Nâng tầm du lịch từ di sản văn hóa - lịch sử
     

Phát huy lợi thế có nhiều di sản văn hóa - lịch sử, làng nghề truyền thống, những năm gần đây, ngành du lịch TP. Cần Thơ đã có bước chuyển mình theo hướng chú trọng đầu tư phát triển du lịch văn hóa. Sự kết nối song hành giữa tài nguyên văn hóa bản địa và di sản văn hóa - lịch sử với du lịch đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, đưa ngành này vươn lên thành một mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

 

Để văn hóa thấm sâu vào du lịch

 

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ, tính đến cuối năm 2021, thành phố có 37 di tích văn hóa - lịch sử được công nhận, gồm 14 di tích cấp quốc gia, 23 di tích cấp thành phố. Trong số này, có 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là: Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên Đình Bình Thủy, Hò Cần Thơ và Hát ru của người Việt ở Cần Thơ. Bên cạnh đó, toàn thành phố hiện có khoảng 70 lễ hội, trong đó có khoảng 20 lễ hội truyền thống, diễn ra thường niên. Ở các địa phương còn có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời như làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ (quận Bình Thủy), làng nghề hủ tiếu (quận Ninh Kiều), làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, làng nghề đan lưới Thơm Rơm (quận Thốt Nốt).... Các làng nghề này đã và đang được các doanh nghiệp du lịch liên kết, hợp tác để phát triển du lịch.

Nâng tầm du lịch từ di sản văn hóa - lịch sử -0

Đền thờ Vua Hùng - một địa chỉ du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa tại Cần Thơ

 

Để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa - lịch sử, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch văn hóa, năm 2018, Thành ủy Cần Thơ ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU “Về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố”; Nghị quyết số 03-NQ/TU “Về việc đẩy mạnh phát triển du lịch”; UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND “Về bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn  hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch thành phố. Cần Thơ đến năm 2020”; gần đây nhất là Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29.1.2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới; Đề án số 07-ĐA/TU ngày 28.12.2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển văn hóa TP. Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030. Những chủ trương này không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làng nghề truyền thống mà còn tạo nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 

Theo đó, ngành văn hóa - thể thao và du lịch thành phố đã phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều tuyến du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa. Nếu như ở tuyến du lịch Ninh Kiều - Cái Răng, du khách được tham quan, tìm hiểu sản phẩm của các làng nghề đan đát, dệt chiếu, tham quan Di tích Chùa Ông, Ðình Thường Thạnh... thì ở tuyến du lịch Ninh Kiều - Bình Thủy - Ô Môn - Thốt Nốt, khách được trải nghiệm cách làm, thưởng thức sản phẩm từ các làng nghề hoa kiểng, bánh kẹo, bánh tráng, đan lưới, đan lọp, cơm rượu gắn với tham quan Ðình Bình Thủy, Ðình Thới An. Còn ở tuyến du lịch Ninh Kiều - Cái Răng - Phong Ðiền, những sản phẩm hoa kiểng, bánh hỏi mặt võng, nem nướng Cái Răng, Di tích quốc gia Hiệp Thiên Cung, khu di tích Chiến thắng Ông Hào, Giàn Gừa… là những dấu ấn di sản đất Tây Đô khó quên đối với du khách gần xa.

 

Một điểm du lịch thu hút đại đa số du khách khi đến thành phố sông nước Cần Thơ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Chợ nổi Cái Răng. Từ khi UBND quận Cái Răng triển khai đề án bảo tồn và phát triển di sản gắn với hỗ trợ thương hồ, quảng bá hình ảnh chợ nổi, nơi đây không chỉ có hình ảnh hằng trăm ghe tàu tấp nập mua bán trên sông; các dịch vụ ăn uống, quà lưu niệm, đưa đón khách tham quan mà nổi bật vẫn là hoạt động biểu diễn Đờn ca tài tử phục vụ du khách.

 

Trong nỗ lực nâng tầm du lịch từ di sản văn hóa, trong giai đoạn 2017 - 2020, thành phố đã thực hiện 3 dự án bảo tồn và phát huy di sản là: Nghiên cứu sưu tầm và phục dựng Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào dân tộc Khmer, Lễ cúng bình an của người Hoa ở quận Cái Răng. Trong đó, riêng Bánh tét Cần Thơ đến nay đã vươn lên trở thành một sản phẩm văn hóa - du lịch tiêu biểu của thành phố.  Mới đây nhất, công trình Đền thờ Vua Hùng được khánh thành cũng đã trở thành một điểm sáng, thu hút khách du lịch, tuyến phố đi bộ Ninh Kiều mới đưa vào hoạt động cũng là điểm đến thu hút đông đảo du khách gần xa.

 

Ba nhiệm vụ trọng tâm

Trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với phát triển du lịch, UBND TP Cần Thơ thành phố đã có Kế hoạch số 89/KH-UBND, ngày 14.4.2021 về “Bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025”, đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm là: bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và phát huy giá trị làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch địa phương.

 

Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, thành phố sẽ tập trung hoàn thành quy hoạch, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích lịch sử - văn hóa đã được phê duyệt theo đúng tiến độ, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng, di tích có nguy cơ xuống cấp. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn, đội ngũ thuyết minh tại các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng.

 

Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch, trong thời gian tới, thành phố khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể TP. Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.  

 

Bên cạnh đó, để phát huy tốt giá trị làng nghề gắn với du lịch, trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển các làng nghề tiêu biểu trên địa bàn thành điểm đến trong các tour, tuyến du lịch; đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với du lịch; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phục vụ du lịch cho các làng nghề; tổ chức kết nối tour, tuyến du lịch gắn với tham quan, tìm hiểu làng nghề và giới thiệu một số sản phẩm tiêu biểu của làng nghề đến với các địa phương trong nước và thế giới.

H. DUNG

Nguồn: daibieunhandan.vn

 

 

TIN LIÊN QUAN