NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8 THÁNG 3 (8/3/1857) - LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC 20/3
     

NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8 THÁNG 3 (8/3/1857)

 

Ngày Phụ nữ quốc tế cũng như những ngày lễ tượng trưng khác, không phải có một nguồn gốc hay một sự việc duy nhất, mà là thành quả của cuộc đấu tranh gian khổ đầy hy sinh và cũng là cuộc hành trình lặng lẽ của hàng triệu phụ nữ trên thế giới. Năm 1977, Liên hợp quốc đã lấy ngày 8 tháng 3 hằng năm làm Ngày Quốc tế phụ nữ.

 

Ngày 8 tháng 3 năm 1857 các nữ công nhân ngành dệt đã biểu tình chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại New York (Ảnh tư liệu)

 

Lịch sử của ngày quốc tế phụ nữ bắt đầu từ năm 1857. Ngày 8 tháng 3 năm 1857 các nữ công nhân ngành dệt đã biểu tình chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại New York: 12 giờ làm việc một ngày. Hai năm sau, cũng trong tháng Ba, các nữ công nhân Mỹ trong một số hãng dệt thành lập công đoàn (syndicat) đầu tiên đã đấu tranh để được bảo vệ và giành được một số quyền lợi.

 

Năm mươi năm sau, ngày 8 tháng 3 năm 1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York đòi giảm giờ làm việc, tăng tiền lương và hủy bỏ lao động trẻ con. Khẩu hiệu của họ "Bread and Roses" (Bánh mì và hoa hồng). Bánh mì tượng trưng cho bảo đảm kinh tế gia đình, Hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn.

 

Sau đó, Đảng Xã hội Mỹ tuyên bố ngày 28 tháng 02 năm 1909 là ngày Quốc tế phụ nữ. Phụ nữ cử hành lễ này vào ngày chủ nhật cuối của tháng 2 cho tới năm 1913.

 

Trong cuộc họp mặt quốc tế, kỳ thứ II các phụ nữ Đảng Xã hội, 8 tháng 3 năm 1910, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch kỳ họp Clara Zetkin, phụ nữ Đức, đã đề nghị ấn định một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những người nữ đã đấu tranh vì quyền phụ nữ trên toàn thế giới. Cuộc họp đã chọn ngày 19 tháng 3 năm 1911 làm ngày phụ nữ quốc tế.

 

Không đầy một tuần sau, ngày 25 tháng 3 năm 1911, 145 nữ công nhân, phần lớn là di dân Airơlen và người Do thái của hãng Triangle Shirtwaist Company tại New York đã chết trong một vụ cháy trong xưởng dệt. Họ không có ngõ thoát do vì cửa xưởng đã được khóa chặt để công nhân không được ra ngoài trước khi hết giờ làm việc (Ðiều này đã thúc đẩy việc sửa đổi luật lệ lao động). 80.000 người diễu hành trong các đường phố để đưa đám tang lớn của 145 nạn nhân chết cháy.

 

Một năm sau, 1912, 14.000 công nhân ngành dệp may đình công và la lớn "Better to starve fighting than starve working" (Chết đói vì chiến đấu hơn chết vì làm việc). Nữ công nhân đình công, nghỉ việc trong 3 tháng.

 

Cùng với các cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ, các phụ nữ Đức cũng kiên trì đòi quyền bầu cử, ngày 12 tháng 10 năm 1918 được chấp thuận. Ngày 23 tháng 2 năm 1917 theo lịch Nga, nhằm ngày 8 tháng 3 dương lịch các nữ công nhân Nga đã xuống đường biểu tình đình công, đòi bánh mì và đòi trả chồng con họ trờ về từ chiến trận. Cuộc đình công này đã khiến Sa hoàng Nicolas đệ nhị phải thoái vị, góp phần vào thắng lợi cuộc Cách mạng tháng 10 ở Nga.

 

Ngày 21 tháng 4 năm 1944 Quốc hội Pháp chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ Pháp. Phụ nữ Pháp đã đi bầu Hội đồng thành phố lần đầu tiên vào ngày 20 tháng 4 năm 1945.

 

Từ năm 1950 tại Việt Nam, vào ngày mùng 6 tháng hai âm lịch hàng năm đều tổ chức ngày lễ Hai Bà Trưng ở Sài Gòn, đó có thể coi là ngày Phụ nữ Việt Nam. Mỗi năm đều chọn một nữ sinh trường Trưng Vương và một nữ sinh trường Gia Long đóng vai Hai Bà Trưng ngồi trên bành voi trong dịp cử hành lễ.

 

Năm 1971, Thụy Sĩ chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ.

 

Ngày 8 tháng 3 năm 1975, Liên hợp quốc bắt đầu chú ý và tổ chức ngày Quốc tế phụ nữ. Năm 1977, nghĩa là hai năm sau, Liên hợp quốc quyết định dành một ngày vì quyền lợi của phụ nữ và hòa bình thế giới đó là ngày Quốc tế phụ nữ 8 tháng 3.

 

Từ đó ngày 8 tháng 3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, ngày biểu dương ý chí của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi, hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.

 

Ở nước ta, ngày 8 tháng 3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam, một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.


(Nguồn: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn)

 

 

LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC 20/3

 

Ngày Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Vương quốc Bhutan, một trong những quốc gia bé nhỏ ở khu vực Nam Á, nằm sâu trong thềm lục địa phía Đông dãy Himalaya, vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố: Sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Đại diện quốc gia Bhutan cho rằng nhu cầu về Ngày Hạnh phúc này là đối với tất cả các quốc gia và con người trên toàn thế giới để có những bước vượt lên trên sự khác biệt giữa các nước và con người trên toàn thế giới, và liên kết, đoàn kết toàn nhân loại.


Tháng 6 năm 2012, Liên hợp quốc đã tuyên bố chọn ngày 20 tháng 3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau. Vì thế ngày này còn là biểu tượng cho sự hài hòa, cân bằng của vũ trụ. Thế nên việc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp rằng cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.


Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.


Tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 do Liên hợp Quốc phát động, ngày 26/12/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2583/QĐ-TTg phê duyệt  Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm” nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam. Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc là để cùng cả thế giới biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; một thế giới thịnh vượng và bền vững; một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc.


Để ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp, chúng ta hãy cùng nhau chung sức đồng lòng, trách nhiệm, sáng tạo và quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng chính sách, dễ bị tổn thương trong xã hội.

 

BCH CĐ Sở VHTTDL TPCT tổng hợp. (Nguồn: Ngay quoc te hanh phuc)

 

TIN LIÊN QUAN