Có những sản phẩm quê hương gắn liền với những địa danh sinh ra nó. Những chiếc chiếu Tà Niên và cái nồi ở Hòn Đất (Kiên Giang) là thế! Với lòng say mê nghề truyền thống, ông Lê Văn Kiếm và bà Lê Thị Sa đã được những người dân trong vùng gọi họ là “Ông trùm, bà trùm”. Học nghề rồi mưu sinh với nghề, đem hết công sức của mình để giữ gìn và phát triển nghề. Đến nay, đã gần 70 tuổi, hai người họ Lê vẫn sống chết với nghề và làm tất cả những gì có thể để giữ nghề cho muôn đời sau.
Ông “trùm” nặn lò
Về ấp Đầu Voi thị trấn Hòn Đất, người dân đều biết ông Lê Văn Kiếm gần 70 tuổi, là một trong những người nặn lò lâu năm và có cơ sở lớn. Ngay từ nhỏ, ông đã được làm quen với nghề, một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng trong vùng. Chính vì vậy, ông say mê với nghề từ khi nào không hay và luôn mong muốn sau này sẽ trở thành người nặn lò giỏi, làm ra được nhiều sản phẩm đẹp. Ông đã thể hiện sự say mê của mình bằng cách thường xuyên theo dõi những người thợ lớn tuổi trong ấp để học lỏm rồi về nhà bắt chước. Nhiều sản phẩm của ông tạo ra rất đẹp và có “hồn”, được nhiều người ưa chuộng. Nhiều người đã gọi ông với một cái tên thân mến “Ông trùm nặn lò”.
Những sản phẩm chiếu Tà Niên triển lãm tại Hội chợ.
Ông Kiếm bảo: “Nặn lò ai cũng làm được, nhưng dễ mà khó. Dễ vì nguyên liệu sẵn có trong huyện không phải lấy xa, còn nặn sao cho đẹp thì phải đòi hỏi có tính khéo léo, kiên trì... Ngày xưa đồ nặn chủ yếu là cà ràng, xoong, chảo, nồi, ơ. Còn bây giờ thì đa dạng hơn về chủng loại cũng như kích cỡ, những sản phẩm cũng được làm tinh xảo hơn. Nhưng nặn lò khó ở chỗ xử lý đất sao cho không bị sạn, phải mịn. Hai loại đất được trộn đều rồi đạp cho nhuyễn, sau đó phân ra từng khối để nặn. Mà từ khâu nhào đất sao cho dẻo, hợp lý để nặn không phải ai cũng làm được. Đó cũng là những bí quyết trong nghề”. Công đoạn tạo hoa văn hay đánh bóng sao cho đẹp cũng đòi hỏi bàn tay của người thợ phải khéo léo. Rồi khi nung hay còn gọi đốt lò, đây là công đoạn cực kỳ quan trọng, phải có nhiều kinh nghiệm mới đốt lò được, làm sao cho sản phẩm không non quá hoặc già lửa, như thế mới là đạt yêu cầu.
Bà “trùm” dệt chiếu
Về ấp Vĩnh Thành A, xã Vĩnh Hoà Hiệp, huyện Châu Thành, hỏi ai cũng biết bà Lê Thị Sa ngoài 60 tuổi là vợ liệt sĩ có 4 người con đều theo nghề dệt chiếu. Người dân trong ấp cũng gọi bà với cái tên “Bà trùm dệt chiếu”. Ngay từ thuở nhỏ bà đã được biết đến với bàn tay dệt chiếu khéo và dệt nhanh nhất. Bà nói: “Từ thuở xa xưa, vùng đất này đã nổi tiếng với nghề dệt chiếu. Chiếu Tà Niên đã đi vào đời sống của con người từ lâu lắm rồi, đi đến đâu ai ai cũng nhắc đến chiếu Tà Niên bởi chất lượng và kiểu dáng của nó phong phú và đa dạng”.
Bà Sa (thứ nhất bên phải qua) cùng con cháu tham gia dệt chiếu trong lễ Hội Nguyễn Trung Trực.
Đến xã Vĩnh Hòa Hiệp, ta dễ dàng bắt gặp cảnh nhà nhà, người người ngồi dệt chiếu ngày đêm. Chiếu Tà Niên đã đi vào truyền thuyết liên quan đến cuộc đời Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực với chữ “Thọ” in trên chiếu. Chiếu Tà Niên đã đoạt Huy chương vàng tại hội chợ năm 1985.
Trung bình mỗi ngày bà Sa và một người dệt được từ 3 đến 4 chiếc, trong khi đó những người thợ bình thường chỉ dệt được từ 1 đến 2 chiếc. Đồ nghề của người thợ dệt chiếu là 2 bộ khung dệt với đôi bàn tay dập bằng gỗ lên “nước” bóng loáng và mấy đôi que để xâu sợi lát. Bà Sa thường là người đảm trách khâu luồn dây mỗi khi bắt đầu dệt. Là “con nhà nghề”, bà được truyền đạt những kỹ thuật và đức tính kiên trì, cần cù của người thợ dệt chiếu, chính vì vậy mà đôi tay khéo léo của bà hiện nay được bà con trong ấp tôn vinh lên vị trí “thợ cả”. Để dệt nên những chiếc chiếu khít sợi, dầy, bền chắc, phối màu hài hoà... Bà Sa cũng như những người dệt chiếu trong ấp phải kiên trì thực hiện từng công đoạn rất tỷ mỉ, công phu. Cây lát sau khi thu hoạch về phải tước bỏ phần ruột, phần lá, sau đó tẽ thành 2 đến 3 sợi nhỏ, phơi khô 3 nắng rồi đem chia làm 2 phần: một phần để nguyên, một phần đem đi nhuộm màu, sau khi nhuộm màu đem đi phơi khô thêm 1 nắng nữa rồi mới đem vào dệt. Nghề dệt chiếu đã được nhiều hộ ở Tà Niên, trong đó có cả người Khmer vẫn duy trì nghề đến ngày nay, vào nhà nào cũng thấy chất chiếu lên tới nóc nhà. Không chỉ gia đình bà Sa mà nhiều gia đình trong ấp cũng có từ 3 đời dệt chiếu truyền thống. Tưởng niệm lần thứ 140 ngày mất của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, bà Sa và các con được mời tham gia dệt một chiếc chiếu lập kỷ lục dài nhất Việt Nam với chiều ngang là 1,8m, dài 45 mét.
Sống chết với nghề
Có trên 20 năm lặn lội với nghề, ông Kiếm cho biết: “Trên hai mươi năm ở xóm lò nuôi mấy đứa con trưởng thành, giờ mãn nguyện lắm rồi, chỉ mong sao truyền lại nghề này cho con cháu, bà con trong ấp với mong muốn nghề này không bị mai một theo thời gian”. Tôi biết ông có lý khi lo sợ nghề thất truyền, cái nghề mà gia đình ông và những người dân trong ấp đã tâm huyết theo đuổi bao đời nay. Còn bà Sa tâm sự: “Tuổi đã cao, chỉ mong truyền lại những gì mình biết cho con cháu sau này để chúng khỏi quên nghề truyền thống”. Suy nghĩ của bà Sa cũng như ông Kiếm và nhiều người làm nghề nói chung là lo sợ làng nghề sẽ bị mai một thất truyền, không được lớp trẻ kế nghiệp. Một ngày kia những người như ông Kiếm, bà Sa không còn nữa, làng nghề sẽ về đâu?
Bà Mười nghệ nhân nặn nồi đất ở Hòn Đất.
Nhắc đến nghề nặn lò Hòn Đất và nghề dệt chiếu Tà Niên là người ta nhớ đến huyện Hòn Đất, Châu Thành, những làng nghề thủ công truyền thống có một không hai, được xem như một nét văn hóa đặc sắc ở Kiên Giang.
Nguồn: Thế Hạnh - https://www.vhttdlkv3.gov.vn