Một ngày đến với vùng đất huyện Vĩnh Thạnh, một vùng du lịch mới với nhiều sản phẩm du lịch từ văn hóa đến nông nghiệp và ẩm thực. Đi trải nghiệm từ các làng nghề bánh đa, làng nghề mai vàng, đến thăm các khu di tích văn hóa như đình Vĩnh Trinh, thưởng thức bánh đa, chả lụa, hủ tiếu đạt sản phẩm OCOP.
Bánh đa Vĩnh Thạnh có nguồn gốc từ các tỉnh miền Bắc. Năm 1954, nhiều người ở các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa di cư vào vùng Cái Sắn khẩn hoang, lập nghiệp theo chính sách "dinh điền" của chính quyền Ngô Đình Diệm, đã mang theo nghề làm bánh đa truyền thống. Cơ sở bánh đa Nhật Nguyệt, ấp D2, xã Thạnh Lợi của ông Đỗ Đình Nhật (quê gốc ở Nam Sách, Hải Hương) làm bánh hoàn toàn bằng máy móc. Xay bột, nạo dừa bằng máy, sau đó máy tráng bột thành chiếc bánh dài lên một chiếc máng úp bằng kim loại. Bánh có chiều dài khoảng 2 mét, sau khi phơi khô được cho vào máy cắt lại thành bánh tròn thành phẩm. Cơ sở Nhật Nguyệt đã nâng tầm bánh đa đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2022 và nâng cấp sản phẩm lên OCOP 4 sao trong năm 2023.
Những chiếc bánh đa mới ra lò
Ngoài chất lượng từ bên trong như nguyên liệu sản xuất, công nghệ máy móc, quy trình giám sát chặt chẽ… thì còn cần bao bì, nhãn mác, thương hiệu. Việc các sản phẩm của Nhật Nguyệt được chứng nhận OCOP không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển đặc sản địa phương lên một tầm cao mới, mà còn tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ phát triển du lịch địa phương.
Quy trình tráng Bánh đa, Hủ tiếu kết hợp thủ công với công nghệ máy móc
Tính riêng ấp D2 thuộc xã Thạnh Lợi và ấp G1, G2 thuộc xã Thạnh An hiện có tổng số 5 hộ gia đình chuyên làm bánh đa để bán. Bên cạnh đó, có khoảng 6 hộ gia đình chuyên làm hủ tiếu. Tuy số hộ đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại chưa nhiều nhưng các hộ làm nghề đã có sự đầu tư dụng cụ, máy móc nhỏ lẻ. Qua đó, nghề làm bánh đa, hủ tiếu ở đây đang có sức sống và tiềm năng phát triển, giúp tạo việc làm, thu nhập cho lao động và giữ nét đẹp của nghề truyền thống ở địa phương. Bên cạnh việc phát triển cơ sở làm bánh bằng máy móc, đáp ứng thị trường, thiết nghĩ nên có biện pháp bảo tồn các lò thủ công. Những nghệ nhân với đôi tay tráng bánh khéo léo, các lò bánh tráng bánh thủ công ở thôn quê sẽ trở thành điểm du lịch - trải nghiệm thu hút du khách.
Từ Làng nghề bánh đa về với ấp Tân Thạnh trong những tháng gần Tết Nguyên đán để được thăm Làng Mai vàng được mệnh danh là “thủ phủ” mai vàng của xã Thạnh Lộc, bởi nơi đây sở hữu rất nhiều gốc mai quý hiếm lên đến hàng trăm năm tuổi với giá tiền tỉ. Nếu muốn khám phá hương sắc mùa Xuân phương nam, hẳn đây sẽ là điểm du Xuân lý tưởng. Về Thạnh Lộc, ghé thăm làng mai vàng Tân Thạnh bạn sẽ được tha hồ ngắm những “kiệt tác” mai, những thế mai đẹp, lạ, những bông mai đang hé nụ, khoe sắc trong nắng xuân. Đến nơi đây các bạn còn được người dân chia sẻ kinh nghiệm về cách ươm giống, sửa rễ và tạo dáng cây mai rất đẹp và lạ mắt.
Hoa mai chuẩn bị cho dịp tết cổ truyền 2023 của hộ dân trong tổ trồng Mai Vàng ấp Tân Thạnh
Trong những dịp khác chúng ta còn có thể tham quan các cánh đồng, bờ kênh Củ trắng mênh mông màu xanh dịu mát; Củ cải trắng còn là sản phẩm đặc trưng của xã Thạnh Lộc, Củ cải trắng có kết cấu giòn và giống với cà rốt; Hương vị nhẹ hơn so với các loại củ cải khác và có vị hơi ngọt và cay; Củ cải trắng giúp cho người dân tăng thu nhập kinh tế.
Cánh đồng củ cải trắng
Thu hoạch củ cải trắng
Về với xã Vĩnh Trinh sẽ đến thăm ngôi đình đầu tiên của xã được xếp hạng di tích cấp thành phố. Đình thần Vĩnh Trinh tọa lạc tại ấp Vĩnh Long, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh là công trình mang đậm giá trị kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của miền Tây Nam Bộ, với những mảng chạm, những họa tiết trang trí, khắc gỗ tinh tế và sinh động... Đây cũng chính là công trình đầu tiên ở huyện Vĩnh Thạnh được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Đình Vĩnh Trinh được trùng tu năm 1963 (Ảnh: Minh Hải)
Ngôi Đình được thiết kế xây dựng theo lối kiến trúc cổ, có 3 ngôi, Chính Điện, Võ Ca (gian trước) và Võ Quy (gian giữa), đây là một trong những công trình có kiến trúc đẹp, còn khá nguyên vẹn với hệ thống kết cấu chủ yếu bằng gỗ. Trải qua gần 200 năm đến nay Đình Vĩnh Trinh vẫn còn bảo lưu được những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc của miền Tây Nam Bộ. Các hoạ tiết trên cột, mảng chạm và các bức hoành phi được chạm khắc tinh tế và sinh động, chủ yếu là Tứ linh: Long – Lân – Quy – Phụng. Trong Đình vẫn còn lưu giữ các cổ vật thờ cúng có giá trị như: 18 bộ lư đồng, trong đó có 5 bộ cổ; 01 cặp Hạc bằng gỗ cao 1,8m; 01 lư hương cao 0,93m; hai giàn binh khí 14 món; 1 cặp liễn gỗ và 02 đôi liễn sơn liền với cột, 01 cái chuông cổ…
Gian thờ chính điện của Đình (Ảnh: Minh Hải)
Phía trước Đình có 3 Miếu, chính giữa thờ Thần Nông, hai bên thờ Ông Hổ và Thổ Thần, bên trong có các khánh thờ: Thành Hoàng Bổn Cảnh; Tả Ban – Hữu Ban; Tiền Hiền – Hậu Hiền; Chi Vị Liệt Sĩ. Hằng năm, Ban Tế Tự Đình cùng nhân dân địa phương tổ chức lễ Hạ điền diễn ra trong 3 ngày từ ngày 16 – 18/7 (âm lịch), lễ Thượng điền vào ngày 27 và 28/11 (âm lịch). Đặc biệt lễ Hạ Điền còn gọi là lễ Kỳ Yên với các nghi lễ Thỉnh sắc thần về Đình.
Lễ thỉnh Sắc Thần tại Đình Vĩnh Trinh. (Ảnh: Đăng Huỳnh)
Ngoài các sản phẩm từ bánh đa, hủ tiếu, tại đây du khách còn có thể khám phá thêm các món ẩm thực đặc trưng tiêu biểu như các loại chả lụa, chả bò, chả gân, chả chiên, nem Huế, pate thịt nguội, bánh đa mặn, bánh đa ngọt, bánh chuối, bánh lá gai... Sản phẩm đạt 4 sao OCOP đảm bảo an toàn chất lượng.
Chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao của hộ kinh doanh Kim Ngân
Yến Nhi - TTPTDL