Nhắc đến ẩm thực Tây nam bộ thì người ta không thể không nhắc đến những đặc điểm dân dã, dễ làm và quen thuộc. Quen thuộc từ nguyên liệu đến cái tên của bánh. Bánh có hình dáng giống con tầm thì gọi là bánh tầm, bánh làm từ chuối gọi lá bánh chuối. Và bánh có từng lớp bột mỏng như da lợn nên được gọi là bánh da lợn?
Chỉ là cái tên của bánh thôi đã tốn không ít giấy mực của nhà phê bình. Ảnh: st
Về tên gọi của món bánh này đã có không ít tranh luận, bởi không hiểu sao phương ngữ Tây Nam bộ gọi lợn là heo, có khá nhiều thành ngữ dành cho từ này như “ham ăn như heo”, có loại bánh mang tên khá vui tai là bánh lỗ tai heo. Vậy mà không hiểu tại sao Tây nam bộ lại tồn tại một loại bánh – bánh da lợn, mà không gọi là bánh da heo.
Bây giờ, người ta đã có thể mua bột sẳn ngoài chợ về làm, nhưng các bà, các mẹ ngày xưa để làm bánh thì phải mất khá nhiều công phu. Phải lấy gạo ngâm mềm tẻ nước rồi xay nhuyễn, cho đường vào xay chung, với bột, bồng lại, dằn khô. Sau đó nhồi bột với nước lạnh cho đến một độ loãng vừa phải mới làm bánh.
Bánh da lợn khoai môn. Ảnh: st
Hết công đoạn xay bột thì đến nấu đậu xanh giả nhuyễn pha với bột để làm nhân bánh, nạo dừa vắt nước cốt, giã lá dứa. Từng công đoạn đều phải làm một cách hết sức có kinh nghiệm mới cho ra xửng bánh thơm ngon, đậm đà như ý.
Loại bánh này thường có màu chủ đạo là ngà vàng của đường, màu xanh của lá dứa. Với lá dứa không nên dùng quá nhiều vì bánh sẽ có mùi hăng, dùng với số lượng vừa đủ sẽ cho bánh có mùi thơm nhẹ.
Chuẩn bị xong hết nguyên liệu thì bắt xửng hấp lên bếp, thoa một lớp dầu ăn vào lòng xửng để bánh không bị dính, đổ từng lớp mỏng xen nhau giữa hai loại bột vào xửng hấp. Người làm bánh phải đợi từng lớp bột thật chín mới đổ tiếp lớp bột khác… Cứ thế làm tương tự cho đến khi hết bột thì thôi. Ngày nay, khi hấp bánh chúng ta dùng xửng hấp tiện lợi biết bao, còn ông bà ngày xưa thì lấy cái rế nhắc nồi bằng tre còn mới úp ngược trong lòng một cái xoong, rồi đặt xửng bột vào.
Đây là món bánh khá phổ biến trong các dịp lễ, tiệc của người miền Tây. Ảnh: st
Với loại bánh này nên dùng chỉ, hoặc thanh tre cắt bánh thành những miếng hình thoi. Vì nếu dùng dao cắt, bánh sẽ bể, lớp này quện qua lớp kia, nhìn mất ngon.
Có lẽ với lại bánh da lợn này thì đứa trẻ nào cũng thích gỡ từng lớp bánh để ăn, nhấn nhá để cảm nhận hết cái ngọt và vị thơm đặc trưng của các loại thực vật tạo màu cho miếng bánh.
Cắn một miếng bánh dẻo thơm, hòa cùng vị bùi bùi của nhân đậu xanh, nước dừa béo ngậy, lá dứa thơm nhè nhẹ, rồi uống một ngụm trà thơm nóng sẽ khiến người ăn nhớ mãi món bánh tuy mộc mạc nhưng đậm đà tình nghĩa.
Bánh da lợn, loại dân dã từ trẻ con đến người già, người ăn chay hay ăn mặn đều ưa thích. Có lẽ vì thế mà bánh da lợn luôn có mặt và gắn bó với đời sống văn hóa của người bình dân miền Tây sông nước .
http://vanhoamientay.com