Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng năm 2018 đang diễn ra với khung cảnh trên bến dưới thuyền đậm bản sắc văn hóa sông nước miệt vườn, được du khách hưởng ứng nhiệt tình. Sự kiện được đánh giá là sáng tạo đưa Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng” vào đời sống đương đại, đồng thời tạo điểm nhấn cho du lịch Cần Thơ.
Sông nước hội tụ
Nguyễn Hoàng Linh cùng nhóm bạn trẻ mê nhiếp ảnh ở Bạc Liêu đã lần thứ 3 đến tham dự Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng và đều ấn tượng về sự kiện sông nước này. Anh Linh chia sẻ: “Tôi đến đây ngoài chụp ảnh còn thú vị với nét văn hóa thương hồ cùng nhiều hoạt động phong phú của Ngày hội”.
Rất đông du khách tham quan Ngày hội. Ảnh: DUY KHÔI
Hàng ngàn du khách đến với Ngày hội đều có chung cảm giác thích thú khi được bồng bềnh trên sông nước để tham quan chợ nổi, trải nghiệm nét sinh hoạt, mua bán nơi đây. Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã rất hào hứng khi ngồi trên tàu du lịch từ bến Ninh Kiều vào chợ nổi, từ đó hiểu hơn về khu chợ độc đáo này. Bà Ngà càng bất ngờ hơn khi đây là sáng kiến của Cần Thơ suốt 3 năm qua nhằm bảo tồn Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng”. “Tổ chức được thế này thì di sản chẳng những được bảo tồn tốt mà còn thu hút rất đông du khách”- bà Ngà nói.
Du khách thích thú chụp ảnh với các hoạt cảnh đậm nét văn hóa miền Tây tại Ngày hội. Ảnh: KIỀU MAI
Suốt những ngày qua, hàng loạt hoạt động hấp dẫn như Giải đua vỏ composite ĐBSCL lần IV; hoạt động chợ trên sông; hội thi tạo hình, trang trí từ các sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc trưng địa phương, hội thi sáng tạo quà lưu niệm; các gian hàng ẩm thực, bánh dân gian Nam bộ, viết thư pháp, triển lãm ảnh; giao lưu đờn ca tài tử trên chợ nổi… được tổ chức, thu hút đông khách tham quan, thưởng lãm. Thú vị nhất có lẽ là Giải đua vỏ composite ĐBSCL lần IV ngay trên sông Cần Thơ, đoạn gần cầu Cái Răng. Bà con và du khách đứng chật kín hai bên bờ kè để xem màn so tài của những “chiến binh” miền sông nước. Cô Phạm Thị Vân, người dân phường Lê Bình, quận Cái Răng, hứng khởi: “Hồi hộp từng thước nước, gay cấn quá! Tôi muốn tăng lên tổ chức 2 lần 1 năm để người dân coi cho thỏa”.
Du khách quốc tế tham quan Ngày hội. Ảnh: KIỀU MAI
Đã thành thông lệ, cứ đến đầu tháng 7 hằng năm, sông nước Cái Răng lại hội tụ khách phương xa về chung vui Ngày hội. Tiềm năng du lịch này rất dồi dào. Tuy nhiên, làm sao để du khách “chịu chi” khi đến chợ nổi, được phục vụ bởi đa dạng dịch vụ, thay vì chỉ “ngắm” như hiện nay là điều đáng bàn. Bên cạnh đó, làm sao để các thương hồ thấy được họ chính là “nhân vật chính” của Ngày hội.
Dần là sự kiện trên bản đồ du lịch
Ngày hội với không khí sôi nổi, nhiều hoạt động đậm bản sắc sông nước, đang thu hút sự quan tâm của du khách trong nước lẫn quốc tế. Những hoạt động này đều gắn liền với thực tiễn đời sống, phản ánh nếp sinh hoạt văn hóa của người dân vùng Tây Nam bộ.
Du khách thích thú với nông sản ngon, độc lạ. Ảnh: DUY KHÔI
Được du khách quan tâm nhất trong Ngày hội năm nay là hoạt động giới thiệu, quảng bá nông sản, đặc biệt là trái cây sạch. Có hơn 40 loại trái cây được trưng bày và bán tại gian hàng của Phòng Kinh tế quận Cái Răng, trong đó có nhiều loại trái cây đặc sản của địa phương: chanh không hạt, ổi không hạt, mít không hạt, cam mật, măng cụt… Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (Hà Nội): “Tôi thích các loại trái cây miền Tây, không chỉ tươi ngon mà giá cả hợp lý. Tại đây, các loại đều được niêm yết giá, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khi mua về sử dụng và làm quà tôi đều yên tâm”. So với những năm trước, các loại trái cây năm nay đa dạng hơn, có sức hút mạnh hơn. Anh Trần Văn Tùng (Hà Nội): “Đi chợ nổi, thưởng thức ẩm thực, mua trái cây... là trải nghiệm khá thú vị. Tuy nhiên, lúc trước tôi không mua về vì còn e ngại chất lượng. Nay được anh lái đò giới thiệu đến Ngày hội tham quan, tôi thấy các hoạt động ở đây khá hay, cũng an tâm mua các loại trái cây về vì biết rõ nguồn gốc từ các nhà vườn của địa phương”. Tại Ngày hội, công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên – đơn vị chuyên về nông sản sạch cũng đã giới thiệu đến với du khách gần chục loại trái cây được sản xuất theo sản xuất theo quy trình sinh học, khép kín. Với công nghệ này, đơn vị đã từng xuất khẩu trái cây ở nhiều thị trường của châu Âu, Á như: Thụy Sĩ, Canada, Trung Quốc. Ngoài ra, năm nay, đơn vị còn giới thiệu đến với du khách các quy trình sinh học làm ra sản phẩm sạch, nhất là kỹ thuật trồng thủy canh. Theo đó, Ngày hội đã dần trở thành cầu nối cho nhà vườn và du khách, từng bước hình thành điểm tiêu thụ nông sản sạch, cũng như chia sẻ các bí quyết trồng rau, trái cây an toàn.
Hoạt động hướng dẫn viết thư pháp tại Ngày hội rất vui và thu hút học sinh. Ảnh: DUY KHÔI
Các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống cũng thu hút đông đảo du khách tham quan, tìm hiểu. Du khách Nguyễn Hoàng Minh Nguyệt (Đà Nẵng), cho biết: “Tham dự Ngày hội, lần đầu tôi hiểu về quy trình dệt chiếu và đan thúng. Nhìn sản phẩm đơn giản nhưng làm không dễ và kỳ công lắm”. Tại đây có khoảng 5-6 nghệ nhân, trình diễn các nghề nổi bật của địa phương như: dệt chiếu, đan giỏ, đan thúng… Bàn tay khéo léo của họ thu hút không ít người xem và tìm hiểu về nghề thủ công này. Đưa làng nghề đến với ngày hội cũng là một hoạt động ý nghĩa khi nó góp phần gìn giữ và phát huy làng nghề.
Một không khí náo nhiệt khác diễn ra ở khu vực bày bán ẩm thực. Tại đây có hơn 30 gian hàng thu hút đông đảo du khách đến tham quan và thưởng thức. Các quầy bánh dân gian: bánh chuối, bánh da lợn, bánh bò, bánh lá… đều thu hút du khách. Chị Ngô Hồng Loan (Hà Nội), cho biết: “Các loại bánh ở đây không chỉ đa dạng mà còn ngon. Có nhiều loại tôi mới lần đầu thử, khá hấp dẫn. Tôi cho rằng đây là một hoạt động tốt để tạo điều cho người địa phương quảng bá được tay nghề, sản phẩm của mình và du khách cũng hào hứng đón nhận”. Trong khi đó, anh Nguyễn Thanh Minh (Kiên Giang), nói: “Tôi thấy Ngày hội tạo được thêm hoạt động cho chợ nổi, du khách có điểm dừng chân, mua sắm. Tuy nhiên, tôi nghĩ Ngày hội cần có nhiều hoạt động tương tác hơn nữa, nhất là các hoạt động cho du khách trải nghiệm. Nếu chỉ để du khách đến tham quan, mua sắm rồi về thì cũng đáng tiếc”.
Ngày hội bước đầu đã tạo được sức hút, quan tâm với nhiều du khách, từng bước tạo cho Cái Răng sản phẩm du lịch gắn liền việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng. Đây cũng là cơ hội để du khách trong nước và quốc tế hiểu hơn về nếp sinh hoạt, văn hóa của người dân Chợ nổi Cái Răng và Cần Thơ, cũng như ĐBSCL nói chung.
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, chỉ ra 3 nhiệm vụ mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND quận Cái Răng cần phối hợp thực hiện trong thời gian tới. Đó là quan tâm chỉnh trang cảnh quan môi trường sạch đẹp, thương hồ thân thiện, hiếu khách, gấp rút xây dựng trạm dừng chân chợ nổi Cái Răng trên đường Võ Tánh, phường Lê Bình để phục vụ khách. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Bảo tồn và phát huy Chợ nổi Cái Răng; thu hút đầu tư, liên kết du lịch để tạo “giá trị gia tăng” từ khu chợ độc đáo này. Trong những công việc này, vai trò của thương hồ và văn hóa mua bán trên sông phải được đặt lên hàng đầu bởi đây là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
ÁI LAM - VĨNH LỘC
http://baocantho.com.vn