Ông Chín Hồng trồng vú sữa làm du lịch sinh thái
     

Ông Phạm Văn Hoàng (Chín Hồng) ở ấp Mỹ Nhơn huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ là chủ sở hữu mô hình vườn trái cây kết hợp du lịch sinh thái nổi tiếng.

 

Ông Chín Hồng cho biết đã làm vườn từ những năm 1980 và nhận thấy giống vú sữa Lò Rèn cho năng suất cao, giá cả ổn định nên ông quyết định trồng xen canh cùng các loại cây ăn quả khác trong vườn.

 

Những năm gần đây, nhận thấy ngành du lịch phát triển mạnh, lượng khách đổ về Cần Thơ hàng năm tăng nên ông Chín Hồng đã mạnh dạn đầu tư khai thác du lịch trong vườn trái cây trên diện tích 2ha, với hơn 120 gốc cây vú sữa. Từ trồng cây ăn trái chỉ để bán cho thương lái, ông Chín Hồng chuyển sang kết hợp làm du lịch sinh thái.

 

Ông Chín Hồng bên vườn vú sữa lò rèn. Ảnh: Hồ Thị Thảo.

Ông Chín Hồng bên vườn vú sữa lò rèn. Ảnh: Hồ Thị Thảo.

 

Ông Chín Hồng đã dành một phần diện tích đất cất “tum” xung quanh vườn để du khách đến tham quan vườn có nơi dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống. Ngoài ra, ông còn tạo thêm không gian, tiểu cảnh giúp khách du lịch có cơ hội chụp hình, tìm hiểu thêm những nét văn hoá đặc trưng miền sông nước như chèo ghe, đi cầu khỉ và thưởng thức các món bánh dân gian.

 

Ông Chín Hồng cho biết, khi chưa kết hợp mô hình du lịch, giá vú sữa ở mức 20 - 30 nghìn đồng/kg, nhiều năm liền được mùa nhưng thu nhập không cao. Sau khi chuyển sang mô hình làm du lịch sinh thái, bán vé cho khách tham quan và thưởng thức trái cây, thu nhập khá hơn hẳn.

 

Hiện tại, vườn trái cây của ông Chín Hồng bán vé vào cổng tham quan 50.000 đồng/người và ăn trái cây tại vườn với giá 100.000 - 150.000 đồng/người. Du khách vào được trải nghiệm hái và ăn vú sữa ngay tại vườn.

 

Mô hình vườn trái cây kết hợp du lịch sinh thái của ông Chín Hồng. Ảnh: Hồ Thị Thảo.

Mô hình vườn trái cây kết hợp du lịch sinh thái của ông Chín Hồng. Ảnh: Hồ Thị Thảo.

 

Lượng khách du lịch đến vườn Chín Hồng vào độ tháng 11 khi vú sữa bắt đầu chín khoảng 50 - 100 lượt khách/ngày, những ngày cao điểm có khi lên đến khoảng 200 lượt khách/ngày, ước tính gia đình ông Chín Hồng thu nhập hơn 10 triệu đồng/ngày. 

 

Về kỹ thuật chăm sóc vườn vú sữa, ông Chín Hồng cho biết: Trồng giống vú sữa Lò Rèn hiệu quả kinh tế cao hơn các giống khác. Trồng từ lúc cây con đến trưởng thành ít nhất 3 năm mới cho trái, cây từ 6 năm tuổi cho trái nhiều hơn. Hàng năm từ tháng 2 ông Chín Hồng bắt đầu lấy bông, đến tháng 10 cây ra trái và chuẩn bị đón khách du lịch tham quan, thưởng thức.

 

Dù vườn trái cây Chín Hồng có trồng xen canh một số cây ăn quả khác như chôm chôm, cam... nhưng vú sữa vẫn đạt năng suất cao nhờ bón phân hữu cơ và canh thời điểm siết nước phù hợp.

Hồ Thị Thảo

 

 

 

TIN LIÊN QUAN