UBND thành phố đã bố trí nguồn kinh phí 30 tỉ đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố cho 560 dự án hỗ trợ các hộ nông dân vay vốn làm du lịch. Theo đó, các địa phương Ninh Kiều, Ô Môn, Phong Điền, Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt đều tiếp xúc được nguồn vốn vay. Tiêu biểu Vườn trái cây Vàm Xáng có được nguồn vốn vay đã mở rộng khai thác homestay, dần trở thành điểm đến được nhiều du khách yêu thích.
 
Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết: “Hiện Sở đang tập trung vào các công việc trọng tâm: xây dựng sản phẩm du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch, tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành các cơ chế, chính sách về hỗ trợ đầu tư, phát triển du lịch”. Hiện đơn vị đang phối hợp xây dựng và thực hiện 3 chương trình, đề án: Chương trình phát triển hạ tầng du lịch, Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, giai đoạn 2017-2020; Chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao nhận thức đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
 
* * *
 
Du lịch Cần Thơ đã từng mất thời gian khá dài, loay hoay trong định hướng phát triển, nên sự ra đời của các quyết sách đã góp phần quan trọng để du lịch địa phương có những bước chuyển biến quan trọng. Đó là những tín hiệu khởi sắc, để du lịch Cần Thơ nhìn lại và tìm những giải pháp phù hợp thực tế, từng bước thay đổi, bắt kịp nhu cầu thị trường, tạo thương hiệu.
 
Nguồn: ÁI LAM  - http://baocantho.com.vn
TIN LIÊN QUAN