Khi COVID-19 dần được kiểm soát, ngày 6-5, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với 27 hiệp hội các tỉnh, thành phố và các hội nghề nghiệp hữu quan, để tìm giải pháp từng bước khôi phục hoạt động du lịch.
Du lịch sinh thái được xác định sẽ là một trong những loại hình chính trong chiến lược kích cầu
du lịch phía Nam. Trong ảnh: Trải nghiệm vườn trái cây tại Cần Thơ.
Khôi phục thị trường nội địa và các vùng trọng điểm
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh: “Ngành Du lịch cần có những giải pháp phù hợp để từng bước khôi phục hoạt động trong tình hình mới”. Dù dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát, nhưng nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn, nên các địa phương phải có những giải pháp thích hợp để hồi phục mà vẫn đảm bảo an toàn. Hiệp hội Du lịch Việt Nam xác định trước mắt sẽ đẩy nhanh khôi phục thị trường nội địa và tính toán chiến lược theo từng giai đoạn cho thị trường khách quốc tế. Theo đó sẽ chọn những vùng ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để quảng bá kích cầu, như: ĐBSCL, Đông Nam bộ, Tây Bắc, Tây Nguyên… Trong đó, tập trung vào 4 loại hình: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch ẩm thực trên cơ sở đảm bảo an toàn cho du khách và các quy định phòng, chống dịch. Đồng thời, vận động doanh nghiệp tham gia xây dựng các gói sản phẩm theo hướng tăng thời gian nghỉ dưỡng và ít di chuyển; giảm giá nhưng không giảm chất lượng; hoặc đa dạng các dịch vụ (kèm quà tặng, trải nghiệm ẩm thực…).
Chiến lược kích cầu này sẽ được triển khai đồng bộ, toàn diện cả nước. Bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, chia sẻ: “Các khách sạn đã chủ động xây dựng chương trình kích cầu. Chiến lược kích cầu lần này cần phải triển khai nhanh nhất có thể, đặc biệt các gói cần sự đồng bộ, chung tay của nhiều lĩnh vực khác như vận chuyển, các điểm vui chơi… Các gói sản phẩm phải đạt chất lượng, mới mẻ nhưng giá cả phải chăng”.
Theo chương trình kích cầu này, ĐBSCL sẽ là một trong những vùng mở đầu cho du lịch phía Nam và toàn quốc. Các chương trình dự kiến sẽ được triển khai vào giữa tháng 5, bắt đầu qua các việc tổ chức các đoàn famtrip, presstrip để quảng bá điểm đến an toàn. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho biết: “Từ tháng 2, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã phối hợp với TP Hồ Chí Minh xây dựng chương trình kích cầu. Đến nay, ĐBSCL đã có 33 doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình, với nhiều ưu đãi, gói sản phẩm độc đáo. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng và điều chỉnh chương trình phù hợp với tình hình mới, nỗ lực quảng bá và giới thiệu các điểm đến an toàn”.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng xác định phải nhanh chóng khôi phục, nâng chất các sản phẩm đã có, làm mới các dịch vụ và các sản phẩm; đồng thời cũng lên chiến lược truyền thông cho chương trình kích cầu và hệ thống các điểm an toàn.
Cần Thơ chủ động tìm giải pháp phục hồi
Ngành Du lịch Cần Thơ đang tiến hành các giải pháp phục hồi, trong đó tập trung thị trường trọng điểm, các chương trình kích cầu với chiến lược điểm đến an toàn. Theo Công văn 1319/UBND-KGVX ngày 4-5 của UBND thành phố, các khu/điểm tập luyện thể thao, cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao, danh lam thắng cảnh, khu di tích, khu du lịch, điểm du lịch, bảo tàng, thư viện được hoạt động trở lại với điều kiện thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19. Các đơn vị lữ hành, khách sạn và các loại hình lưu trú du lịch xây dựng phương án mở cửa đón du khách trong nước theo quy định. Trước mắt chưa tiếp khách du lịch nước ngoài. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP Cần Thơ cũng dự báo khách du lịch quốc tế chỉ có thể quay lại Việt Nam vào cuối năm 2020 hoặc năm 2021, nên Cần Thơ sẽ cơ cấu lại thị trường khách. Trong đó, ưu tiên thị trường nội địa, khai thác theo hướng mở rộng, từ nhóm nhỏ, gia đình rồi đến các nhóm lớn hơn, tùy theo tình hình thực tế và tốc độ hồi phục của các hoạt động du lịch. Các thị trường chính sẽ có: TP Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ, ĐBSCL và các tỉnh, thành có đường bay kết nối với Cần Thơ. Đối tượng hướng đến là người trẻ. Với khách quốc tế, Cần Thơ sẽ tập trung các thị trường có gắn kết đường bay, như: Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, với điều kiện tình hình dịch bệnh tại các quốc gia, vùng lãnh thổ này ổn định.
Sở VHTT&DL TP Cần Thơ cũng phối hợp với các sở, ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khôi phục, nhất là các cơ chế, chính sách và tài chính; tổ chức đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp du lịch về thực hiện chính sách do ảnh hưởng dịch COVID-19. Địa phương đang xây dựng hệ thống các điểm đến an toàn với thông điệp “Cần Thơ là điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng”. Sở VHTT&DL TP Cần Thơ sẽ có các chương trình kích cầu phù hợp theo từng giai đoạn, góp phần hình thành mạng lưới kích cầu du lịch ĐBSCL, giới thiệu tới các thị trường nội địa trọng điểm.
* * *
Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Sơn La… đều có những chương trình kích cầu, các chiến lược quảng bá theo từng giai đoạn. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng: “Đây là thời điểm chung sức vì để khôi phục ngành Du lịch không chỉ có sự vào cuộc của Chính phủ, các đơn vị hữu quan, nhất là về vận chuyển; mà còn có các địa phương. Chúng ta phải xác định khôi phục du lịch nhưng cam kết đảm bảo an toàn”. Các chương trình kích cầu sẽ nhanh chóng được kết nối, triển khai vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, đánh trọng tâm vào mùa hè; kỳ vọng du lịch bình ổn trở lại.
Bài, ảnh: Ái Lam